Luật tục ở Tây Nguyên về trẻ em

Bá Thăng| 19/07/2016 10:55

Luật tục của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên với nhiều tên gọi khác nhau như Phạtkđi hay Biđuê của người Ê Đê, Phạtkđuôi của người M’nông, Tơlơidjuat hay Tơlơiphian của người Gia Rai, Ađatmuca của người Ra Glai, Dâytơrônkđi của người Mạ, Nri của người S’Rê…

ADQuảng cáo

Bên cạnh mặt hạn chế, nhìn chung các bộ luật trên trong một chừng mực nhất định, vẫn phát huy tác dụng tích cực trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội, nhất là vấn đề bảo vệ trẻ em.

Trẻ em người Nùng, xã Nam Dong (Chư Jút) vui chơi trong ngày hè. Ảnh: Hồ Mai

Trong tập quán của nhiều dân tộc thiểu số rất quan tâm đến trẻ em. Nhiều tập tục thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với lớp người nhỏ tuổi này. Luật tục phê phán những ông bố bà mẹ không biết nuôi dạy, chăm sóc con cái, thậm chí còn bỏ rơi hoặc đẩy những đứa trẻ đáng thương ra ngoài đường: Chúng còn nhỏ còn bé; Anh chị bỏ rơi nó; Anh chị không thương chúng; Chúng nó đâu phải là dê con, là bò con mà chỉ biết ăn cỏ; Vì sao anh chị lại đuổi chúng ra ngoài đường…(Luật tục Gia Rai).

Trách nhiệm của cha mẹ là phải làm lụng để nuôi dạy con cái nên người, chăm sóc chúng đến khi trưởng thành. Trong trường hợp trẻ con chưa có khả năng tự chủ, nuôi sống bản thân mà chẳng may cha mẹ mất sớm hoặc không có khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng, thì trách nhiệm đó thuộc về anh chị em ruột của người đó.

Nếu không có anh em ruột hoặc có nhưng còn nhỏ thì bà con họ hàng bên phía mẹ phải có trách nhiệm chăm sóc, rồi đến họ hàng của bố. Trong trường hợp họ hàng không còn ai thì buôn làng vận động người khác nhận làm con nuôi. Quy định này của tập quán là phù hợp với pháp luật hiện hành, cần được khuyến khích.

ADQuảng cáo

Tập quán của đồng bào các dân tộc phê phán những ông bố, bà mẹ không làm trọn bổn phận của mình, thậm chí còn bỏ rơi con trẻ: Ống cháo sao bỏ bãi cỏ; Ống cá sao bỏ giữa buôn; Có con sao bỏ cho ai; Cha mẹ bỏ rơi con, có tội… (Luật tục M’nông).

Đối với những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ do nhiều hoàn cảnh khác nhau xô đẩy, có thể do cha mẹ chúng vô trách nhiệm, không thể nuôi nổi chúng vì quá nghèo khổ hoặc rơi vào hoàn cảnh éo le, cha mẹ không may bị mất sớm khi tuổi chúng hãy còn nhỏ dại, luật tục cho phép quyền được nhận con nuôi: Tôi thấy chuột ở ngoài rừng; Thấy kỳ nhông ở ngoài làng; Thấy mang ở trong bụi cây; Thấy rái cá ở trong nước; Thấy vượn ở trên núi; Đến cửa nhà tôi; Tôi phải nuôi nấng chúng thôi… (Luật tục Gia Rai).

Luật tục cho phép mọi người dân có quyền nhận người khác làm con nuôi hoặc được người khác nhận làm con nuôi mà không phân biệt họ hàng dòng tộc. Việc nhận con nuôi chỉ cần có sự thỏa thuận giữa bà con họ hàng đôi bên và mặc nhiên được buôn làng chấp thuận.

Con nuôi có đủ các quyền và nghĩa vụ như con đẻ, được tôn trọng và đối xử bình đẳng, kể cả quyền được nhận tài sản thừa kế: Nếu nó sống hiền lành tử tế; Biết làm vựa lúa, làm rẫy tốt; Của cải tiền nong, sáp ong của người ta; Sẽ được chia cho nó… (Luật tục Gia Rai).

Nhận con nuôi không phải để bắt chúng làm việc như người hầu, đứa ở trong nhà, càng không được bán hoặc đổi lấy lúa, đổi lấy muối, mà phải đối xử tử tế, phải chăm sóc dạy dỗ đến nơi đến chốn, vì nuôi trẻ mồ côi không tử tế là mang tội. Luật tục khuyên bảo những người có lòng tốt hãy ra tay làm phúc cứu vớt những trẻ mồ côi.

Có thể nói luật tục quy định về con nuôi là khá cụ thể và phù hợp với pháp luật hiện hành. Điều đó thể hiện trách nhiệm chung của cộng đồng làng buôn, của gia đình đối với trẻ em. Một trong những tội bị luật tục lên án gay gắt nhất, mạnh mẽ nhất là tội hãm hiếp trẻ con và được khép vào loại tội lớn nhất, dơ dáy nhất mà không một vật chất nào đền bù thỏa đáng: Hãm hiếp trẻ con là tội lớn; Trả bằng trâu chưa khớp; Trả bằng ché chưa đúng; Trả bản thân cũng chưa xong… (Luật tục M’nông). Luật tục coi tội hãm hiếp trẻ con là tội không thể xóa sạch: Hãm hiếp trẻ con xóa không sạch (Luật tục Gia Rai).

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật tục ở Tây Nguyên về trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO