Người dân Suối Phèn ước mơ được làm "công dân"

Phan Tuấn - Văn Tâm| 14/11/2017 14:22

Gần 20 năm trước, hàng chục hộ dân ở các tỉnh, thành phía Bắc di cư tự do vào xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông sinh sống dọc theo suối Phèn và dần dà hình thành nên ngôi làng mang tên Suối Phèn. Đây là tên gọi của người dân nơi đây chứ chưa được pháp lý công nhận, đồng thời cũng chưa có tên trên bản đồ hành chính của xã và của huyện Đắk Glong.

ADQuảng cáo

Kỳ 1: Lập bản giữa chốn... rừng sâu

Khu vực rừng phòng hộ thuộc địa bàn xã Quảng Hòa trước đây được giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn  quản lý có địa bàn hiểm trở, đồi núi cheo leo. Thế nhưng, gần 20 năm trước, rất nhiều hộ gia đình người Mông đã tự ý vào đây để dựng nhà, phá rừng làm nương rẫy. Họ quần tụ thành bản làng sống giữa chốn rừng thiêng nước độc.

Đường vào Suối Phèn trên địa bàn thôn 12, xã Quảng Hòa (Đắk Glong)

Sau nhiều cuộc hẹn, phải chờ trời khô ráo cả tuần lễ thì ông Nguyễn Bá Thủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa mới tự tin dẫn chúng tôi đến với bản Suối Phèn. Đây là ngôi làng do người dân di cư tự do tự thành lập cách đây gần 20 năm, nay thuộc địa phận thôn 12 của xã Quảng Hòa.

Vượt qua gần 25 km đường đèo dốc, lầy lội, vực sâu hiểm trở… điểm dân cư Suối Phèn hiện hình như một khoảng màu lạc lõng lọt thỏm giữa chốn rừng sâu heo hút. Để có đất định cư, người dân nơi đây đã bạt núi làm nên những ngôi nhà gỗ, lợp tôn nằm san sát nhau chạy dọc theo hai bên dòng Suối Phèn.

Ngôi làng “không tên”

Người đầu tiên trong bản Suối Phèn mà chúng tôi tiếp xúc là ông Giàng A Páo (SN 1957). Ông Páo là một trong những người đầu tiên dẫn họ hàng “đổ bộ” khu vực rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà gỗ rộng rãi, xây dựng theo kiến trúc truyền thống của người Mông, ông Páo cho hay: “Ngày trước, khi còn ở Lào Cai, gia đình chúng tôi năm nào cũng chạy lũ. Rồi một ngày cách đây gần 20 năm, lũ quét đã cuốn trôi tất cả nhà cửa, ruộng vườn. Trong cảnh màn trời chiếu đất, chúng tôi nghe nói ở Tây Nguyên đất rộng, người thưa nên vào đây để kiếm kế sinh nhai. Nhưng không ngờ, bây giờ lại “bị kẹt” ở trong này vì không thể làm được các loại giấy tờ tùy thân của một công dân”.

Cũng theo ông Páo, đến nay, tại Suối Phèn đã có 2 – 3 thế hệ con cháu của những người di dân tự do như ông được sinh ra và lớn lên nhưng chúng chủ yếu vẫn chưa bước ra được khỏi  "cánh cửa rừng"  vì không có bất cứ một loại giấy tờ tùy thân nào.

Những ngôi nhà xây dựng kiên cố nằm rải rác trong khu vực rừng phòng hộ

Ông Nguyễn Bá Thủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa cho biết: 18 năm về trước, tình hình dân di cư tự do di chuyển vào xã Quảng Hòa diễn biến hết sức phức tạp. Họ kéo đến nườm nượp. Có lúc bà con thuê cả xe khách 54 chỗ vận chuyển người từ Bắc vào rồi "đổ bộ" xuống những khu vực rừng nguyên sinh. Mặc dù, chúng tôi mất ăn mất ngủ để thuyết phục, ngăn chặn không để bà con xâm phạm vào những khu vực rừng phòng hộ trọng yếu, nhưng trong suốt gần 20 năm, số lượng dân di cư tự do đến địa bàn xã Quảng Hòa là rất nhiều.

Riêng điểm Suối Phèn, đầu năm 2000, tại vùng lõm khu vực rừng phòng hộ này chỉ có trên 5 - 7 hộ dân từ tỉnh Lào Cai vào phá rừng làm rẫy. Thế nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn đã thấy hàng trăm hộ dân khác kéo đến dựng lán trại. Cái tên Suối Phèn chính là một bản làng âm thầm xuất hiện như vậy. Theo lý giải của ông Nguyễn Bá Thủy, thì điểm dân cư Suối Phèn là cái tên gọi do bà con di cư tự do tự đặt ra trên cơ sở tên con suối chảy qua khu vực họ sinh sống. Còn trên thực tế, đã 18 năm qua, điểm dân cư này chưa có tên trên bản đồ hành chính của xã. Khu vực mà bà con nơi đây đang ở thuộc địa bàn hành chính của thôn 12, xã Quảng Hòa hiện nay.  

Gần 18 năm chiếm dụng đất rừng, đời sống của những hộ dân di cư tự do ở khu vực Suối Phèn vẫn còn chồng chất những khó khăn

Những công dân chưa được pháp luật thừa nhận

Do cư trú bất hợp pháp nên tất cả người dân ở Suối Phèn không ai làm được sổ hộ khẩu và làm chứng minh nhân dân. Câu chuyện không có giấy tờ tùy thân đã nảy sinh không ít chuyện bi hài cho bà con nơi đây cũng như công tác quản lý nhà nước về nhân khẩu.

Anh Cư A Chữ, một người dân trong điểm dân cư này cho hay: “Mình dành dụm được số tiền đi mua một chiếc xe máy nhưng không làm được giấy tờ. Vì thế, mình phải nhờ người khác đứng tên hộ rồi thực hiện mua bán lại bằng giấy viết tay”. Mặt dù không làm được thủ tục mua bán, nhưng do nhu cầu bức thiết nên ở đây nhà nào cũng phải sắm một chiếc xe gắn máy.

ADQuảng cáo

Ông Thào A Dình, người phụ trách cụm dân này cho hay: “Suối Phèn cách trung tâm xã trên 25 km, nếu đi bộ phải mất một ngày đường cả đi lẫn về. Vì vậy, nhà nào cũng phải cố gắng mua cho được chiếc xe máy để đưa con đi học, đi chợ, đưa người bệnh đi khám…”.

Thế nhưng, bà con chỉ sử dụng xe máy trong trường hợp cần thiết mà thôi, còn bình thường thì để ở nhà. Ông Giàng A Phiên, người dân trong khu vực bộc bạch: “Tôi chỉ dám đi xe ra đến gần xã khoảng 5 km rồi gửi xe đi bộ. Vì mình không có giấy phép lái xe nên sợ bị phạt”.

Chiếc xe máy là tài sản quan trọng của bà con nhưng phải nhờ người khác đứng tên

Theo thống kê, khu dân cư này hiện có trên 100 chiếc xe gắn máy, nhưng hầu như tất cả đều không có giấy tờ hợp lệ. Theo ông Phiên thì khi gia đình có chuyện cấp bách, mọi người dậy từ 3 – 4 giờ sáng để chạy xe ra xã Quảng Sơn, thị xã Gia Nghĩa hay sang xã Đạ R’San, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) lo công việc xong là chạy xe về sớm vì đi muộn hơn sợ gặp công an giao thông.

Anh Cư A Chữ buồn bã nói thêm: “Khi có việc cần lắm chúng tôi mới đi ra khỏi bản mà cũng đi như lén lút, còn hầu như không dám đi đâu. Bây giờ chúng tôi chẳng khác gì người rừng”.

Do việc đi lại khó khăn nhiều người cả năm không ra khỏi làng

Anh Giàng Seo Phỏng (SN 1995), người được sinh ra khi mới đặt chân đến Tây Nguyên cho biết: “Gia đình tôi di cư vào xã Quảng Hòa đến nay gần 18 năm. Từ một cậu bé chỉ biết quanh quẩn theo người lớn vào rừng, đến nay tôi đã lấy vợ và có con”. Anh Phỏng còn cho hay, gia đình anh có 11 anh chị em. Trong số anh chị em của Phỏng chỉ có một người được đi học và cũng bỏ giữa chừng vì không có hộ khẩu ở địa phương. Bản thân anh cũng muốn “thoát ly” khỏi chốn rừng sâu này, nhưng cũng không đi được vì không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào.

Ông Nguyễn Bá Thủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa cho rằng: Việc cấp sổ hộ khẩu cho bà con ở Suối Phèn, với 74 hộ, hơn 400 nhân khẩu, theo quy định của pháp luật thì xã không đủ điều kiện để cấp cho người dân. Mặc dù bà con vào đây từ trước những năm 2000, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được các thủ tục này. Chưa được làm sổ hộ khẩu, đương nhiên bà con sẽ không có chứng minh nhân dân. Do đó, đối với bà con thì mọi quyền công dân hầu như không có. Đây là những vấn đề bức xúc và những tồn tại hạn chế nhất trong quá trình quản lý nhà nước ở lĩnh vực này.

Con cái… mang họ mẹ

Có mặt tại khu vực Suối Phèn thuộc thôn 12, xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong vào những ngày này, đi qua những cánh rừng lồ ô, tre nứa, đến đâu cũng bắt gặp những cặp vợ chồng địu cả con nhỏ ra vệ đường ngồi bóc vỏ măng rừng.

Dừng chân nói chuyện với nhiều hộ gia đình, điều khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ là ở đây trẻ em sinh ra đều mang họ mẹ, dù cho đây không phải là truyền thống của dân tộc họ. Anh Giàng A Dế (1979) và chị Vàng Thị Dinh (1982) cách đây ít năm đã lấy nhau theo phong tục của bản làng. Hiện nay, anh đã có hai con nhưng vợ chồng anh chưa có giấy chứng nhận kết hôn theo quy định bởi cả hai không ai có hộ khẩu.

Anh Dế cho biết: “Tôi theo bố mẹ vào đây từ khi còn rất nhỏ. Đến khi lập gia đình riêng, do không có hộ khẩu, chứng minh nhân dân nên lúc cưới vợ, chúng tôi không đăng ký được giấy chứng nhận hôn nhân”. Cũng từ khúc mắc này, khi vợ chồng anh Dế sinh con, việc làm giấy khai sinh cho những đứa con cũng là một vấn đề nan giải.

Anh Dế giải bày: “Do vợ chồng tôi không có gấy kết hôn nên xã cho các con tôi mang họ mẹ. Phong tục của người Mông chúng tôi khi con cái sinh ra phải mang họ bố. Giờ tôi không biết phải làm gì để “trả” lại họ cho con theo đúng phong tục tập quán từ bao đời nay”.

Cũng lâm vào tình thế khó xử như vợ chồng anh Dế, ở Suối Phèn còn có hàng trăm cặp vợ chồng với gần 300 cháu sinh ra đều phải mang họ mẹ…

Hầu hết trẻ em ở khu vực Suối Phèn sinh ra đều mang họ mẹ

Để có thể đăng ký được giấy chứng nhận hôn nhân, những đôi vợ chồng trẻ tương lai phải có Sổ hộ khẩu. Và câu chuyện dường như rất đúng với các thủ tục pháp lý này đã khiến cho hàng trăm cặp vợ chồng ở Suối Phèn sống với nhau, sinh con đẻ cái gần 20 năm mà không được pháp luật công nhận. Rồi đến lượt con cái họ lớn lên, dựng vợ, gã chồng, rồi cũng sống chung với nhau một cách bất hợp pháp nếu những "nút thắt" về pháp lý này chưa được gỡ.

>> Kỳ 2: Tương lai… mịt mù!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân Suối Phèn ước mơ được làm "công dân"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO