Kết nối cung - cầu, tạo cơ hội việc làm cho người lao động

Thanh Nga| 18/07/2018 09:57

Mới đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với UBND huyện Đắk Glong đã tổ chức phiên giao dịch việc làm tại huyện Đắk Glong, thu hút đông đảo người dân tham gia, góp phần nâng cao nhận thức về lao động, việc làm.

ADQuảng cáo

Người dân tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin của công ty tuyển dụng lao động tại Phiên giao dịch việc làm được tổ chức tại huyện Đắk Glong

Mạnh dạn đi làm việc ở ngoài tỉnh

Đắk Glong là huyện vùng sâu, có trên 70.000 người với 28 dân tộc anh em sinh sống. Trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội, huyện luôn quan tâm công tác giải quyết việc làm, dạy nghề để giúp người lao động có việc làm ổn định, tăng thu nhập. Vì vậy, phiên giao dịch việc làm cũng nhằm mục đích tạo cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề và người lao động có dịp gặp gỡ, trao đổi thông tin, tuyển dụng. Tại phiên giao dịch, nhiều lao động, trong đó bà con dân tộc thiểu số đã mạnh dạn đăng ký tuyển dụng, đi làm việc ở ngoài tỉnh.

Chị H’Thiên, bon Rdạ, xã Quảng Khê đến với phiên giao dịch việc làm đã thay đổi cách nghĩ về lao động, việc làm. Theo chị H’ Thiên chia sẻ, khi được địa phương thông báo ở huyện có tổ chức phiên giao dịch việc làm, chị  rất tò mò và đã sắp xếp thời gian đến tìm hiểu. Thời gian qua, do con còn nhỏ, nhà cũng có ít rẫy nương nên thu nhập của gia đình không được bao nhiêu. Bây giờ con đã lớn nên chị cũng muốn tìm việc làm lâu dài, có thêm thu nhập để ổn định cuộc sống. Khi đến đây, qua tìm hiểu, chị thấy có nhiều việc làm phù hợp như may mặc, giày da mà lương cũng từ 5-8 triệu đồng/tháng, nên mạnh dạn đăng ký.

Anh Giàng A Tráng cũng ở xã Quảng Khê sau khi tìm hiểu về nhu cầu tuyển dụng đã quyết định nộp đơn xin vào làm công nhân tại Công ty Cổ phần may mặc Bình Dương ở thị xã Thuận An (Bình Dương). Theo anh Tráng, ban đầu cũng lo không đáp ứng được tiêu chuẩn nhưng khi được doanh nghiệp tư vấn thì yên tâm và anh đã nộp đơn xin vào làm việc.

ADQuảng cáo

Tại phiên giao dịch việc làm, sau khi được tư vấn, anh Giàng A Tráng ở xã Quảng Khê đã quyết định nộp đơn xin vào làm công nhân tại Công ty Cổ phần may mặc Bình Dương

Anh Tráng cho biết: “Trước đây ngại đi làm ăn xa nhà nhưng qua phiên giao dịch này tôi đã thay đổi suy nghĩ. Mình còn trẻ thì cần phải mạnh dạn đi làm ăn. Cuộc sống cần có việc làm ổn định và khi mình tìm hiểu kỹ thông tin về tuyển dụng, nhất là công ty đã được huyện, tỉnh cho phép tuyển dụng lao động địa phương thì yên tâm. Tôi sẽ về tuyên truyền những thông tin tiếp nhận được lại cho bà con để cũng mạnh dạn đi làm việc ở ngoài tỉnh”.

Nhiều cơ hội lựa chọn việc làm

Phiên giao dịch việc làm mặc dù lần đầu tiên được tổ chức tại Đắk Glong nhưng đã thu hút 12 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động với trên 4.000 vị trí, cơ hội việc làm trong nước và xuất khẩu lao động. Các công ty, doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng lao động phổ thông với ngành nghề chủ yếu gồm may công nghiệp, giày da, điện dân dụng, cơ khí…

Bà Lâm Thị Thu Hải, Phòng nhân sự Công ty Cổ phần may mặc Bình Dương cho biết: “Tại phiên giao dịch việc làm, công ty có nhu cầu tuyển dụng khoảng 250 công nhân may mặc. Công ty đã nhiều lần đến Đắk Nông tuyển dụng lao động và được biết đa số lao động của tỉnh chưa có tay nghề. Vì vậy, sau khi tuyển dụng, công ty đã đào tạo tay nghề và hỗ trợ lương để bảo đảm thu nhập cho người lao động. Thường khoảng 3 tháng học nghề, người lao động đã có thể làm việc tốt. Mức thu nhập sau đào tạo trung bình đạt trên 7 triệu đồng/tháng, nếu có tay nghề bậc cao thì thu nhập cao hơn”.

Theo ông Trần Nam Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, qua phiên giao dịch việc làm, các bạn thanh niên, học sinh, người lao động địa phương được tiếp cận những tư duy mới về lao động, việc làm. Đó là, mỗi người có thể tìm cho mình những công việc, việc làm chính đáng, có thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống. Phiên giao dịch việc làm cũng góp phần kết nối cung-cầu lao động tại địa phương, tạo cơ hội việc làm cho người lao động. Huyện cũng mong muốn sẽ có những phiên giao dịch việc làm được tổ chức xuống tận xã, thôn, bon để nhiều người dân được tiếp cận thông tin và nâng cao nhận thức về lao động, việc làm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết nối cung - cầu, tạo cơ hội việc làm cho người lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO