Khắc khoải vì thủy điện Chư Pông Krông

Lê Phước| 03/03/2020 16:15

Sông Krông Nô đã gắn bó bao đời nay với người dân tại huyện Krông Nô. Thế nhưng, thời gian qua, do hoạt động của Dự án thủy điện Chư Pông Krông nên lưu lượng dòng chảy, môi trường sinh thái trên con sông này đã có nhiều thay đổi, tác động xấu đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân...

ADQuảng cáo

Thủy điện Chư Pông Krông (đánh dấu đỏ) là 1 trong 2 dự án trên sông Krông Nô và nằm phía dưới thủy điện Buôn Tua Srah (Ảnh chụp vệ tinh).

Trên sông Krông Nô có 2 dự án thủy điện là Buôn Tua Srah và Chư Pông Krông. Tại thượng nguồn sông Krông Nô, từ khi hoàn thành và đi vào vận hành (năm 2009), Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah khiến cho dòng chảy phía hạ lưu biến động mạnh. Cách đây vài năm, lại thêm thủy điện Chư Pông Krông được khởi công xây dựng, nên mọi việc lại càng tồi tệ hơn. Tác động của hai thủy điện này khiến hàng chục km bờ sông Krông Nô bị sạt lở nghiêm trọng, lòng sông ngày một phình to, nhiều diện đất sản xuất, nhà cửa và công trình của người dân 6 xã ven sông đều bị sạt lở....

Dự án thủy điện Chư Pông Krông (8MW) đang được triển khai thi công trên sông Krông Nô.

TRẠM BƠM TÊ LIỆT

Nhiều tháng qua, anh Bùi Xuân Phú, nhân viên của Chi nhánh Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi huyện Krông Nô luôn túc trực tại Trạm bơm D12, xã Quảng Phú. Anh Phú là nhân viên quản lý, vận hành trạm bơm. Gần 10 năm qua, Trạm bơm D12 với anh như một người bạn thân, nên anh hiểu rất rõ từng biểu hiện của nó.

Trạm bơm D12 có 3 máy, mỗi máy có công suất bơm 270m3 nước/giờ. Nhiệm vụ của trạm bơm là đưa nước từ sông Krông Nô lên cung cấp cho cánh đồng buôn Sứk và cánh đồng D12, xã Quảng Phú. Hai cánh đồng này có tổng diện tích khoảng 120 ha, chủ yếu là lúa nước của người dân địa phương.

Theo anh Phú, trước đây, khi chỉ có Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah (thượng lưu sông Krông Nô) hoạt động, trạm bơm đã có đủ nước để chạy hết công suất cả 3 máy bơm. Thế nhưng hiện tại, do tác động của thủy điện Chư Pông Krông, việc bơm nước từ sông lên là rất khó khăn. Cả trạm bơm hầu như chỉ đủ nước để một máy bơm hoạt động. Hai máy bơm còn lại hầu như bệ tê liệt, ít khi được dùng đến.

Trạm bơm D12 lâm vào cảnh thiếu nước do những tác động từ thủy điện.

Sông Krông Nô vốn là ranh giới giữa 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Trong lúc chờ nguồn nước từ thượng nguồn về, anh Phú đi dọc xuống bãi đá nhô lên cao giữa lòng sông. Bãi đá này trước đây là bãi bồi và thường nằm sâu dưới mực nước. Thời điểm mà bãi đá này còn ngập dưới nước, trạm bơm D12 lúc nào cũng “no” nước, bơm lúc nào cũng được.

Công nhân thủy lợi thường xuyên túc trực tại trạm bơm nhưng việc vận hành cùng lúc 3 máy bơm gần như không thể.

Nhưng cách đây chừng 1 năm, dòng chảy trên sông Krông Nô đã hoàn toàn thay đổi lớn, khiến nước sông bắt đầu cạn kiệt. Nguyên nhân là do trong quá trình xây dựng Dự án thủy điện Chư Pông Krông, chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Xây lắp điện Hưng Phúc (Đắk Lắk) đã nạo vét, tác động vào lòng sông. Hoạt động này vô tình nắn dòng chảy của sông Krông Nô lệch hẳn về phía bờ sông thuộc địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Trạm bơm D12 nằm ở phía bờ sông thuộc địa phận Đắk Nông đã lâm vào cảnh hụt chân, thiếu nước.

Nhìn dòng nước chảy mạnh bên phía tỉnh Đắk Lắk, trong khi trạm bơm chỉ có thể vận hành cầm chừng, anh Phú xót xa: "Năm ngoái thiếu nước giữa mùa mưa (khoảng tháng 8/2019), chúng tôi đã kè rọ đá ngăn dòng, đào sâu kênh dẫn vào trạm bơm và nối ống bơm sâu thêm. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Việc thiếu nước vẫn tiếp tục diễn ra".

Phương án kè rọ đá để đưa nước vào trạm bơm chỉ là giải pháp tạm thời.

Tây Nguyên đang bước vào những ngày cao điểm mùa khô, nên công việc của những người như anh Phú cũng vất vả hơn. “Mùa này, trực nước như chăm con mọn vậy. Mình phải túc trực thường xuyên, canh nguồn nước sông liên tục để làm sao vận hành trạm bơm hiệu quả nhất. Thôi thì vất vả tí nhưng bơm được càng nhiều nước cho bà con làm lúa, làm màu càng tốt”, anh Phú nói.

ĐỒNG KHÔ, RUỘNG CHẾT VÌ "KHÁT NƯỚC"

Trên mảnh ruộng 2 sào giữa cánh đồng D12, mẹ con bà Nguyễn Thị Như, ở thôn Phú Hưng, xã Quảng Phú, tranh thủ cấy một góc ruộng còn lại. Mảnh ruộng nhỏ này làm đất trước đó cả tuần, nhưng mỗi ngày, mẹ con bà Như chỉ cấy được một góc. Góc này chuẩn bị cấy thì góc kia đã bén rễ. Theo bà Như, việc bà con ở đây cấy lúa như thế này đã diễn ra từ nhiều năm qua. Nguyên nhân là do cả cánh đồng D12 đều lâm vào cảnh thiếu nước. Riêng gia đình bà, dù chỉ có 2 sào ruộng, nhưng hầu như không khi nào đủ nước để cấy cùng lúc.

Dù có cấy lúa, nhưng gia đình bà Như vẫn không chắc sẽ có được thu hoạch. “Mấy năm trước đủ nước thì chẳng lo chứ năm nay nước thất thường quá. Mình cứ cấy vậy chứ cũng chẳng biết được mất thế nào nữa”, bà Như chia sẻ.

Người dân trên cánh đồng D12 gặp khó trong quá trình canh tác vì thiếu nước sản xuất.

Cũng xuống giống theo kiểu “cầu may”, nhưng gia đình ông Phạm Đình Sơn, cùng thôn Phú Hưng, còn vất vả hơn. Ruộng của ông nằm ở cuối kênh dẫn trên cánh đồng D12, nên việc đưa nước về ruộng rất khó. Sáng sáng, người đàn ông 66 tuổi này lại lặn lội đi lên đầu dòng kênh cách ruộng hơn 1 km để đón nước về. Việc này không phải dễ vì mùa khô, nhà nào trồng lúa cũng cần nước. Do đó, ông Sơn phải canh để nước chảy vừa đủ vào ruộng người ta, vừa có dẫn về ruộng mình.

Hàng ngày, ông Sơn trực nước về “cứu” ruộng lúa đang khô hạn.

Gần 12 giờ trưa, nước theo mương bê tông về tới ruộng ông Sơn. Giữa cái nắng trưa Tây Nguyên, nụ cười của ông Sơn sáng hơn trên khuôn mặt đã cháy sạm. Ông tranh thủ tỉa từng khóm lúa để cấy vào những khoảng đất trống. Rồi ông đi sửa từng cọc rào dây thép gai quanh ruộng. “Chẳng năm nào thiếu nước như năm nay cả. Mấy nhà trồng lúa xung quanh bỏ hoang ruộng hết, nên mình phải rào lại để tránh trâu, bò phá. Biết là vất vả nhưng mình là nông dân, không thể bỏ ruộng không được”, ông Sơn cho biết.

ADQuảng cáo

Nhiều diện tích trên cánh đồng D12 bỏ hoang vì thiếu nước

Quanh ruộng lúa của ông Sơn và bà Như, rất nhiều khu ruộng khác đã bị bỏ hoang. Thống kê của UBND xã Quảng Phú cho thấy, có khoảng 5ha ruộng thiếu nước, không thể gieo trồng lúa. Tại một số chân ruộng cao, người dân địa phương đã trồng ngô thay cho lúa, nhưng ngô cũng “khát” nước nên cũng phát triển chậm, nhiều diện tích đã chết.

CHỦ ĐẦU TƯ CHƯA LÀM HẾT TRÁCH NHIỆM

Đầu năm 2018, Công ty TNHH MTV Xây lắp điện Hưng Phúc khởi công xây dựng Dự án thủy điện Chư Pông Krông. Hơn 1 năm sau, hàng chục hộ dân ở thôn Phú Trung và Phú Thuận, xã Quảng Phú, đã có ý kiến phản ánh lên chính quyền địa phương.

Người dân cho rằng, trong quá trình thi công dự án, đơn vị thi công đã nổ mìn tại khu vực cách khu dân cư xã Quảng Phú khoảng 300m. Do đó, nhà ở, các công trình sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng. Sau khi dư luận phản ánh, chủ đầu tư đã tiến hành rà soát, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ người dân bị thiệt hại. Nhưng theo UBND xã Quảng Phú, hiện vụ việc vẫn chưa xử lý dứt điểm. Nguyên nhân là do người dân chưa chấp nhận phương án bồi thường vì chủ đầu tư áp giá quá thấp. Mặt khác, chủ đầu tư cũng tỏ ra nhùng nhằng, không thể hiện được tinh thần quyết liệt trong việc hỗ trợ thiệt hại cho dân.

Từ khi triển khai thi công tới nay, Dự án thủy điện Chư Pông Krông đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến đời sống người dân địa phương.

Chỉ ít tháng sau vụ việc nổ mìn, người dân Quảng Phú lần thứ hai phải chịu tác động tiêu cực bởi việc thi công thủy điện Chư Pông Krông. Và như đã nói, do chủ đầu tác động quá mạnh tới dòng chảy sông Krông Nô, khiến trạm bơm D12 bị hụt chân, các máy bơm không còn vươn tới nước và tê liệt. Hơn 100 ha lúa nước trên cánh đồng buôn Sứk và D12 lâm vào cảnh bị hạn. Một số diện tích lúa chết, buộc người dân phải gieo trồng lại. Ngoài ra, một số diện tích do không có nước nên phải gieo trồng muộn, lâm vào cảnh mất mùa.

Người dân bức xúc, chính quyền xã liên hệ, nhưng chủ đầu tư không mấy quan tâm. Mãi sau khi sự việc được báo cáo lên cấp huyện, tỉnh thì mới có một buổi làm việc giữa các bên liên quan. Buổi làm việc diễn ra vào ngày 1/8/2019, đại diện chủ đầu tư hứa sẽ nhanh chóng thực hiện biện pháp khắc phục, khơi lại dòng chảy sông Krông Nô để đưa nước về. Chủ đầu tư cũng cam kết phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá, khảo sát và có hướng nâng cấp, di dời trạm bơm D12 đến vị trí bảo đảm nguồn nước tốt hơn.

Dòng chảy sông Krông Nô bị nắn hoàn toàn sang phía tỉnh Đắk Lắk.

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT Krông Nô, sau buổi làm việc, chủ đầu tư có phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông khơi thông dòng chảy trên sông Krông Nô để dẫn nước vào trạm bơm D12 và nối thêm đường ống hút nước cho 3 máy bơm của trạm bơm này. Thế nhưng, phương án này đến nay đã không mang lại hiệu quả. Trạm bơm D12 vẫn không đủ nước để hoạt động thường xuyên. "Người dân địa phương chịu ảnh hưởng trong vụ đông xuân này là rất lớn. Nếu chủ đầu tư không sớm khắc phục thì họ phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại của người dân", ông Lộc bức xúc.

DỰ ÁN THI CÔNG KHI CHƯA ĐỦ ĐIỀU KIỆN ?

Một điều rất đáng lưu ý nữa về công trình thủy điện Chư Pông Krông là về hồ sơ, thủ tục pháp lý. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông, chủ đầu tư công trình này báo cáo một phần vai đập tràn của dự án nằm ở địa phận tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, sở chưa nhận được bất kỳ hồ sơ nào về công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này cũng có sự thay đổi, nhưng chủ đầu tư chưa điều chỉnh kịp thời để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Theo Sở Công thương tỉnh Đắk Nông, việc thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công công trình thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương. Sở Công thương đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH MTV Xây lắp điện Hưng Phúc cung cấp các hồ sơ này để nắm bắt, theo dõi. Tuy nhiên, chủ đầu tư chỉ cung cấp một số văn bản liên quan chứ không có hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và văn bản thẩm định thiết kế bản vẽ thi công.

Sở Công thương đã có Công văn số 1445 ngày 9/12/2019 báo cáo UBND tỉnh Đắk Nông về sự việc này. Trong đó, Công văn nhấn mạnh: “công trình thủy điện Chư Pông Krông nằm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chưa đủ điều kiện để thực hiện việc thi công hạng mục theo quy định”.

Trên cơ sở đó, Sở Công thương đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công vì thiếu hồ sơ nêu trên; thực hiện đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan đến đầu tư xây dựng công trình, đất đai, môi trường… theo đúng quy định.

Chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp kiểm tra, xử lý nhưng công trình thủy điện này vẫn tác động tiêu cực đến người dân.

Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông nhận được phản ánh của huyện Krông Nô về việc thủy điện Chư Pông Krông chưa hoàn tất thủ tục pháp lý nhưng đã triển khai xây dựng. UBND tỉnh đã giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Krông Nô kiểm tra, xử lý theo quy định. Trong trường hợp quá thẩm quyền, các đơn vị phải báo cáo, đề xuất UBND tỉnh để xử lý trước ngày 30/3/2020.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc khoải vì thủy điện Chư Pông Krông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO