Krông Nô, bất cập trong xây dựng, quản lý cơ sở vật chất văn hóa

Nguyễn Hiền| 09/08/2016 09:24

Xây dựng cơ sở vật chất văn hóa là một trong những tiêu chí mà các địa phương phấn đấu để đạt được trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, việc thực hiện tiêu chí này ở huyện Krông Nô vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập.

ADQuảng cáo

Bất cập từ đầu tư xây dựng

Qua tìm hiểu, hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện hầu như chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Điển hình như Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện được xây dựng từ năm 2005 với tổng diện tích 350m2, có 210 ghế ngồi, với đầy đủ các trang thiết bị thiết yếu, nhưng hiện nay hệ thống điện, nước, vệ sinh, các công trình phụ đã xuống cấp. Hay như Thư viện huyện được xây dựng từ lâu, nhưng vẫn chưa có phòng đọc...

Nhà văn hóa cộng đồng bon R’cập, xã Nâm Nung không được bảo quản, sử dụng tốt và đã bị hư hỏng nặng, bỏ hoang

Theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì ngoài các điều kiện khác, mỗi xã phải có nhà văn hóa mới được công nhận đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, nhưng đến nay, toàn huyện chỉ có 2/12 xã có nhà văn hóa là các xã Nam Đà và Tân Thành. Tuy nhiên, Nhà văn hóa xã Nam Đà mặc dù đã được xây dựng, nhưng hệ thống trang thiết bị chưa đồng bộ, phòng chức năng thiếu nên chưa thể vận hành, hoạt động đúng nghĩa.

Cùng với đó, thôn Nam Phú, xã Nam Đà vẫn chưa có hội trường nên người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nhất là họp dân để phổ biến các đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Xã Nam Đà đã từng đặt mục tiêu đến cuối năm 2015 sẽ đạt được tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, nhưng không về đích được nên đã dời mốc phấn đấu vào cuối năm 2016. Các xã còn lại mặc dù đã có quỹ đất quy hoạch, nhưng lại gặp khó khăn về nguồn vốn nên vẫn chưa thể xây dựng được nhà văn hóa.

Đối với hệ thống nhà văn hóa cộng đồng (NVHCĐ), hội trường thôn cũng tồn tại nhiều bất cập trong xây dựng nên chưa phát huy hết hiệu quả sử dụng. Cụ thể như ở thôn Phú Sơn, xã Quảng Phú chỉ trong khoảng 5km được xây dựng đến 3 NVHCĐ nhưng chỉ sinh hoạt tại NVHCĐ đồng bon Ktắh. Còn ở thôn Phú Lợi cũng xây dựng 2 NVHCĐ, nhưng chỉ sử dụng NVHCĐ tại buôn Dơng.

Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện thì từ nguồn vốn của Chương trình 135, huyện đã đầu tư xây dựng 20 NVHCĐ tại 22 buôn, bon. Tuy nhiên, khi tiến hành xây dựng hầu như không có sự tham gia góp ý của các già làng, trưởng buôn, bon. Vì vậy, hầu hết các NVHCĐ được xây theo mẫu nhà sàn của người Êđê, với khung bằng bê tông, sàn và vách bằng gỗ, mái lợp tôn nên không phù hợp với phong tục, tập quán của người M’nông. Đây cũng là lý do khi nhiều NVHCĐ được xây xong, nhưng người dân không đến sinh hoạt.

Đến ý thức bảo quản

Một nghịch lý xảy ra là trong khi nhiều thôn chưa có hội trường sinh hoạt thì một số buôn, bon được đầu tư xây dựng NVHCĐ lại để hư hỏng, bỏ hoang. Qua kiểm tra của Phòng Văn hóa-Thông tin huyện thì hầu hết các NVHCĐ đều hư hỏng ở những mức độ nhất định.

ADQuảng cáo

Nguyên nhân hư hỏng, xuống cấp của các  NVHCĐ và các trang thiết bị là do công tác quản lý và sử dụng chưa được quan tâm đúng mức. Các NVHCĐ không được bố trí kinh phí để quản lý, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng nên từ hư hỏng nhỏ không khắc phục được dẫn tới hư hỏng ngày càng nặng thêm.

Hàng năm, đội ngũ ban chủ nhiệm các NVHCĐ không được kiện toàn, nghiệp vụ chuyên môn lại yếu, không đủ khả năng bảo quản và khai thác công năng hoạt động của NVHCĐ. Ý thức cộng đồng trong việc bảo quản cơ sở vật chất ở các buôn, bon còn kém, nhiều người còn thờ ơ với tài sản chung.

NVHCĐ bon R’cập, xã Nâm Nung bây giờ chỉ còn trơ ra “bộ xương” có mái lợp, xung quanh cỏ mọc um tùm, bước đến gần chỉ nghe mùi phân trâu, bò và dê từ sàn nhà. Trong khi đó, phía trước là sân và đường đi vào được láng xi măng thoáng rộng.

Chị H’Nheng, một người dân trong bon cho biết, NVHCĐ bon được xây dựng và chỉ sử dụng được vài năm, nhưng rồi không ai bảo quản nên dần bị hư hỏng hết. Trâu bò và dê vào phá nên giờ chỉ để bỏ hoang. Bà con trong bon bây giờ phải lên sinh hoạt nhờ tại Trung tâm văn hóa sinh hoạt thanh thiếu nhi của bon.

NVHCĐ bon Ja Rá, xã Nâm Nung hiện cửa sổ, cửa chính, lan can đều đã bị hư hỏng hoàn toàn. Tôn nóc bị gió đánh bay; một số ván lát sàn và vách, hệ thống điện đều hư hỏng. Các NVHCĐ ở bon Phê Ja Dắk Doh, Phê Ja Đắk Nuh và Rbut ở xã Quảng Phú thì các thiết bị thiết yếu như bàn ghế, loa đài hầu như không còn. Hệ thống cửa bị phá hỏng nên khi bàn giao cho ngành giáo dục quản lý sử dụng lại phải tiến hành tu bổ, sửa chữa gần như hoàn toàn.

Một thực tế cho thấy là khi xây dựng, các NVHCĐ hầu như không có hệ thống hàng rào bảo quản, cộng với người dân không có ý thức bảo vệ nên hệ thống cửa sổ, cửa chính, tường đều hư hỏng. Một số NVHCĐ được bảo quản tốt hơn thì cũng không còn đầy đủ các trang thiết bị thiết yếu được cấp ban đầu.
Cần được quan tâm toàn diện

Có thể nói, thiết chế văn hóa là nơi phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa tinh thần, nâng cao thể chất của nhân dân. Tuy nhiên, với sự xuống cấp và thiếu đồng bộ của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở như ở huyện Krông Nô thì khó có thể đáp ứng được mục tiêu ban đầu.

Theo ông Lê Văn Sĩ, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, hiện tại chưa có xã nào đạt được tiêu chí về xây dựng cơ sở vật chất văn hóa. Để từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, đơn vị cũng đã kiến nghị các cấp đầu tư kinh phí nâng cấp hoàn chỉnh các công trình như sân vận động, nhà văn hóa huyện với phòng tập đa năng đạt chuẩn. Đối với 69/86 thôn chưa có hội trường thì cần được quan tâm đầu tư, hỗ trợ xây dựng và các trang thiết bị cần thiết.

Về kinh phí xây dựng các hội trường chủ yếu là dựa vào sức dân nên cần có cách làm phù hợp để huy động sự đóng góp của nhân dân. Việc xây dựng quy chế hoạt động cho các NVHCĐ một cách thống nhất để quản lý và hoạt động là điều cần thiết. Đơn vị cũng đã và đang tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo quản và sử dụng các NVHCĐ một cách hiệu quả hơn để tránh lãng phí.   

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Krông Nô, bất cập trong xây dựng, quản lý cơ sở vật chất văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO