Mô hình cô đỡ thôn bản phát huy hiệu quả tại cộng đồng

Vũ Trang| 02/01/2018 10:37

Được triển khai thực hiện từ năm 2005, đến nay, mô hình cô đỡ thôn bản đã phát huy được hiệu quả tích cực, giúp phụ nữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới tiếp cận tốt với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), sinh nở an toàn.

ADQuảng cáo

Cô đỡ thôn bản ở xã Đắk Ha (Đắk Glong) tư vấn công tác CSSKSS cho người dân

Gắn bó vì yêu nghề

Đảm nhận vai trò y tế thôn từ năm 2001, đến năm 2007, chị Hoàng Thị Vinh ở thôn 4, xã Thuận Hà (Đắk Song) được đào tạo làm cô đỡ thôn bản. Hiện nay, công việc chính của chị Vinh là tuyên truyền, tư vấn về CSSKSS, kế hoạch hóa gia đình, quản lý thai nghén, tham gia các hoạt động y tế khác tại địa phương...Chị Vinh chia sẻ: “Công việc gì cũng có những khó khăn nhất định, việc tuyên truyền, vận động cũng vậy, không phải lúc nào đến nhà cũng gặp được họ. Mình phải tranh thủ buổi trưa và buổi tối đến các gia đình để vừa trò chuyện, vừa kết hợp tuyên truyền, tư vấn”.

Cũng theo chị Vinh, trong thôn có 129 hộ với hơn 600 nhân khẩu; trong đó có 82 trẻ em dưới 5 tuổi. Những năm qua, nhờ kiên trì tuyên truyền, vận động, người dân đã quan tâm hơn đến công tác chăm sóc sức khỏe nói chung cũng như CSSKSS, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em nói riêng. Hiện nay, tất cả phụ nữ trong thôn khi mang thai đều đến cơ sở y tế khám thai định kỳ và sinh đẻ an toàn.

Tương tự, gần 10 năm làm cô đỡ thôn bản, chị Chiều Thị Luyến ở thôn 9, xã Đắk D’rông (Chư Jút) đã tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, CSSKSS tại địa phương. Chị Luyến cho biết: “Mặc dù công việc gia đình cũng khá bận rộn, nhưng tôi vẫn cố gắng sắp xếp thời gian tham gia làm cô đỡ thôn bản. Qua đó, tôi vừa học hỏi, tiếp thu được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng cho bản thân, vừa tuyên truyền kiến thức cho bà con. Công việc thầm lặng, lo nhiều việc “không tên”, nhưng được bà con yêu mến, tin tưởng, tôi rất vui”.

Trung tâm CSSKSS tỉnh khen thưởng, tặng quà các cô đỡ thôn bản có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ năm 2017

Có mặt,  xử trí kịp thời

Theo Trung tâm CSSKSS tỉnh, được sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án, đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo được 155 cô đỡ thôn bản; trong đó có 130 cô đỡ đang tham gia các hoạt động CSSKSS tại địa phương. Thời gian qua, với sự hỗ trợ tích cực của đội ngũ này, các hoạt động quản lý thai sản tại cộng đồng như: tư vấn, hướng dẫn bà mẹ đi khám thai và quản lý thai; phát hiện sớm các trường hợp thai bất thường, kịp thời hỗ trợ chuyển tuyến trên; hỗ trợ chăm sóc bà mẹ sau sinh tại hộ gia đình và tư vấn kế hoạch hóa gia đình... được triển khai sâu rộng, hiệu quả.

ADQuảng cáo

Bác sĩ Đoàn Thị Hồng Nhung, Giám đốc Trung tâm CSSKSS tỉnh cho biết: “Trong năm 2017, Trung tâm đã cung cấp 1.375 gói đỡ đẻ sạch cho các cô đỡ thôn bản. Nhờ đó, hầu hết các trường hợp đẻ rơi tại nhà hoặc trên nương rẫy khi các cô đỡ biết tin đều có mặt để xử trí kịp thời”.

Trong năm 2017, toàn tỉnh có gần 3.000 lượt phụ nữ mang thai được cô đỡ thôn bản khám thai, tăng 445 lượt so với năm 2016; có 216 trường hợp bà mẹ đẻ tại nhà được cô đỡ thôn bản giúp đỡ, tăng 89 trường hợp; 111 trẻ sơ sinh được các cô đỡ phát hiện có dấu hiệu nguy cơ và chuyển tuyến an toàn, tăng 109 trẻ. Ngoài ra, số bà mẹ được các cô đỡ chăm sóc sau sinh, tư vấn kế hoạch hóa gia đình cũng tăng so với năm trước.

Cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp

Có thể nói, mô hình cô đỡ thôn bản là giải pháp phù hợp, hiệu quả trong việc CSSKSS cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới. Tuy nhiên, hiện nay, những khó khăn trong công việc cũng như chế độ, chính sách đang là những rào cản trong việc duy trì và phát triển bền vững mô hình.

Bên cạnh những khó khăn trong công việc, đời sống của nhiều cô đỡ hiện nay cũng gặp không ít thiếu thốn. Bởi ngoài mức hỗ trợ vài trăm ngàn đồng, các cô đỡ không nhận được một khoản thu nhập nào khác. Với số tiền đó, họ không đủ chi trả cho các hoạt động hàng ngày như xăng xe để đi đến nhà người dân thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền vận động, khám thai, đi giao ban ở trạm y tế xã.

Cô đỡ Triệu Thị Lỳ ở xã Long Sơn (Đắk Mil) chia sẻ: “Thực ra, chúng tôi gắn bó với công việc chỉ vì tình yêu, trách nhiệm với xã hội, chứ mức phụ cấp mỗi tháng không đủ để chi trả tiền xăng xe đi lại”.

Cũng theo Trung tâm CSSKSS tỉnh, ngoài chế độ hỗ trợ, vấn đề lựa chọn và đào tạo người dân, những “bà mụ vườn” trở thành cô đỡ cũng là một trong những khó khăn lớn, bởi không phải ai cũng có đủ trình độ tiếp nhận kiến thức để đáp ứng được yêu cầu đề ra. Trong khi đó, điều kiện tuyển cô đỡ thôn bản phải là người đồng bào dân tộc thiểu số, đang sống tại các thôn bon thuộc vùng khó tiếp cận các dịch vụ CSSKSS, có tỷ lệ sinh tại nhà cao...

Để mô hình phát triển bền vững, lâu dài, ngành Y tế cần quan tâm hơn nữa đến hoạt động của cô đỡ thôn bản, từ công tác đào tạo, tập huấn đến chế độ đãi ngộ, nguồn lực... Bên cạnh đó, tỉnh cần tranh thủ sự hỗ trợ của các ngành, đoàn thể, xã hội giúp đỡ một phần kinh phí cho các cô đỡ có hoàn cảnh khó khăn, yên tâm công tác. Các hoạt động biểu dương, khen thưởng cũng cần được thực hiện thường xuyên nhằm kịp thời động viên, khích lệ, góp phần giúp các cô đỡ có thêm động lực để tiếp tục phát huy năng lực, nhiệt huyết trong hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình cô đỡ thôn bản phát huy hiệu quả tại cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO