Những mô hình hay, cách làm tốt trong hoạt động nhân đạo

Hoàng Bảo| 09/01/2018 09:45

Tại Hội nghị tổng kết công tác hội và phong trào chữ thập đỏ (CTĐ) Cụm thi đua các tỉnh Tây Nguyên năm 2017 vừa được tổ chức ở thị xã Gia Nghĩa mới đây, Hội CTĐ các tỉnh đã chia sẻ về những cách làm hay trong tuyên truyền, vận động, huy động sự tham gia của các cấp, các ngành vào công tác nhân đạo.

ADQuảng cáo

Các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp, ủng hộ Bếp ăn tình thương. Ảnh: Vũ Trang

Các hộ nghèo cùng sẻ chia trách nhiệm

Với phương châm “trao cần câu chứ không trao con cá”, trong quá trình triển khai Dự án “Ngân hàng bò”, Hội CTĐ tỉnh Lâm Đồng đã có những ý tưởng, cách làm hay để các hộ nghèo được hưởng lợi cùng cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm. Theo đó, Dự án hỗ trợ tỉnh 800 triệu đồng để mua bò tặng hộ nghèo. Tuy nhiên, sau khi họp bàn, Hội CTĐ tỉnh nhận thấy, với số tiền trên không đủ để mua 80 con bò, nên vận động địa phương nơi có hộ dân được hưởng lợi đối ứng thêm 300 triệu đồng.

Theo quy định, sau khi bò giống sinh ra bê con, gia đình nhận bò sẽ chuyển giao bê con cho hộ khác. Thay vì làm như một số tỉnh khác là, khi có bê con mới tiến hành lựa chọn, bình xét hộ tiếp nhận, thì ở tỉnh Lâm Đồng, ngay từ đầu, Hội CTĐ đã chủ trương chọn luôn 2 hộ, một hộ nhận bò ban đầu và một hộ nhận bê con do con bò giống này sinh ra.

Theo lý giải của ông Đỗ Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Lâm Đồng, sở dĩ chọn như vậy là nhằm để hai hộ cùng cộng đồng trách nhiệm trong đảm nhận việc chăm sóc vật nuôi. Ông Tuấn cho biết: “Chúng tôi làm như vậy để hộ nhận sau có trách nhiệm giám sát hộ trước trong chăn nuôi, tránh trường hợp bán hoặc làm thịt. Hơn nữa, việc này cũng giúp cho các hộ nhận thấy được ý nghĩa của việc chăn nuôi bò để có sự chăm sóc chu đáo. Lựa chọn ngay từ ban đầu sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho bình xét, có nghĩa là một công đôi việc”.

Dĩa cơm trên tường

Tại tỉnh Đắk Lắk, hơn một năm nay, mô hình nhân đạo “Dĩa cơm trên tường” do Sở Y tế triển khai, không những giúp những người bệnh vượt qua nỗi đau, nỗ lực điều trị, mà còn tạo cầu nối cho những y, bác sĩ, nhà hảo tâm có cơ hội thực hiện trách nhiệm với cộng đồng.

ADQuảng cáo

Tất cả số tiền đóng góp của các nhà hảo tâm sẽ được chuyển đổi để in ra thành phiếu ăn và được các tình nguyện viên phát tận tay bệnh nhân và người nhà có hoàn cảnh khó khăn. Bệnh nhân chỉ cần cầm phiếu ăn tới căn tin hoặc quán ăn mà chương trình đã liên kết sẽ được phục vụ như mọi khách bình thường khác. Trong trường hợp bệnh nhân không đến căng tin được thì sẽ có nhân viên căng tin hoặc đội ngũ tình nguyện viên mang tới phục vụ tại giường bệnh.

Khởi đầu từ 20 suất cơm, đến tháng 9/2017, chương trình đã tổ chức phát 7.000 suất cơm mỗi tháng cho các bệnh nhân và người nhà có hoàn cảnh khó khăn.

Đội ngũ y, bác sĩ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cất cao lời ca thiện nguyện trong Đêm nhạc Blouse trắng gây quỹ ủng hộ Bếp ăn tình thương. Ảnh: Vũ Trang

Đêm nhạc Bluose trắng

Năm 2017, lần đầu tiên, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông phối hợp tổ chức “Đêm nhạc Blouse trắng” với chủ đề “Đĩa cơm nghĩa tình” gây quỹ ủng hộ Bếp ăn tình thương. Tại đêm nhạc, với tấm lòng thiện nguyện, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã nhiệt tình tài trợ, đóng góp kinh phí để cùng góp sức chăm lo, giúp đỡ bệnh nhân nghèo có những bữa ăn miễn phí, vượt qua khó khăn trong hoàn cảnh ốm đau, bệnh tật. Qua đó, chương trình đã trao tặng Bếp ăn tình thương Bệnh viện Đa khoa tỉnh 200 triệu đồng; Bệnh viện đa khoa các huyện Đắk Glong, Đắk Song, Tuy Đức và Đắk Mil, mỗi bệnh viện 70 triệu đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh, đây là một chương trình ý nghĩa và thiết thực, không chỉ góp phần giúp các bếp ăn tình thương có thêm điều kiện hoạt động hiệu quả mà còn làm cầu nối giữa các tổ chức, cá nhân có tấm lòng thiện nguyện với bệnh nhân nghèo, giúp họ vững tin vào cuộc sống.

Riêng bếp ăn tình thương các huyện đã vận động xây dựng quỹ hoạt động từng năm với số tiền hơn 4 tỷ đồng. Từ năm 2007 đến tháng 10/2017, các bếp ăn tình thương đã phục vụ miễn phí 543.638 suất cơm cho bệnh nhân nghèo, với tổng trị giá hơn 6,7 tỷ đồng.

Hiện nay, tỉnh Ðắk Nông đã thành lập được 5 bếp ăn tình thương và 2 bếp ăn phục vụ cơm, cháo định kỳ hàng tuần đặt tại các bệnh viện tỉnh, huyện. Tính đến tháng 10/2017, Ban Chỉ đạo Bếp ăn tình thương vì bệnh nhân nghèo tỉnh đã tiếp nhận sự đóng góp, ủng hộ của 195 cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh với tổng số tiền hơn 3,6 tỷ đồng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những mô hình hay, cách làm tốt trong hoạt động nhân đạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO