Long Sơn, vươn lên thành xã vùng 2

Đặng Hiền| 25/05/2017 09:14

Xã Long Sơn (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) hiện có 386 hộ với 1.783 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 96%) như Tày, Nùng, Dao, Mường, Cao Lan, Thái… Những năm qua, bằng việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, đời sống đồng bào từng bước nâng cao.

ADQuảng cáo

Ngoài 1 ha cà phê, gia đình chị Hoàng Thị Tâm, dân tộc Tày, ở thôn Tây Sơn (xã Long Sơn) thuê hơn 1 sào đất để trồng đậu nành, tăng thêm thu nhập cho gia đình

Long Sơn là một xã đặc biệt khó khăn, điều kiện sản xuất của bà con còn nhiều hạn chế, tập quán canh tác lạc hậu, chỉ quen với sản xuất các cây trồng ngắn ngày, nên đời sống của người dân còn nghèo khó. Trước tình hình đó, hàng năm, xã đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể, cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho người dân nhằm nâng cao kiến thức, tạo hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Xã còn phối hợp với tổ chức 8 lớp dạy nghề cho các trường hợp hộ nghèo, cận nghèo, thanh niên dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng những nghề thiết thực như sửa chữa máy móc, thiết bị… phục vụ sản xuất và đời sống.

Bên cạnh đó, với sự khuyến khích của xã, các tổ hợp tác sản xuất được thành lập, kếp hợp với việc xây dựng những mô hình điểm, hỗ trợ giống, kỹ thuật, giúp người dân thực hiện có hiệu quả các mô hình sản xuất như trồng bơ cao sản, nuôi ngan Pháp, nuôi bò lai, nuôi gà, trồng rau… Trong đó, hiệu quả nhất là tổ hợp tác chăn nuôi thôn Tây Sơn, với tổng doanh thu năm 2016 đạt hơn 2,28 tỷ đồng. Nhờ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, số lượng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã hiện có khoảng 26.380 con, với 146 con bò, 2.030 con heo, 24.070 con gia cầm…

Từ khi được hướng dẫn sản xuất, chăn nuôi, bà con nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đã biết tận dụng phế phẩm nông nghiệp, đồng cỏ tự nhiên để làm thức ăn cho vật nuôi cũng như tận dụng chất thải trong chăn nuôi để bón cho cây trồng. Qua đó, nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số đã đa dạng cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế, đi lên làm giàu.

Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Tạo, dân tộc Tày, ở thôn Tây Sơn, với mô hình trang trại nuôi heo, gà, vịt các loại. Gia đình ông Hoàng Văn Thụ, dân tộc Nùng, ở thôn Tây Sơn với việc phát triển trồng tiêu, cà phê cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm…

ADQuảng cáo

Công tác giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng được quan tâm đúng mức, với cơ sở vật chất, chất lượng dạy và học ngày càng được cải thiện. Các cấp học đã huy động cơ bản số con em trong độ tuổi đến trường. Toàn xã có 507 em học sinh; trong đó, 100% học sinh dân tộc thiểu số được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước như hỗ trợ về học phí, cấp phát sách vở miễn phí.

Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, xã Long Sơn đã mở được 5 lớp xóa mù chữ cho người lớn tuổi, thu hút hơn 170 lượt học viên mọi lứa tuổi tham gia. Qua đó, không những nâng cao dân trí, bà con còn thuận tiện hơn trong việc làm các giấy tờ thủ tục, đi khám chữa bệnh cũng như trong sinh hoạt hàng ngày.

Mạng lưới y tế được quan tâm, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được chú trọng. Riêng năm 2016, xã đã tiến hành cấp phát miễn phí 1.406 thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Được sự quan tâm của chính quyền, đồng bào dân tộc thiểu số được tham gia lớp học xóa mù chữ (Trong ảnh: Khai giảng lớp xóa mù chữ tại xã Long Sơn, năm học 2016 -2017)

Hàng năm, xã thường xuyên tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn, duy trì các sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào như hát then, hát si, lượn, múa sư tử... Đặc biệt, Lễ hội Lồng Tồng (lễ hội xuống đồng) của đồng bào Tày, Nùng cũng luôn được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong cộng đồng.

Theo ông Nguyễn Cảnh Đông Đô, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn, việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số luôn được xã đặc biệt quan tâm thực hiện. Vào tháng 4/2017 vừa qua, xã Long Sơn đã có quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ xã vùng 3 - vùng đặc biệt khó khăn lên xã vùng 2 - vùng có điều kiện còn khó khăn nhưng đã ổn định. Đây là niềm vui, động lực lớn, nhưng cũng là một thách thức không nhỏ đối với chính quyền và người dân trong bước đường phát triển đi lên, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Long Sơn, vươn lên thành xã vùng 2
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO