Mở rộng diện bao phủ Bảo hiểm y tế: Phải tiếp tục nghiên cứu, có các giải pháp khả thi

Vũ Trang| 18/06/2019 08:36

Những năm qua, với nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả, việc mở rộng, phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) đã đạt được nhiều kết quả, khẳng định tính đúng đắn, thiết thực trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, mục tiêu hoàn thành lộ trình BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các cấp, các ngành tiếp tục nghiên cứu, tìm giải pháp phù hợp để thực hiện chính sách ổn định, bền vững.

ADQuảng cáo

Bà Nguyễn Thị Hoa (bên trái), nhân viên đại lý thu BHYT phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) đăng ký làm thẻ BHYT cho người dân

Bao phủ BHYT đạt 86%

Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, thời gian qua, cùng với việc thực hiện Chỉ thị số 38/CT-TW ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới” và Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH và BHYT giai đoạn 2012-2020”, diện bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh gia tăng đáng kể. Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có hơn 525.000 người tham gia BHYT, tăng 25% so với năm 2009. Tổng số thu BHYT cũng tăng 81,4%. Như vậy, đến nay, độ bao phủ BHYT của tỉnh đã đạt 86% dân số.

Để có được kết quả trên, cùng với việc nỗ lực tuyên truyền, vận động, công tác xây dựng chính sách, pháp luật về BHYT phù hợp đã đóng vai trò quan trọng, tạo thuận lợi lớn cho quá trình phát triển, mở rộng diện bao phủ BHYT. Điều này được thể hiện rõ nhất qua việc sửa đổi bổ sung một số điều của luật BHYT, có hiệu lực từ năm 2015 với một số quy định tác động trực tiếp đến số người tham gia BHYT. Cụ thể như việc thực hiện BHYT theo hộ gia đình với mức đóng giảm dần cho thành viên thứ hai trở đi; thực hiện thông tuyến khám, chữa bệnh theo lộ trình; điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT theo hướng tính đúng, tính đủ...

Bên cạnh đó, quyền lợi của người tham gia BHYT cũng ngày càng được bảo đảm, thể hiện qua số lượt khám, chữa bệnh BHYT liên tục tăng qua các năm, tương ứng với chi phí khám, chữa bệnh được chi từ Quỹ BHYT tăng. Cụ thể, so với năm 2009, tần suất khám, chữa bệnh BHYT của năm 2018 tăng 0,47 lượt/người/năm; số lượt người khám, chữa bệnh BHYT tăng 69,4%; chi phí khám, chữa bệnh BHYT tăng 91%.

Hoàn thành lộ trình khó khăn

Theo BHXH tỉnh, mặc dù số lượng người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh đã tăng dần theo từng năm, nhưng xét về lâu dài, sự gia tăng này khó bền vững. Bởi lẽ, phần lớn người tham gia BHYT đều tập trung ở nhóm đối tượng được Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn như người nghèo, đối tượng chính sách, dân tộc thiểu số, đối tượng bắt buộc tham gia BHYT… Riêng nhóm đối tượng tham gia theo hộ gia đình vẫn còn rất thấp.

Cụ thể, đến nay, tỷ lệ tham gia BHYT hộ gia đình mới chỉ đạt 13,9% trên tổng số đối tượng thuộc diện tham gia BHYT. Điều này đặt ra vấn đề là khi có sự điều chỉnh thay đổi chính sách sẽ dễ dẫn đến sự biến động về tỷ lệ tham gia BHYT theo hướng giảm xuống, nhất là với nhóm được hỗ trợ đóng ở mức cao. Đơn cử, thời điểm năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 582/QĐ-TTG ngày 28/4/2017 phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, Đắk Nông có 71 xã khu vực I, II, III và 229 thôn đặc biệt khó khăn. So với giai đoạn 2012-2015, giảm 50 thôn đặc biệt khó khăn, các xã thuộc khu vực I, II, III cũng có sự thay đổi. Sau thời điểm này, toàn tỉnh có khoảng 36.000 người không còn thuộc đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT. Đây là nguyên nhân khiến số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh sụt giảm mạnh, tỷ lệ bao phủ BHYT giảm 5%.

ADQuảng cáo

Ông Hồ Tấn Lộc, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: “Tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh đã đạt 86%. Tuy nhiên, càng gần mục tiêu BHYT toàn dân thì việc hoàn thành lộ trình lại càng khó khăn vì tỷ lệ bao phủ còn lại là nhóm đối tượng khó vận động tham gia nhất, chủ yếu thuộc diện tham gia BHYT hộ gia đình, trong đó đa phần là lao động tự do, nông dân”.

Một khó khăn khác trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT hiện nay là chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn còn hạn chế, chưa đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao đa dạng của người dân.

Cơ quan BHXH cần phối hợp với ngành Y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để thu hút người dân tham gia BHYT một cách bền vững

Hướng đến phát triển bền vững

Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 38/CT-TW ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông mới đây đã xác định, với mục tiêu ngày càng cao đòi hỏi công tác mở rộng diện bao phủ BHYT phải được quan tâm đầu tư nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, có các giải pháp khả thi, thúc đẩy quá trình triển khai hiệu quả hơn.

Tại hội nghị, một số sở, ngành, địa phương đã nghiên cứu, trao đổi một số vấn đề, giải pháp liên quan đến việc phát triển, mở rộng diện bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, thời gian tới, tỉnh cần thực hiện hiệu quả hơn việc giao chỉ tiêu phát triển BHYT từng năm với từng địa bàn, đồng thời, nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT. Công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng hàng đầu và phải được tăng cường hơn, trong đó chú trọng các hình thức truyền thông, vận động trực tiếp, kết hợp với thông tin qua các phương tiện truyền thông đại chúng, bảo đảm thông điệp về lợi ích của BHYT được lan tỏa cả bề rộng lẫn chiều sâu. Hệ thống đại lý thu BHYT phải tiếp tục được tăng cường về số lượng và chất lượng.

Với xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin đang được cơ quan BHXH đẩy mạnh, đội ngũ cán bộ đại lý thu phải luôn sẵn sàng cập nhật, đóng vai trò hướng dẫn, tư vấn người dân về những quy định mới, ứng dụng mới liên quan đến thẻ BHYT, quyền lợi, tạo thuận tiện cho người dân tiếp cận các thông tin về BHYT, kịp thời thông báo khi thẻ BHYT sắp hết hạn để tiếp tục tham gia, bảo đảm liên tục.

Đặc biệt, Nghị quyết 20-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về “Tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới” cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80% và đạt trên 90% vào năm 2030. Mục tiêu này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển đối tượng tham gia BHYT. Bởi lẽ, việc người dân hài lòng với chất dịch vụ lượng khám, chữa bệnh nói chung và khám, chữa bệnh BHYT nói riêng chính là “đòn bẩy” quan trọng để thu hút tham gia BHYT một cách bền vững.

Vì vậy, cơ quan BHXH cần phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong việc nâng cao chất lượng, bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT cho người dân từ công tác cải cách hành chính, thực hiện các thủ tục liên quan đến thẻ BHYT, thanh toán BHYT đến quá trình thụ hưởng các dịch vụ khám, chữa bệnh…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng diện bao phủ Bảo hiểm y tế: Phải tiếp tục nghiên cứu, có các giải pháp khả thi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO