Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá: Chưa thực sự đi vào cuộc sống

Va Ly| 29/05/2015 09:59

Năm 2013, luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế liên quan đến thuốc lá đã có hiệu lực. Thế nhưng, qua 2 năm triển khai thực hiện, tình trạng vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng vẫn diễn ra rất phổ biến.

ADQuảng cáo

VẪN “VÔ TƯ” HÚT Ở MỌI NƠI, MỌI LÚC

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá nêu rõ, nếu người hút thuốc lá ở những địa điểm cấm hút thuốc lá sẽ bị cảnh cáo hoặc xử phạt tiền từ 100.000- 300.000 đồng/người. Địa điểm công cộng cấm hút thuốc lá bao gồm: cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em, cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao, nơi làm việc, nhà đợi xe, bến cảng, sân bay, thư viện, phương tiện giao thông công cộng...

Quy định là vậy, nhưng trong thực tế hiện nay, nhiều người vẫn tự nhiên “đốt” thuốc tại những địa điểm này mà không hề bị xử lý. Dạo một vòng quanh bến xe buýt hay bến xe khách ở thị xã Gia Nghĩa, mọi người sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh hành khách, lái xe, phụ xe phì phèo điếu thuốc trong lúc ngồi nghỉ hay đợi xe.

Chuyện hút thuốc ở các bến xe vẫn diễn ra phổ biến, chẳng thấy ai nhắc nhở, xử phạt.

Anh Nguyễn Văn Anh, một hành khách đi xe buýt cho biết: “Tôi chỉ biết là cấm hút thuốc trên xe chứ cũng không biết hay nghe nói gì về việc xử phạt nếu hút thuốc ở bến xe hay những địa điểm khác. Lâu nay tôi vẫn hút mà có ai nhắc nhở hay xử phạt gì đâu”.

Tại Bến xe khách Gia Nghĩa, được xem là địa điểm cấm hút thuốc lá, nhưng không hề có một biển báo nào theo quy định. Thậm chí, khi làm việc với chúng tôi, lãnh đạo bến xe vẫn còn cầm điếu thuốc trên tay. Vì vậy, khi được hỏi về việc tại sao đơn vị không treo biển “Cấm hút thuốc lá” theo quy định để mọi người không vi phạm thì vị này chỉ cười và trả lời rằng, thật ra trước đây có dán nhưng đã gỡ bỏ ra lâu rồi. Rõ ràng, ngay cả lãnh đạo đơn vị cũng vi phạm việc hút thuốc lá nơi công cộng thì việc không thể nhắc nhở, xử lý cán bộ, nhân viên hay hành khách hút thuốc cũng là điều dễ hiểu.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tình trạng vi phạm Luật Phòng, chống hút thuốc lá cũng diễn ra rất phổ biến. Theo ông Trần Duy Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện thì từ khi luật có hiệu lực, đơn vị đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp như: Đưa vào quy chế hoạt động, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức và người nhà bệnh nhân cũng như đối với những trường hợp vi phạm sẽ được nhắc nhở kịp thời.

Tuy nhiên, qua thực tế khảo sát tại bệnh viện cho thấy, hình ảnh người nhà bệnh nhân ngồi ở các hành lang, ghế đá vẫn “vô tư” hút thuốc lá mà chẳng thấy ai nhắc nhở … Thậm chí, tại căng tin của bệnh viện, việc bày bán thuốc lá vẫn diễn ra tự nhiên như không hề có luật cấm.

ADQuảng cáo

Theo quan sát, căng tin của Bệnh viện có hai gian hàng thì cả hai đều có tủ bày bán thuốc lá với đủ các loại. Vì không bị ai nhắc nhở nên hầu hết người nhà bệnh nhân cũng nghiễm nhiên cho rằng, đây là địa điểm được hút thuốc lá nên vẫn thường ra đây hút.

Anh Trần Đình Vân, một người nhà bệnh nhân cho biết: “Tôi đi chăm vợ ốm đã mấy ngày nay, vì trong phòng bệnh cấm nên mỗi lần thèm hay buồn ngủ thì lại ra đây ngồi hút thuốc. Ở đây có bán thuốc lá nên cũng tiện, không phải ra ngoài để mua. Tôi cũng nghe hút thuốc tại những nơi công cộng sẽ bị xử phạt, nhưng mọi người vẫn hút và có ai bị xử phạt đâu”.

Nhiều người ngồi hút thuốc trong căng tin Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

KHÓ XỬ PHẠT?

Theo Nghị định 176 thì ở mỗi mức độ vi phạm về hút thuốc lá sẽ có mức phạt khác nhau. Tuy nhiên, cho đến nay, việc áp dụng các quy định xử phạt trên địa bàn tỉnh ta hầu như chưa thực hiện được.

Theo ông Nguyễn Ly Sắc, phụ trách Chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá thuộc Sở Y tế thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng là do ý thức người dân chưa cao. Kinh phí để thực hiện việc tuyên truyền hàng năm còn hạn chế, các hình thức tuyên truyền còn nghèo nàn nên hiệu quả chưa cao. Một nghịch lý xảy ra hiện nay nữa là trong khi những nơi công cộng cấm người dân hút thuốc lá, thì các hoạt động bán thuốc lá vẫn diễn ra hàng ngày. Giá thuốc lá lại không cao nên nhiều đối tượng có thể tiếp cận được, kể cả trẻ vị thành niên, học sinh ở các trường học.

Đối với ngành Y tế thì cũng chỉ mới dừng lại ở việc nhắc nhở cán bộ, công nhân, viên chức trong toàn ngành không hút thuốc lá tại công sở và nơi công cộng bị cấm. Còn đối với cộng đồng thì chủ yếu là nhắc nhở, tuyên truyền. Việc xử phạt hành chính vi phạm khi hút thuốc lá tại những khu vực cấm thì hầu như chưa được áp dụng, cũng do nhiều nguyên nhân. Hiện nay, người sử dụng thuốc lá quá nhiều, trong khi đội ngũ có trách nhiệm giám sát và xử phạt tại nơi công cộng lại rất mỏng. Điều đáng nói là hiện tại tỉnh vẫn chưa thành lập được Ban chỉ đạo cấp tỉnh nên việc phân công trách nhiệm, nhiệm vụ thi hành kiểm tra và xử phạt chưa rõ ràng. Mặt khác, hiện tại vẫn chưa có chế tài cụ thể trong xử phạt nên việc thực hiện theo luật là rất khó khăn, không răn đe và cảnh cáo được người vi phạm..

Thực tế cho thấy, để luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá thực sự phát huy hiệu lực thì trước hết tỉnh cần phải thành lập được Ban chỉ đạo cấp tỉnh. Trên cơ sở được giao nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể, các sở, ban ngành liên quan cùng vào cuộc, thực hiện một cách đồng bộ từ việc tuyên truyền cho đến kiểm tra, xử phạt. Cùng với đó, việc cấm bán thuốc lá tràn lan trên thị trường cần phải được siết chặt, vì một khi việc buôn bán còn dễ dàng thì hành vi hút thuốc lá vẫn khó kiểm soát. Về phía người hút thuốc cũng nên nâng cao ý thức khi sử dụng thuốc lá, nhằm bảo vệ bản thân và nhất là quyền được sống trong môi trường trong lành của cộng đồng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá: Chưa thực sự đi vào cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO