Hội Phụ nữ đẩy mạnh thực hiện phương châm “Hành động nhỏ, thay đổi lớn” để bảo vệ môi trường

Thanh Nga thực hiện| 18/01/2019 09:21

Với phương châm “Hành động nhỏ, thay đổi lớn”, những năm qua, Hội phụ nữ các cấp trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân nói chung. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với bà Hà Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Đắk Nông về những hiệu quả đạt được.

ADQuảng cáo

Bà Hà Thị Hạnh

PV: Thưa bà, thời gian qua Hội LHPN tỉnh đã có những hoạt động nào để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cán bộ, hội viên, phụ nữ?

Bà Hà Thị Hạnh: Bảo vệ môi trường là một trong những nội dung chính của hoạt động, phong trào thi đua được Hội LHPN tỉnh triển khai thực hiện sâu rộng đến toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ. Năm 2010, Hội LHPN Việt Nam phát động Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” trên phạm vi toàn quốc và được xác định là nội dung quan trọng, xuyên suốt của cả nhiệm kỳ, góp phần hướng dẫn, vận động phụ nữ thực hiện xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị.

Theo đó, công tác tuyên truyền, vận động chị em chung tay bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp được lồng ghép thường xuyên trong sinh hoạt chi hội, tổ hội và các hoạt động. Các hoạt động bảo vệ môi trường cũng được tổ chức gắn với Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và thực hiện tiêu chí 17 về môi trường của Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Hàng năm, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội triển khai tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”, Tuần lễ quốc gia nước sạch, vệ sinh môi trường, Ngày môi trường thế giới. Đặc biệt, từ năm 2018, Hội LHPN tỉnh đã chọn ngày 19/ 1 hàng năm là Ngày Phụ nữ Đắk Nông chung tay vì môi trường. Các cấp hội từ tỉnh đến cơ sở đồng loạt tổ chức lễ phát động và ra quân thực hiện các phần việc bảo vệ môi trường, ký cam kết chung tay vì môi trường.

Hội LHPN xã Đắk Sắk (Đắk Mil) xây dựng hố rác tại cánh đồng lúa để người dân bỏ chai lọ thuốc trừ sâu, bảo vệ môi trường

PV: Thông qua hoạt động của các cấp hội đã có tác động đến nhận thức và hành động của chị em và người  dân ra sao?

Bà Hà Thị Hạnh: Phụ nữ có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, vì trực tiếp tham gia sản xuất, sinh hoạt hàng ngày. Các gia đình, hội viên, phụ nữ tích cực tham gia những hoạt động cụ thể như bảo vệ rừng, không phá rừng, không đổ rác bừa bãi, xây dựng đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp. Các phong trào và các mô hình bảo vệ môi trường được phát động, xây dựng như “không sử dụng thuốc độc hại trong chăn nuôi và trồng trọt”, “không trồng rau hai luống, chăn nuôi hai chuồng”, “chống rác thải nhựa”...

ADQuảng cáo

Nhiều hội viên, chị em trở thành đội ngũ tuyên truyền viên tích cực, tác động mạnh mẽ đến người thân trong gia đình như chồng, con, anh em và hàng xóm, láng giềng cùng bảo vệ môi trường. Nhiều cơ sở hội đã xây dựng các mô hình, điển hình trong công tác bảo vệ môi trường và hiện có 55 mô hình, 24 câu lạc bộ vệ sinh môi trường.

Điển hình, các huyện Đắk Glong, Tuy Đức, Đắk R’lấp, Krông Nô có các mô hình “3S, 3C, 3T”, “bao rác tình thương”, “phân loại và xử lý rác thải gắn với vườn rau dinh dưỡng, cây xanh tại hộ gia đình”. Các huyện Cư Jút, Đắk Song, Đắk R’lấp và thị xã Gia Nghĩa có các “con đường phụ nữ tự quản”, “con đường hoa”, “câu lạc bộ vệ sinh môi trường”, “nói không với túi nilon”...

Tại các địa phương cũng có 30 mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Tiêu biểu như trong sản xuất nông nghiệp sử dụng tưới nhỏ giọt cho các loại cây trồng, trồng các loại cây xen canh giữ độ ẩm cho đất tăng năng suất, thu gom phế liệu hỗ trợ chăn nuôi, trồng rau sạch, trồng cây dược liệu, tái sử dụng rác thải thành phân hữu cơ. Hội LHPN tỉnh đã thành lập được HTX Nông nghiệp-dịch vụ tổng hợp Đức Mạnh (Đắk Mil) với nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại địa phương, góp phần bảo vệ môi trường và tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, phụ nữ.

Thông qua tuyên truyền về bảo vệ môi trường, các chị em chọn sản xuất nông nghiệp sạch để khởi nghiệp

PV: Thưa bà, thời gian tới Hội LHPN tỉnh tiếp tục có những hoạt động nào để nâng cao hiệu quả, kết quả bảo vệ môi trường?

Bà Hà Thị Hạnh: Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp hội duy trì và triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường. Các cấp hội chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền, đa dạng các hoạt động bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể, thiết thực với cuộc sống hàng ngày.

Cùng với tiếp tục triển khai Ngày Phụ nữ Đắk Nông chung tay vì môi trường năm 2019, đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, Hội nỗ lực huy động sự tham gia mạnh mẽ của các cấp chính quyền địa phương, cộng đồng, các tổ chức, cá nhân vào việc bảo vệ môi trường. Các hoạt động sẽ được tổ chức đa dạng, phong phú hơn để thu hút đông đảo chị em tham gia. Hội chú trọng nêu gương người thật, việc thật, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, từ đó nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường có hiệu quả trong mọi tầng lớp phụ nữ.

Hội mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động của các mô hình hiện có cũng như tranh thủ nguồn lực, kêu gọi các chương trình, dự án đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường để tổ chức các hoạt động, xây dựng các mô hình mới có hiệu quả.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội Phụ nữ đẩy mạnh thực hiện phương châm “Hành động nhỏ, thay đổi lớn” để bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO