Những mô hình thoát nghèo của Hội Phụ nữ thị trấn Đắk Mâm

Hoàng Bảo| 19/05/2015 09:39

Qua 4 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, Hội Phụ nữ thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô) đã xây dựng được nhiều mô hình, cách làm sáng tạo để góp phần giúp đỡ hội viên xóa đói giảm nghèo, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư.

ADQuảng cáo

Theo đó, trên tinh thần phát động của Hội LHPN huyện là mỗi xã, thị trấn xây dựng ít nhất một mô hình làm theo Bác, Hội phụ nữ thị trấn đã lựa chọn, thống nhất xây dựng các mô hình như: 3 trong 1, Vào bật ra tắt, Hũ gạo tiết kiệm, Nuôi heo đất, Tiết kiệm, Áo trắng tiếp bước cho em đến trường…

Tiết kiệm tiền bỏ vào heo đất giúp chị em nghèo đã trở thành thói quen của bà Nguyễn Thị Hợi ở bon Dru, thị trấn Đắk Mâm

Từ những mô hình được khởi xướng đó, các chi hội cơ sở thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để chị em hiểu, tích cực hưởng ứng. Với ý nghĩa là hướng về đối tượng phụ nữ, hộ gia đình, trẻ em nghèo, nên đã tạo được phong trào thi đua sôi nổi giữa các chi hội, hội viên trong việc thực hiện có hiệu quả các mô hình.

Có thể kể đến như mô hình tiết kiệm điện “Vào bật ra tắt” đã trở thành điểm nhấn của việc làm theo Bác, bởi hội viên nào cũng làm được vì đơn giản, dễ thực hiện, chỉ cần có nhận thức đúng là được. Vì vậy, từ 1 chi hội làm điểm với 10 thành viên, đến cuối năm 2014, toàn thị trấn đã có 8/14 chi hội đăng ký thực hiện với 216 thành viên tham gia.

ADQuảng cáo

Số tiền tiết kiệm được, mỗi chị đóng 10.000 đồng/tháng để gây quỹ giúp chị em nghèo vay vốn. Điều ghi nhận, mô hình “Vào bật ra tắt” đã hình thành thói quen tiết kiệm cho chị em cũng như các thành viên trong gia đình trong sử dụng điện sinh hoạt.

Chị Nguyễn Thị Hợi, ở bon Dru, cho biết: Từ khi Hội phụ nữ phát động phong trào tiết kiệm điện “Vào bật, ra tắt”, tôi thường xuyên nhắc nhở các thành viên trong gia đình cùng thực hiện và kết quả đã tiết kiệm được mỗi tháng khoảng 50.000 đồng. Mặc dù không nhiều, nhưng thực sự đã giúp tôi và gia đình xây dựng, hình thành thói quen sống tiết kiệm, không phung phí tiền bạc, công sức vào những việc không cần thiết. Mặt khác, tiết kiệm trong việc sử dụng điện là nhằm chia sẻ với chị em có hoàn cảnh khó khăn, nên càng có ý nghĩa thiết thực, ai cũng cố gắng thực hiện.

Còn mô hình “3 trong 1” (3 hội viên khá giúp 1 hội viên nghèo) cũng đã phần nào thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, tinh thần trách nhiệm của người cán bộ hội đối với hội viên. Ngoài các mô hình trên, các cấp hội thị trấn Đắk Mâm còn xây dựng mô hình Hũ gạo tiết kiệm, đến nay quyên góp được gần 1,4 tấn gạo và gần 12 triệu đồng, kịp thời hỗ trợ cho 27 gia đình hội viên gặp khó khăn, hoạn nạn đột xuất. Các hoạt động hưởng ứng phong trào Hỗ trợ nhà tranh tre dột nát cho phụ nữ nghèo, Áo trắng tiếp bước cho em đến trường cũng được duy trì đều đặn.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Khai, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Đắk Mâm, xác định việc học tập và làm theo Bác Hồ phải bắt đầu từ những việc cụ thể, sát thực, hiệu quả, Hội đã tập trung các hoạt động vào việc giúp đỡ phụ nữ nghèo thoát nghèo. Hội chỉ đạo, hướng dẫn các chi hội tổ chức các buổi sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, chăm sóc, nuôi dạy con cái, xây dựng kế hoạch chi tiêu hợp lý, tiết kiệm cho hội viên.

Riêng về phía Hội phụ nữ thị trấn thì chủ động phối hợp với các cơ quan tổ chức các hoạt động hỗ trợ vốn, kiến thức khoa học kỹ thuật, dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ, xây dựng mái ấm tình thương… Với tinh thần trách nhiệm cao trong việc giúp hội viên xóa đói giảm nghèo, 4 năm qua, trên địa bàn thị trấn đã có 37 phụ nữ nghèo làm chủ hộ đã thoát nghèo (đạt 180% so với chỉ tiêu giao). Riêng năm 2014, Hội có 8 chị thoát nghèo từ mô hình “3 trong 1” và mô hình này đã được Huyện ủy Krông Nô đưa vào nghị quyết xóa đói, giảm nghèo năm 2015 để nhân rộng ra toàn huyện.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những mô hình thoát nghèo của Hội Phụ nữ thị trấn Đắk Mâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO