Huy động nhiều nguồn vốn đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung

Thanh Nga thực hiện| 23/05/2016 14:12

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ngưng hoạt động đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Phóng viên Báo Đắk Nông (PV) đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (NSH- VSMTNNT) trực thuộc Sở Nông nghiệp – PTNT về giải pháp khắc phục công trình, sớm cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

ADQuảng cáo

PV: Ông đánh giá như thế nào về hiện trạng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh?

Ông Nguyễn Văn Dương: Khảo sát mới nhất của tỉnh, hiện trên địa bàn có 230 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung với tổng kinh phí đầu tư xây dựng trên 233 tỷ đồng. Các công trình được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước như Chương trình 134, Chương trình 135, Trung tâm NSH - VSMTNT và các địa phương kêu gọi thu hút đầu tư, Dự án DANIDA của Đan Mạch. Thời gian qua, có khoảng 19.000 hộ dân, tương đương 80.000 nhân khẩu được tiếp cận nước từ các công trình cấp nước tập trung này. Đa số người dân được tiếp cận nước đều thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.  

Tuy nhiên, hiện trạng chất lượng các công trình rất đáng báo động và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dùng nước. Toàn tỉnh có tới 127 công trình đã hư hỏng và ngừng hoạt động. Hiện nay, chỉ có 103 công trình đang hoạt động, nhưng trong số này, có một số hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, trong thời gian hạn hán gay gắt vừa rồi, do tầng nước ngầm giảm sút hẳn nên 1 số công trình phải cấp nước bằng hình thức luân phiên, lúc có, lúc không.

Trong mùa khô vừa qua, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung của tổ dân phố 5, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) không sử dụng được do hết nước

PV: Theo ông, cách quản lý các công trình nước lâu nay có hiệu quả hay không và nguyên nhân dẫn đến nhiều công trình bị ngưng hoạt động là do đâu?

Ông Nguyễn Văn Dương: Các công trình nước tập trung này lâu nay giao cho các nhóm, tổ dùng nước ở các thôn, buôn, bon, tổ dân phố quản lý sử dụng. Xét về mặt tổng thể mà nói thì các tổ, nhóm dùng nước ở các thôn, buôn, bon quản lý thì công trình cơ bản là hỏng.

Bên cạnh do thời gian sử dụng các công trình đến cả chục năm thì chủ yếu vẫn là do công tác quản lý yếu kém. Cán bộ quản lý vận hành thì không có chuyên môn; tiền nước thì khó thu được. Sau nữa là nguồn kinh phí của xã, phường để các nhóm, tổ dùng nước này sử dụng sửa chữa nhỏ không có, không bố trí được thường xuyên, dẫn đến hư hỏng lớn và công trình hư hỏng.

Thời gian qua, chỉ có một số địa bàn được doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí thì công trình nước hoạt động được. Mặt khác, công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm và bảo vệ công trình không cao.

ADQuảng cáo

PV: Trước tình trạng này, Trung tâm đã có giải pháp nào để người dân sớm có nước sinh hoạt từ các công trình nước tập trung, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Dương: Thực hiện chỉ đạo của tỉnh về việc tìm giải pháp để người dân sớm có nước sinh hoạt, hiện nay, Trung tâm NSH - VSMTNT đã xây dựng kế hoạch huy động vốn để mở mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình. Từ nay đến năm 2020, Đắk Nông phấn đấu huy động khoảng 200 tỷ đồng từ các chương trình, dự án để sửa chữa, nâng cấp, mở rộng 127 công trình. Trong đó, hiện Sở Tài chính đang trình UBND tỉnh để phân bổ bố trí 400 triệu đồng nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ về phòng chống hạn hán, thiếu nước sinh hoạt nông thôn năm 2016.

Sắp tới, Sở Nông nghiệp – PTNT tiếp tục đề xuất Bộ Nông nghiệp - PTNT bố trí khoảng 20-35 tỷ đồng để sửa chữa, mở rộng các công trình trên địa bàn tỉnh từ nguồn vốn hỗ trợ hạn hán. Trong giai đoạn 2016-2020, Ngân hàng Thế giới dự kiến sẽ bố trí cho tỉnh Đắk Nông vay khoảng 7,4 triệu USD và năm đầu tiên giải ngân 25% trong tổng nguồn vốn này.

Trên cơ sở đó, khi có vốn thì trong năm nay, Trung tâm sẽ ưu tiên mở mới 4 công trình tại các xã Thuận An (Đắk Mil), Nhân Đạo (Đắk R’lấp), Đắk N’drung (Đắk Song) và Đắk R’moan (Gia Nghĩa). Ngoài ra, Trung tâm sẽ nâng cấp, sửa chữa 21 công trình bị hư hỏng trên địa bàn toàn tỉnh. Do đặc thù trên địa bàn tỉnh, người dân ở vùng sâu, vùng xa sống nhỏ lẻ, cách nhau xa nên mức đầu tư cho mỗi công trình cao. Mỗi công trình mở mới kinh phí từ 8 -10 tỷ đồng; còn mỗi công trình sửa chữa, nâng cấp, mở rộng cũng từ 5 - 6 tỷ đồng. Ước sẽ có từ 1.500 - 2.000 hộ được hưởng lợi từ các công trình được đầu tư.

Hiện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã hỗ trợ 2 tỷ đồng cho người dân trên địa bàn bị thiếu nước sinh hoạt do ảnh hưởng hạn hán. Nguồn vốn này sẽ dùng để sửa chữa nhỏ, xây dựng bồn tích nước cho một số công trình ngưng hoạt động để bơm nước miễn phí cho dân sử dụng.

PV: Theo ông, trong thời gian tới, việc quản lý các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cần có thay đổi nào để đạt hiệu quả cao?

Ông Nguyễn Văn Dương: Các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung chủ yếu hỗ trợ phục vụ cộng đồng, hướng đến đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu, vùng xa điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, chứ không phải kinh doanh. Do đó, các ngành chức năng, địa phương cần có hướng tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức của người dân tích cực tham gia vào quản lý công trình.

Thời gian tới, đối với công trình có công suất từ 100m3/ngày đêm trở lên cần được bố trí nguồn vốn để hỗ trợ cho cán bộ quản lý, vận hành tại địa phương theo hình thức trả lương. Trung tâm cũng sẽ có trách nhiệm tập huấn và có nguồn vốn để sữa chữa nhỏ, còn sửa chữa lớn thì cần nguồn vốn của Nhà nước.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huy động nhiều nguồn vốn đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO