Nâng cao hoạt động giao dịch tại các điểm xã, phường, thị trấn: Tạo thuận lợi cho người dân vay vốn

Nguyễn Lương| 27/01/2015 09:29

Từ nhiều năm nay, cứ đến ngày 13 hàng tháng, tất cả các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), cũng như nhiều người dân trên địa bàn xã Quảng Hòa (Đắk Glong) lại tập trung về điểm giao dịch tại UBND xã để thực hiện vay vốn, trả tiền vay, nộp lãi, gửi tiết kiệm.

ADQuảng cáo

Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH Đắk Glong hướng dẫn người dân làm các thủ tục tại điểm giao dịch xã Quảng Hòa

Bà Tương Thị Diệu, ở thôn 1, là một trong những hộ gia đình thường xuyên đến điểm giao dịch để trả tiền vay. Bà Diệu cho biết: “Gia đình tôi vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Đắk Glong gần 60 triệu đồng từ nhiều chương trình. Với mục đích không để dồn tiền đến cuối kỳ hạn nên mỗi tháng ngoài các khoản tiền lãi, gửi tiết kiệm, tôi còn dành dụm thêm để trả bớt nợ gốc. Trước đây, để làm các thủ tục này, tôi phải ra tận trụ sở phòng giao dịch thực hiện, vừa tốn thời gian, chi phí đi lại. Còn bây giờ, với điểm giao dịch tại xã, có thời gian làm việc cụ thể được báo trước, người dân đã được tạo điều kiện rất nhiều”.

Không chỉ tạo điều kiện cho người dân được giao dịch thuận lợi hơn, mà với những thành viên nằm trong các ban quản lý tổ TK&VV ở cơ sở, khi có điểm giao dịch ở UBND xã, họ cũng giảm bớt được rất nhiều thời gian.

Ông Vi Văn Thoa, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn 10 cho hay: “Hiện tại, tổ có hơn 50 thành viên, với dư nợ tại NHCSXH là hơn 1 tỷ đồng. Hàng tháng, để tổ hoạt động hiệu quả, tất cả các khâu từ thu nợ, lãi, tiền gửi tiết kiệm phải được thực hiện một cách kịp thời. Điều đáng mừng là khi các điểm giao dịch tại xã hoạt động, với thời gian cụ thể, cũng như có cán bộ ngân hàng đến giao dịch nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho Ban quản lý tổ. Ngoài việc thực hiện chuyên môn, ngay tại điểm giao dịch, các tổ trưởng còn được đội ngũ cán bộ ngân hàng hướng dẫn nghiệp vụ sổ sách, cũng như triển khai nhiều chính sách mới, từ đó, giúp tôi nắm bắt kịp thời hơn”.

ADQuảng cáo

Để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tại các điểm giao dịch, các cán bộ tín dụng của ngân hàng cũng phải nỗ lực rất nhiều.

Chị H’Huệ, cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch NHCSXH Đắk Glong chia sẻ: “Hàng tháng, Phòng Giao dịch đều cử cán bộ tín dụng đến từng điểm giao dịch để tiếp nhận ý kiến, đơn thư của người dân, các hội, đoàn thể được ủy thác cho vay vốn. Đây cũng là dịp để cán bộ ngân hàng giải thích, hướng dẫn những vấn đề người dân chưa hiểu về chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Nhờ vậy, người dân hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa của các chương trình cho vay vốn ưu đãi, từ đó, tham gia giám sát, giúp ngân hàng hạn chế tối đa những sai sót, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn”.

Theo ông Bùi Thọ Tiếu, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đắk Glong thì hiện nay, toàn huyện có hơn 142 tổ TK&VV, với gần 6.680 tổ viên.  Để các chương trình cho vay thực sự đến tận tay người dân, đơn vị thường xuyên nâng cao hoạt động, chất lượng các tổ giao dịch lưu động tại các xã. Cứ vào các ngày cố định, tại mỗi điểm giao dịch, ngân hàng sẽ phân công từ 3 đến 5 cán bộ phụ trách thực hiện giao dịch với người dân.

Thông qua hoạt động giao dịch, ngoài công tác thu, giải ngân vốn, các vướng mắc, sai sót của người dân trong việc lập hồ sơ, thủ tục vay vốn sẽ được cán bộ ngân hàng giải đáp. Nhờ vậy, đến nay, tất cả 6 điểm giao dịch tại các xã đều hoạt động tốt, góp phần không nhỏ trong công tác giải quyết vướng mắc, khó khăn, cũng như mang nguồn vốn ưu đãi đến cho các hộ thuộc diện ưu đãi.

Theo ông Trần Mốt, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Đắk Nông thì tính đến hết năm 2014, toàn tỉnh có 71 điểm giao dịch xã, phường, thị trấn. Đến nay, tỷ lệ cho vay tại các điểm giao dịch này cũng đã chiếm hơn 95% tổng dư nợ của NHCSXH. Hầu hết, các điểm giao dịch xã, phường, thị trấn ngày càng hoạt động ổn định, mang lại hiệu quả cao, Định kỳ hàng tháng, đơn vị tổ chức các tổ giao dịch để thực hiện cho vay, thu nợ, lãi, thu tiền gửi tiết kiệm, cũng như thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng đối với các hộ gia đình nằm trong diện thụ hưởng. Thông qua hoạt động này, ngân hàng vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vừa tăng cường được sự theo dõi quản lý, kiểm tra giám sát đối với hoạt động tín dụng, chính sách xã hội của cấp ủy, chính quyền cơ sở.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hoạt động giao dịch tại các điểm xã, phường, thị trấn: Tạo thuận lợi cho người dân vay vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO