Kinh nghiệm giữ vững danh hiệu văn hóa ở các thôn, buôn

Gia Bình| 19/03/2015 09:38

Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào xây dựng thôn, bon, tổ dân phố văn hóa trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần làm cho cuộc sống của người dân càng phát triển.

ADQuảng cáo

Người dân xã Nghĩa Thắng (Đắk R’lấp) góp công, góp của cùng chính quyền làm đường giao thông nông thôn

Buôn U3, thị trấn Ea T’ling (Chư Jút) là một trong những buôn tiêu biểu giữ vững danh hiệu văn hóa trong nhiều năm liền. Theo ông Y Bhit, Trưởng buôn U3 thì có được kết quả trên là nhờ sự đồng thuận, đoàn kết của tất cả bà con trong buôn.

Theo đó, tất cả mọi vấn đề trong buôn đều thực hiện theo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhằm huy động sức mạnh của toàn dân theo nguyên tắc tự giác, tự quản là chủ yếu. Công tác tuyên truyền được chú trọng và tổ chức thường xuyên, sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm.

Chẳng hạn như trong việc xây dựng quy ước văn hóa, buôn đã có nhiều cuộc họp lấy ý kiến của dân. Nhờ vậy, các chương, điều khoản trong bản quy ước đều rất hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn của địa phương và nguyện vọng của nhân dân.

Hàng năm, buôn đều tổ chức họp nhằm sửa đổi, bổ sung quy ước theo sự phát triển của địa phương. Cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Ban tự quản buôn đã vận động bà con tích cực tham gia các phong trào, hoạt động do địa phương tổ chức.

ADQuảng cáo

Hiện nay, buôn có hàng chục hộ gia đình có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm; 90% số hộ có nhà cửa kiên cố, mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ sinh hoạt; 90% gia đình đạt danh hiệu văn hóa, trong đó có nhiều gia đình giữ vững danh hiệu trong nhiều năm liền.

Tương tự, thôn 1, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) cũng đã giữ vững danh hiệu văn hóa 5 năm liền và được chính quyền các cấp tuyên dương. Theo ông Ngô Văn Chen, Trưởng thôn 1 thì có được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực của tất cả bà con trong thôn.

Ngay từ khi phong trào được phát động và nhận được sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, thôn đã thành lập Ban vận động đi đến từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân trong thôn thực hiện nếp sống văn hóa mới. Bên cạnh đó, để đảm bảo an ninh trật tự thì thôn cũng đã thành lập được một ban tự quản thường xuyên phối hợp với các chi hội đoàn thể để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hàng tháng, hàng quý, Ban tự quản thôn đều tổ chức họp dân để phổ biến những kế hoạch, nhiệm vụ chung mà chính quyền các cấp đề ra và luôn phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong thôn. Để tạo niềm tin trong nhân dân thì thôn luôn thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, động viên, khen thưởng kịp thời đối với những cá nhân có thành tích xuất sắc trong mọi phong trào mà địa phương tổ chức. Chính vì vậy, thôn 1 không có tệ nạn xã hội, không có người vi phạm pháp luật, việc tang lễ, cưới hỏi đều thực hiện theo nếp sống văn minh và 5 năm liền thôn đều giữ vững danh hiệu văn hóa.

Theo thống kê thì hiện nay, toàn tỉnh có 464/777 thôn, bon, buôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, trong đó có hơn 50% số thôn, bon giữ vững danh hiệu trong nhiều liền và hầu hết các thôn, bon đều đảm bảo các tiêu chí về xây dựng đời sống kinh tế, nâng cao dân trí, phát huy nguồn nội lực trong nhân dân để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo…

Theo kinh nghiệm của các trưởng thôn, bon, buôn, tổ dân phố thì để giữ vững danh hiệu đó là nhờ vào sự nỗ lực của từng hộ gia đình trên địa bàn, cũng như sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền các cấp. Ban vận động các thôn, bon, buôn phải luôn đi đầu, gương mẫu trong mọi hoạt động như người tốt việc tốt, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình hòa thuận, ấm no, thực hiện đúng đường lối, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm giữ vững danh hiệu văn hóa ở các thôn, buôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO