Mở ra hướng đi cho nghề dệt thổ cẩm (kỳ 3): Tín hiệu vui cho thổ cẩm

Thanh Nga| 03/01/2020 08:55

Thổ cẩm là giá trị văn hóa bao đời của các dân tộc thiểu số (DTTS). Không còn “bó hẹp” trong đời sống của các DTTS, ngày nay, thổ cẩm đã có những tín hiệu vui và đang được ứng dụng ngày càng phong phú, rộng rãi trong đời sống hiện đại.

ADQuảng cáo

Ứng dụng đa dạng

Không chỉ được ứng dụng trong tà áo dài mà hiện nay các lĩnh vực thời trang khác, thổ cẩm cũng được ứng dụng khá rộng rãi.

Chị Mai Thị Thanh Trà, nhân viên UBND xã Ðắk Nia (Gia Nghĩa) chia sẻ: Hoa văn thổ cẩm của các DTTS đều có sự độc đáo nên tôi rất thích và đã sưu tập các phụ kiện, đồ dùng có thổ cẩm. Các đồ dùng khi pha thổ cẩm làm cho nó có sự đặc biệt hơn. Tôi thấy xu thế thời trang thổ cẩm hiện nay không riêng gì áo dài mà còn có váy, khăn, túi, mũ... Một chiếc váy điểm xuyết thổ cẩm sẽ tạo sự trẻ trung, mới mẻ và khác lạ.

Du khách xem chị H'Bình (bên phải) cùng các nghệ nhân dệt thổ cẩm

Trong cuộc sống đời thường, thổ cẩm cũng xuất hiện phong phú. Mặc dù hiện nay số lượng các gia đình còn duy trì dệt thổ cẩm không nhiều nhưng nhu cầu trong đời sống thì vẫn có, mở ra cơ hội cho các tổ hợp tác dệt thổ cẩm tập hợp những chị em có tay nghề tham gia và nâng cao thu nhập. Chị H’ Ðin, thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Trường Xuân (Ðắk Song) tâm sự: Trong đời sống hiện đại, bà con chủ yếu sử dụng các sản phẩm thời trang ngoài thị trường như quần, áo may sẵn nhưng nhu cầu về trang phục thổ cẩm vẫn còn, nhất là trong các dịp lễ hội, hiếu hỉ. Theo phong tục của đồng bào M’nông khi tổ chức đám cưới thường tặng trang phục, khăn, chăn mền… làm quà cưới cho con cái. Chính nhu cầu trong cuộc sống vẫn còn nên tổ hợp tác thổ cẩm của chúng tôi thường dệt để bán cho bà con trong và ngoài tỉnh.

Không chỉ trong cuộc sống đời thường mà trong các hoạt động lễ hội, sự kiện lớn của địa phương, thời trang thổ cẩm xuất hiện thu hút mọi người. Ðồng chí Trần Quốc Huy, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ðắk Nông đánh giá: Mỗi dân tộc đều có nét đặc sắc riêng về y phục của mình, nhất là đồng bào DTTS ở Ðắk Nông. Dưới góc độ thẩm mĩ, tôi rất thích thổ cẩm của các DTTS tại chỗ của Ðắk Nông. Những bộ trang phục này ở trên sân khấu, biểu diễn thời trang khá lộng lẫy và nếu kết hợp trong thời trang như váy áo, đầm, áo dài… thì cũng rất lịch thiệp, dịu dàng, thực sự lý thú, thu hút du khách khám phá.

Đồng chí Trần Quốc Huy, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông chia sẻ, thổ cẩm của các dân tộc tỉnh Đắk Nông rất độc đáo và bà con hãy phát triển nghề truyền thống bằng cách tham gia vào các dự án du lịch

Thổ cẩm gắn với phát triển du lịch

ADQuảng cáo

Thời gian qua, các sản phẩm thổ cẩm của các DTTS trên địa bàn tỉnh đã có mặt tại các điểm du lịch hoặc được các đơn vị, doanh nghiệp đặt hàng làm quà lưu niệm. Chị H’Bình, Tổ trưởng Tổ hợp tác thổ cẩm xã Ðắk Nia chia sẻ: Hiện tại, các sản phẩm của chúng tôi như khăn, váy, khố, áo, túi xách, gối, ra, chăn… đã được các điểm du lịch đặt hàng. Ngoài ra, chúng tôi cũng được các đơn vị du lịch ở tỉnh Lâm Ðồng đặt các mẫu để làm quà lưu niệm cho du khách. Số lượng khách hàng đặt sản phẩm để giới thiệu, quảng bá và kinh doanh tại các điểm du lịch chưa nhiều nhưng đã mở ra cho chúng tôi cơ hội về phát triển, tăng thu nhập cho chị em.

Chị Hà Thị Xuyến, Tổ phó Tổ hợp tác thổ cẩm xã Ea Pô (Cư Jút) cho biết: Thời gian qua, tôi được tham gia các sự kiện, các lớp tập huấn và thấy nghề dệt thổ cẩm cần có những thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện tại, nhất là tham gia vào lĩnh vực du lịch. Trước đây, chúng tôi chủ yếu dệt để làm chăn, gối, nệm, quần áo thì bây giờ phải thay đổi theo xu hướng, thị trường, phải làm túi, khăn quàng cổ, túi xách… để phục vụ du khách. Chúng tôi học hỏi các DTTS ở Nghệ An, Quảng Nam và các tỉnh phía Bắc cách dệt thổ cẩm bằng tơ tự nhiên vừa mềm mại, vừa đẹp và bán được giá cao, thậm chí là xuất khẩu. Hiện nay, chúng tôi có cải tiến như điểm xuyết hoa văn thổ cẩm làm vỏ gối, chăn, mền… giới thiệu tại các sự kiện quảng bá du lịch, hội nghị và được khen đẹp. Tổ hợp tác đã được các đơn vị nhận hỗ trợ quảng bá sản phẩm trên các trang điện tử để giới thiệu rộng rãi trong nước và nước ngoài, nếu có các đối tác hợp tác, chúng tôi sẽ cung cấp ra thị trường.

Các sản phẩm thổ cẩm của tỉnh được du khách ưa thích

Cần sự kết nối mạnh mẽ hơn

Một thực tế, mặc dù có nhiều cơ hội ứng dụng trong cuộc sống nhưng nghề dệt thổ cẩm của các DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động cầm chừng, chủ yếu mang tính tận dụng lao động nông nhàn, chưa tổ chức chuyên nghiệp. Ðể thổ cẩm thực sự phát triển nghề và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối đầu tư mạnh mẽ, hiệu quả hơn.

Bà Hà Thị Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh trao đổi với chị em Chi hội phụ nữ bon Jăng Plây 3, xã Trường Xuân (Đắk Song) về phát huy nghề dệt thổ cẩm nên có sự sáng tạo để đáp ứng yêu cầu của thị trường

Ðồng chí Trần Quốc Huy chia sẻ: Tôi cũng hy vọng thổ cẩm của tỉnh sẽ tham gia vào Công viên địa chất và ngày càng thu hút du khách khi đến Ðắk Nông. Trang phục bằng thổ cẩm của các DTTS của tỉnh sẽ tham gia sâu vào lĩnh vực du lịch, khiến du khách thú vị, góp phần vào phát triển văn hóa bản địa. Ðồng bào có nghề thì cố gắng giữ gìn và phát huy để thổ cẩm từng bước đưa vào thời trang, cuộc sống và gắn với thị trường, du lịch. Ở một số vùng như Tây Bắc, Ðông Bắc, đồng bào đã đưa được thổ cẩm và các mặt hàng khác làm du lịch rồi. Từ đó, tôi tin rằng thổ cẩm của người M’nông, Mạ, Ê đê và các dân tộc khác rồi cũng sẽ như vậy. Tuy nhiên, chúng ta cần có những giải pháp nội lực như các cửa hàng giới thiệu sản phẩm lưu niệm cùng với các đặc sản của Ðắk Nông, trong đó có các trang  phục thổ cẩm để tham gia vào thị trường. Các cấp chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp, nhất là các đơn vị du lịch cần có sự hỗ trợ ban đầu cho bà con về nơi dệt, điểm bán hàng, phương pháp truyền thông để sản phẩm tổ chức có “chỗ đứng”.

Các thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Trường Xuân (Ðắk Song) cùng các sản phẩm được cách tân.

Bà Hà Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã tạo điều kiện cho chị em tham gia hội nghị xúc tiến đầu tư và các diễn đàn hỗ trợ phụ nữ DTTS phát triển kinh tế tại Ðà Nẵng, Hà Nội và trên địa bàn tỉnh. Tại các hội nghị, chúng tôi hỗ trợ chị em quảng bá, giới thiệu và có sự kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp để đưa sản phẩm thổ cẩm của các DTTS trên địa bàn tỉnh ra thị trường và bước đầu có những tín hiệu đáng mừng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở ra hướng đi cho nghề dệt thổ cẩm (kỳ 3): Tín hiệu vui cho thổ cẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO