Long Sơn giúp đồng bào dân tộc thiểu số xóa mù chữ

Mỹ Hằng| 22/10/2014 09:34

Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhiều bà con dân tộc thiểu số ở xã Long Sơn (Đắk Mil) đã biết đọc, biết viết khá thành thạo, góp phần nâng cao dân trí cũng như chất lượng cuộc sống.

ADQuảng cáo

Biết chữ nên tự tin hơn nhiều

Cứ đều đặn vào các tối từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, sau khi làm xong công việc nhà, chị Nông Thị Hương ở thôn Tây Sơn lại cắp cặp sách đến Trường Tiểu học Kim Đồng nằm trên địa bàn xã để theo học lớp xóa mù chữ.

Lớp học xóa mù chữ thu hút đông đảo chị em dân tộc thiểu số tham gia

Chị Nông Thị Hương chia sẻ: “Trước đây, do kinh tế gia đình còn khó khăn nên tôi cũng như một số bà con trong thôn không được đi học. Không biết chữ cực lắm, mỗi khi có thông báo gì hay cần mua giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật phải nhờ đến người biết chữ. Từ khi tham gia lớp học xóa mù chữ do địa phương tổ chức, tôi có thể viết được tên mình, biết đọc báo, cách tính toán nên vui lắm”.

Còn chị Hứa Thị Mét ở cùng thôn cũng vui vẻ nói: “Giờ mình mới hiểu, không biết chữ thiệt thòi lắm, nhiều lúc nhà có bưu phẩm hay thư từ gì của bà con ở quê gửi vào, nhưng lại không biết ở trong chứa nội dung gì. Biết đọc, biết viết, tôi cảm thấy tự tin hơn rất nhiều. Bởi vậy, dù đã lớn tuổi nhưng tôi vẫn quyết tâm đi học, vì có như thế mới nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình”.

Không chỉ có chị Hương, chị Mét mà rất nhiều bà con ở xã Long Sơn sau khi được sự vận động của chính quyền, đoàn thể địa phương đã tham gia lớp học xóa mù chữ một cách tích cực.

Vừa dạy vừa vận động

Theo cô giáo Nguyễn Thị Thảo, người trực tiếp giảng dạy lớp xóa mù chữ thì ngay khi chính quyền địa phương ban hành kế hoạch, tất cả ban ngành, đoàn thể đều vào cuộc, phối hợp cùng nhà trường đi đến từng nhà để vận động bà con theo học. Việc tập hợp, vận động bà con theo học lớp xóa mù chữ cũng là một quá trình theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.

Do bận làm kinh tế nên nhiều lúc đến nhà mấy lần cũng không gặp được, có khi gặp nhưng bà con chưa hiểu ý nghĩa, mục đích của lớp xóa mù chữ nên cứ chần chừ, nói mãi mới chịu nghe. Để khuyến khích bà con theo học, địa phương còn hỗ trợ hoàn toàn kinh phí mua sách vở, dụng cụ học tập và sau mỗi khóa học đều tổ chức đánh giá, tổng kết, khen thưởng các cá nhân tích cực và có thành tích cao trong học tập.

ADQuảng cáo

Cô giáo Thảo cho biết: “Hồi mới mở lớp, có một số học viên không biết cách cầm bút nên giáo viên phải vừa dạy vừa dỗ.

Việc mở lớp đã khó, còn việc duy trì sĩ số lớp học còn khó hơn. Những lúc giải lao, rảnh rỗi, các giáo viên thường tổ chức nói chuyện, tâm sự, đọc sách báo và vận động bà con đi học đều đặn. Riêng đối với việc soạn giáo án, giáo viên cũng phải soạn sao cho phù hợp với tâm lý, thực tế cuộc sống để bà con có thể dễ hiểu, dễ vận dụng, tạo sự thích thú, phấn khởi rồi kiên trì theo học”.

Dưới sự chỉ dạy của giáo viên nên các chị Nông Thị Hương, Hứa Thị Mét đã có thể đọc, viết, tính toán

Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống

Theo ông Trần Xuân Hà, Chủ tịch UBND xã Long Sơn thì toàn xã hiện có 370 hộ với hơn 1.700 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số Dao, Tày, Nùng từ phía Bắc vào đây lập nghiệp. Do dân trí thấp cùng với cuộc sống còn nhiều khó khăn nên hầu hết người dân ít có điều kiện tiếp cận với việc học.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng gặp nhiều hạn chế. Nhất là mỗi khi lên xã làm thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, thay vì ký tên thì đa phần người dân lại “lăn tay điểm chỉ”.

Xuất phát từ thực tế đó, địa phương đã đề xuất và được UBND huyện  đồng ý nên tiến hành mở lớp xóa mù chữ cho bà con. Vậy là bắt đầu từ năm 2013 đến nay, xã đã mở được 3 lớp xóa mù chữ, thu hút gần 100 học viên tham gia với đầy đủ lứa tuổi.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con thì lớp học được tổ chức hàng đêm khoảng 2 tiếng rưỡi, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Trong thời gian 5 tháng, các học viên được các giáo viên hướng dẫn, chỉ dạy cách đọc, viết, các kiến thức cơ bản cũng như tổ chức các trò chơi để tự tin hơn trước đám đông.

Có thể nói, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự tận tâm của đội ngũ giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng mà giờ đây, nhiều bà con dân tộc thiểu số ở Long Sơn không chỉ biết đọc biết viết mà còn biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để góp phần xây dựng cuộc sống ngày càng khởi sắc hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Long Sơn giúp đồng bào dân tộc thiểu số xóa mù chữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO