Nỗi lo đuối nước trẻ em trong ngày hè

Thùy Dương - Y KRắk| 18/07/2014 09:42

Tại công trình thủy lợi đập dâng thôn 2, xã Quảng Tân (Tuy Đức), cứ khoảng từ 10 đến 11 giờ trưa và từ 4 đến 5 giờ chiều, hàng chục em nhỏ sống tại bon Bu Ndong A lại tụ tập tắm, chơi đùa quanh khu vực cống thoát nước.

ADQuảng cáo

Mặc cho dòng nước chảy xiết phía dưới, nhiều em đứng ngay trên lan can cầu nhảy, rơi tự do xuống dòng nước. Một số em mới chỉ khoảng từ 6 đến 7 tuổi nhưng vẫn theo anh chị nhảy xuống dòng nước tắm và đùa giỡn.

Trẻ em tắm tại đập thủy lợi thôn 2, xã Quảng Tân (Tuy Đức). Ảnh: T.D

Qua tìm hiểu thì ở những địa bàn quanh khu vực này chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, kinh tế khó khăn, bố mẹ bận đi làm rẫy ở xa nên trẻ em thường ở nhà một mình. Địa phương lại không có điểm vui chơi, giải trí cho thiếu nhi trong những ngày hè nên các em thường tự ý chơi ở khu vực ao, hồ, các đập thủy lợi. Thực tế là đã có trường hợp tử vong do bất cẩn chơi tại các khu vực cạnh ao, hồ, đập thủy lợi.

Ông Điểu Dương, một người dân trong bon Bu Ndong A cho biết: “Khi đập thủy lợi mới được hoàn thành, trẻ em thường hay rủ nhau ra ngay cống xả nước để tắm. Một lần, có một em nhỏ khoảng 8 tuổi, trong lúc ngồi trên bờ xem các bạn khác tắm thì buồn ngủ và rơi ngay xuống dòng nước. Do không biết bơi nên cháu đã tử vong. Gia đình cũng đã ngăn cấm các cháu không được chơi ở gần hồ, sông, suối nhưng lúc bố mẹ đi làm, các cháu lại rủ nhau ra đó chơi”.

Đuối nước đang gia tăng trong cộng đồng do nhiều nguyên nhân như môi trường không an toàn, người lớn chưa giám sát trẻ một cách chặt chẽ, kiến thức phòng tránh, sơ cứu của người dân còn hạn chế, nhiều trẻ không biết bơi.

ADQuảng cáo

Thông thường thì gia đình là nơi trẻ em được bảo vệ tốt nhất, nhưng một thực tế là hiện nay nhiều gia đình chưa quan tâm, quản lý và giám sát trẻ đúng mức. Đây cũng là chính là yếu tố khiến tỷ lệ tai nạn đuối nước ngày càng tăng.

Theo báo cáo của ngành chức năng thì trong năm 2013 và 6 tháng năm 2014, toàn tỉnh đã có 37 người chết đuối, chủ yếu là trẻ em, trong đó các huyện Tuy Đức, Đắk R’lấp có số trẻ đuối nước chiếm tỷ lệ cao.

Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp cho biết: “Tại các địa bàn xã Đắk Sin, Đạo Nghĩa, Hưng Bình là vùng dân cư sống dọc hai bên suối, do dó các đường dân sinh đều chạy qua suối. Những con đường này lại nhỏ hẹp, cầu qua cũ, không có lan can bảo vệ, biển báo thì thưa nên nguy cơ đuối nước cho học sinh là rất cao, kể cả người dân”.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thì đuối nước là một trong những tai nạn có thể phòng tránh được bằng các biện pháp như cho dạy trẻ học bơi, hướng dẫn trẻ các kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi như: vận động trước khi xuống nước, an toàn trên mặt nước khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy hay cách sơ cứu người khi bị sặc nước; Các kỹ năng cứu đuối phù hợp với lứa tuổi.

Tại những nơi có nguy cơ cao gây đuối nước cho trẻ thì cần có biển báo, rào chắn, bảo vệ. Điều quan trọng nhất, bố mẹ hãy nỗ lực phối hợp cùng toàn xã hội phòng chống đuối nước hiệu quả cho con em mình, tránh những cái chết thương tâm như hiện nay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lo đuối nước trẻ em trong ngày hè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO