Mạng lưới tiêm chủng mở rộng cần được quan tâm, đầu tư

Vũ Trang| 05/02/2018 09:35

Những năm qua, với những nỗ lực của ngành Y tế, công tác tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã được triển khai và duy trì thường xuyên, đem lại nhiều lợi ích và hiệu quả thiết thực trong việc khống chế, giảm nguy cơ mắc bệnh trong cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay, công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư thích đáng về mọi mặt.

ADQuảng cáo

Cán bộ y tế tiêm chủng cho trẻ tại xã Đắk  Lao (Đắk Mil)

Kết quả TCMR chưa đồng đều

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, hàng năm, công tác tuyên truyền về TCMR được triển khai dưới nhiều hình thức như: Cấp phát tài liệu truyền thông, treo băng rôn, áp phích, thông tin trên loa phát thanh… Đặc biệt, với sự hỗ trợ tích cực của đội ngũ y tế thôn, bon, công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng xuống từng địa bàn dân cư, hộ gia đình. Nhờ đó, công tác TCMR đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm 2017, toàn tỉnh có 13.840 trẻ dưới 1 tuổi thì có 12.155 trẻ được tiêm chủng đầy đủ, chiếm 87,8%. Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Sởi – Rubella, DPT4 cho trẻ 18-24 tháng tuổi đạt 86,1%. Tỷ lệ trẻ 1-5 tuổi được tiêm vắc xin Viêm não Nhật Bản đạt 86%.

Tuy nhiên, kết quả này chưa đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh. Cụ thể, tỷ lệ TCMR cho trẻ tại một số xã vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số còn thấp. Đơn cử như xã Đắk R’la (Đắk Mil), qua điều tra ngẫu nhiên 160 trẻ em cho thấy, tỷ lệ trẻ không tiêm chủng chiếm 21.2 % (34/160 trẻ). Riêng tỷ lệ trẻ không tiêm chủng vắc xin uốn ván chiếm rất cao (trên 50%).  Tương tự, qua kết quả điều tra ngẫu nhiên 59 trẻ em tại xã Đắk D’rô và thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô), kết quả cho thấy, tỷ lệ trẻ không tiêm chủng chiếm 47,4 % (28/59 trẻ).  Điều đáng nói, đây là địa phương đã ghi nhận 1 ca tử vong do uốn ván sơ sinh vào tháng 2/2017.

Anh Trương Hữu Thùy, chuyên trách Chương trình TCMR của huyện Đắk Mil cho biết: “Những trẻ không tiêm chủng đầy đủ phần lớn đều rơi vào những gia đình dân tộc thiểu số tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Tại đây, việc vận động bà con đưa trẻ đi tiêm chủng rất khó khăn. Đơn cử như tại các địa bàn: Thôn Năm Tầng (xã Đắk R’la), bon Jun Jú (xã Đức Minh), bon Sar Pa (xã Thuận An)..., tỷ lệ người dân hưởng ứng việc TCMR chỉ chiếm khoảng 40-50%”.

Khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị

Bên cạnh việc nhận thức của người dân còn hạn chế, công tác TCMR hiện cũng đang gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực... Đối với các cơ sở tiêm chủng cố định, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là về điều kiện cơ sở vật chất. Nhiều trạm y tế xuống cấp, chật hẹp, không đủ diện tích để kê bàn, ghế ngồi chờ, bàn thực hiện kỹ thuật tiêm chủng và nơi theo dõi sau tiêm. Tại một số trạm y tế, trang thiết bị thiếu và hư hỏng ảnh hưởng đến việc bảo quản vắc xin. Cụ thể, qua việc giám sát hỗ trợ hoạt động TCMR tại xã Đắk Ngo (Tuy Đức) cho thấy, vắc xin bảo quản không bảo đảm chất lượng, 80 liều vắc xin OPV đã chuyển sang giai đoạn 4, không được phép sử dụng.

ADQuảng cáo

Còn đối với các cơ sở tiêm chủng ngoại trạm, phần lớn là mượn nhà họp thôn, bon hoặc nhà dân. Mặc dù bảo đảm về diện tích nhưng thiếu các tài liệu chuyên môn, việc treo, dán đầy đủ các bảng, biểu, áp phích tiêm chủng theo đúng quy định.

Trẻ uống vắc xin bại liệt tại điểm tiêm chủng ngoại trạm ở xã Đắk Som (Đắk Glong)

Cần những giải pháp đồng bộ

Nghị quyết 20 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỷ lệ TCMR phải đạt tối thiểu 95% với 12 loại vắc xin. Thế nhưng, riêng tại tỉnh Đắk Nông, việc phấn đấu đạt được mục tiêu trên là điều không dễ dàng, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao của ngành Y tế cũng như toàn xã hội.

Theo Sở Y tế, hiện nay, giải pháp quan trọng nhất vẫn là tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chương trình TCMR. Bên cạnh đó, mạng lưới cơ sở TCMR sẽ tiếp tục được duy trì bền vững từ tỉnh đến các thôn, bon.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các điểm tiêm chủng ngoại trạm nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho trẻ em được tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi theo quy định. Các cơ sở tiêm chủng dịch vụ tổ chức rộng rãi hơn nữa nhằm đáp ứng nhu cầu tiêm chủng cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau.

Song song đó, thực hiện kế hoạch an toàn tiêm chủng của Bộ Y tế, ngành tiếp tục tập trung vào các hoạt động quản lý tiêm chủng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác TCMR...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mạng lưới tiêm chủng mở rộng cần được quan tâm, đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO