“Ma trận” chất tạo màu thực phẩm không rõ nguồn gốc

Phóng sự của Đặng Hiền - Phạm Khánh| 27/04/2016 10:05

Có thể dễ dàng mua được các chất tạo màu thực phẩm không rõ nguồn gốc tại nhiều chợ trên địa bàn tỉnh với giá rẻ bất ngờ và số lượng lớn. Người bán và người sử dụng hóa chất thu lợi bất chính. Người tiêu dùng thì không dễ gì phân biệt được thực phẩm mình dùng có nhiễm hóa chất không rõ nguồn gốc hay không.

ADQuảng cáo

“Tư duy” của người bán

Không khó để tìm đến các quầy hàng có bán hóa chất nhuộm màu không rõ nguồn gốc tại các chợ ở thị xã Gia Nghĩa và các huyện Chư Jút, Đắk Mil, Đắk R’lấp. Hóa chất loại này rất “phong phú”, đa dạng, có thể giúp người chế biến thực phẩm thành “phù thủy” để tạo ra các màu tùy thích.

Hóa chất bằng bột dùng để tạo màu vàng hấp dẫn cho gà, vịt, cơm chiên, thịt nướng có. Hóa chất bằng dung dịch để nhuộm gạo, tạo màu thành xôi gấc có. Hóa chất để tạo màu cho kem có. Hóa chất để làm giả các loại nước ngọt với đủ màu sắc khác nhau có...

Một điểm bán hóa chất tạo màu tại chợ thị xã Gia Nghĩa. Ảnh: Phạm Khánh

Tại một tiệm tạp hóa trong chợ Chư Jút, khi hỏi mua loại chất nhuộm thực phẩm, rất nhiều tiểu thương mời chào và quảng cáo sản phẩm. Chị Th, một tiểu thương không e ngại giới thiệu: “Ở đây, em muốn mua bao nhiêu phẩm màu nhuộm thực phẩm chị cũng có hết. Nếu sử dụng cho gia đình thì dùng bột nghệ, còn để kinh doanh thì em nên mua hóa chất nhuộm vừa rẻ lại vừa tiện lợi”.

Vừa dứt lời, chị Th đưa ra rất nhiều loại sản phẩm, tất cả đều không có nhãn mác, bao bì. Khi đề cập đến nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, chị Th cũng không hề giấu giếm.

Chị Th cho hay: “Loại này là hàng trôi nổi lấy đâu ra giấy chứng nhận kiểm định chất lượng hàng hóa. Chị chỉ biết các nhà hàng, quán cơm, bún phở đều có nhu cầu sử dụng nên mua về bán thôi. Sản phẩm độc hại đến đâu chưa biết, trước mắt bán kiếm lời cái đã”.

Tại một quầy hàng tạp hóa nằm phía trong chợ huyện Đắk Mil cũng có những loại hóa chất tạo màu. Khi chúng tôi tìm hỏi mua, sau lời giới thiệu về sự tiện lợi của sản phẩm, chị Ph chủ quầy cho hay: “Em đi mua ở đâu cũng thế cả thôi. Những sản phẩm này đều từ thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đắk Lắk đưa về đây nhập, do đó chất lượng như nhau. Mà có phải bán cho mỗi mình em đâu, ở đây các nhà hàng, quán nhậu, quán cơm đều đến đây lấy hàng của chị. Bình quân mỗi tháng, chị cung cấp cho hàng chục quán trên địa bàn với khoảng 30 bịch, tương đương 15 kg và khoảng 10 lọ bằng 1/8 lít. Chị là người bán những sản phẩm này từ 2 năm nay nên rất có uy tín, em cứ yên tâm”.

Khi chúng tôi hỏi về chất lượng, chị Ph cho biết chị không có bất cứ giấy tờ nào về kiểm định chất lượng liên quan đến hàng hóa này. Thấy sản phẩm tiêu thụ nhanh, nên tiểu thương cứ thế mua về bán để kiếm lời. Có điều, chị Ph khẳng định là chắc chắn không dùng trong gia đình mình. Không chỉ mình chị Th, Ph, rất nhiều tiểu thương tại các chợ đều có chung “tư duy”: Hàng bán chạy, kiếm lời dễ thì mua để bán, không quan tâm nhiều đến chất lượng và tác hại cho người sử dụng.

“Mục đích” của người mua

Người bán đã như thế, còn người mua về sử dụng cũng không ngoài mục đích vì lợi nhuận. Những điểm giết mổ gia cầm, thường sử dụng các loại chất để nhuộm cho gà, vịt có màu sắc hấp dẫn hơn rồi cung cấp cho các điểm kinh doanh dịch vụ ẩm thực. Một số khác, dùng hóa chất để tạo màu cho thị heo, vịt quay, cơm chiên nhìn hấp dẫn và bắt mắt.

ADQuảng cáo

Chị H là người cung cấp gà thịt cho các nhà hàng, quán nhậu, quán cơm… trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa cũng dùng loại hóa chất này để “tắm” cho gà. Khi đã tạo được sự gần gũi, Chị H khuyên chúng tôi không nên mua gà có màu vàng óng vì đã được nhuộm bằng hóa chất.

Khi thắc mắc, chị H cho hay: “Tâm lý của người mua rất thích gà có màu đẹp như vậy. Những con không nhuộm thì người ta chê, thậm chí có người còn nghi ngờ gà bị bệnh mới có màu nhợt nhạt. Dù không muốn, nhưng để bán được hàng đành nhắm mắt làm liều thôi”.

Qua tìm hiểu và thâm nhập thực tế, chúng tôi phát hiện một số quán cơm, quán ăn sáng ở thị xã Gia Nghĩa nằm trên các tuyến đường Chu Văn An, Bắc Nam, 23/3 có sử dụng hóa chất tạo màu. Để che mắt ngành chức năng khi kiểm tra, các chủ kinh doanh thường trưng bày một hũ đựng bột nghệ thật. Nhưng thực tế, tại thùng rác để trong nhà bếp lại có rất nhiều vỏ lọ đã qua sử dụng có mẫu mã, kích thước giống với những lọ đựng hóa chất tạo màu có bán ở chợ.

1 lọ hóa chất tạo màu có kích thước như ống vani, bên trong có bột màu vàng có giá chỉ 400 đồng. Mỗi lọ như thế nhuộm được 10 con gà. Số lượng gà này nếu nhuộm bằng bột nghệ thì ít nhất phải mất tới 0,5 kg, tốn khoảng 45.000 đồng nhưng không đạt độ vàng óng như nhuộm bằng hóa chất. Đây là lý do để người ta bất chấp nhiều thứ để dùng hóa chất không rõ nguồn gốc “làm đẹp” cho thực phẩm.

Việc dùng các chất “làm đẹp” này còn tiết kiệm thời gian. Chỉ cần vài giây đồng hồ nhúng vào thùng nước đã pha sẵn chất tạo màu, vớt lên là gà đẹp như “mơ”, còn dùng nghệ thì phải mất cả tiếng đồng hồ. Đặc biệt, loại hóa chất này không hề để lại mùi vị so với bột nghệ, nếu người ta có lỡ tay, dùng nhiều quá cũng không thể phát hiện được qua mùi vị. Hóa chất tạo màu cũng tạo sự hấp dẫn, tiện lợi cho cơm chiên  không kém.

Chỉ cần một lượng nhỏ hóa chất là có thể giúp đĩa cơm chiên có màu vàng, trông rất hấp dẫn. Người ta còn dùng hóa chất để tạo màu, giả làm xôi gấc với chi phí rất thấp. 1 kg gấc có giá dao động trên dưới 50.000 đồng chỉ dùng được cho khoảng 2 kg gạo nếp để đồ xôi.

Trong khi đó, chỉ với 2.000 đồng là có thể mua được một loại hóa chất ở dạng dung dịch, đựng trong lọ chừng 5ml để tạo màu cho khoảng 10 kg gạo. Như vậy để tạo ra xôi “gấc”, với việc dùng chất tạo màu, chi phí sẽ rẻ hơn 25 lần, màu sắc hấp dẫn và đỡ tốn công hơn so với dùng gấc như truyền thống.

Một lọ nhỏ hóa chất không nhãn mác, không rõ nguồn này có thể tạo ra màu vàng hấp dẫn cho 10 con gà thịt và 20 đĩa cơm chiên. Ảnh: P.K

Nguy hại từ phẩm màu

Một trong những người trước đây từng sử dụng loại chất này tiết lộ cho chúng tôi biết ảnh hưởng của nó. Bà L buôn bán tại chợ thị xã Gia Nghĩa cho hay: “Trước đây tôi làm nghề bán xôi sáng nên có sử dụng loại hóa chất phẩm màu này. Nhưng làm một thời gian, tự cảm thấy vô đạo đức nên tôi bỏ nghề. Bởi sau khi dùng hóa chất để đồ xôi, tay có rửa bao nhiêu lần cũng không sạch hết màu. Lâu dần, da tay bị bong tróc, lở loét, tôi khổ sở dùng các loại thuốc sát trùng với thời gian dài mới khỏi. Da tay dày còn vậy, huống hồ ăn vào bao tử thì hậu quả khôn lường. Hiện nay có một vài điểm bán xôi tại chợ cũng dùng hóa chất để nhuộm. Họ rất tinh vi là bỏ hạt gấc vào xôi để đánh lừa người mua. Màu sắc cũng như vậy, thậm chí đẹp hơn, nhưng chỉ có người tinh ý mới phân biệt được. Ngoài màu khó phai, xôi nhuộm thường không có vỏ lụa từ hạt gấc bám vào, không dẻo như xôi gấc”.

Chúng tôi đã đem các hóa chất tạo màu mua ở chợ đến Chi cục ATVS thực phẩm tỉnh để xin tư vấn. Bác sĩ Nguyễn Tấn Thành, Chi cục trưởng khẳng định, đây là những loại sản phẩm không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận kiểm định của cơ quan có thẩm quyền, chắc chắn không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc sử dụng những loại hóa chất này ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Bởi khi hấp thụ những hóa chất này, cơ thể khó đào thải, tồn dư trong cơ thể lâu ngày, dẫn đến rối loạn về đường tiêu hóa, thậm chí tiềm ẩn mắc các bệnh hiểm nghèo. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra những điểm kinh doanh ăn uống nhằm phát hiện và chấn chỉnh kịp thời. Nếu phát hiện cơ sở nào dùng loại phẩm màu này, ngành sẽ kiên quyết xử lý, bảo vệ quyền, lợi ích, sức khỏe cho người tiêu dùng.

Khi các cơ quan chức năng chưa kiểm tra, xử lý triệt để việc kinh doanh và dùng hóa chất tạo màu không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để chế biến thực phẩm thì người tiêu dùng vẫn không tránh khỏi hoang mang trước “ma trận” của màu sắc do hóa chất tạo ra.  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Ma trận” chất tạo màu thực phẩm không rõ nguồn gốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO