Hoạt động của Trung tâm Bạch Tuyết: Cần được kiểm tra toàn diện về chức năng và điều kiện nuôi dưỡng

Va Ly| 07/07/2015 11:03

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao nhiều về các hoạt động của Trung tâm hỗ trợ dưỡng lão và nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật Bạch Tuyết (Trung tâm Bạch Tuyết) ở tổ dân phố 2, phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa). Một số trường hợp đã từng ở, làm việc tại trung tâm đã gửi đơn thư tố cáo đến các cơ quan chức năng về hoạt động của trung tâm này.

ADQuảng cáo

NUÔI DƯỠNG THAI PHỤ TRÁI PHÉP

Trung tâm Bạch Tuyết có chức năng chính là hỗ trợ dưỡng lão và nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, khuyết tật. Tuy nhiên, thời gian về sau, trung tâm còn nhận nuôi và hỗ trợ cho các thai phụ trẻ “lỡ” mang bầu và chưa có gia đình.

Điều đáng nói là một số thai phụ sau khi sinh con muốn nhận lại con thì phải “hỗ trợ” lại trung tâm một khoản tiền khá lớn. Trường hợp của em H.T.D (SN 1996) ở huyện Đắk Song là một ví dụ.

Theo lời D thì do lỡ mang thai đến tháng thứ 5 mới phát hiện ra, sợ mọi người biết nên em đã tìm đến Trung tâm Bạch Tuyết để mong nhận được sự giúp đỡ. Hai tháng sau, D sinh con trai nặng 1,8 kg rồi gửi con ở trung tâm và trở về nhà. Sau khi gia đình biết và cho phép, D lên gặp bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, Giám đốc Trung tâm để xin nhận lại con về, nhưng đều không gặp được. Lo lắng không nhận lại được con, nên D đã gửi đơn lên các cơ quan chức năng nhờ can thiệp.

D cho biết: “Khi gặp được cô Tuyết thì qua những lần thỏa thuận, em và gia đình phải đưa tiền “hỗ trợ” lại cho trung tâm mới được đưa con về. Số tiền phải “hỗ trợ” là trên 60 triệu đồng, nhưng trung tâm nói sẽ giảm xuống còn 40 triệu đồng. Vào ngày 24/6, em đến gặp thì cô Tuyết nói có thể giảm xuống 20-30 triệu đồng và nhấn mạnh là đừng để trung tâm thiệt thòi hơn. Vào lần gần đây nhất, cô gọi điện và yêu cầu em phải đính chính những nội dung mà em đã cung cấp cho báo chí cũng như phản ánh trong một số đơn từ thì mới cho nhận con về mà không cần phải trả tiền nữa. Tuy nhiên, những gì em phản ánh là sự thật nên hiện tại em và gia đình vẫn chưa chấp nhận”.

Tương tự, trường hợp của P.N.N (SN 1993) ở Cần Thơ, sau khi có thai ngoài ý muốn, qua các nguồn thông tin, đã liên lạc với Trung tâm Bạch Tuyết để mong nhận được sự giúp đỡ. Bà Tuyết đã trực tiếp xuống TP. Hồ Chí Minh đón N lên.

N cho biết: “Em vào trung tâm ở được khoảng 3 tháng. Sau khi sinh, cô Tuyết nói nếu em để con lại trung tâm để đi làm thì cô chỉ lấy 3 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, khi em và bố của bé chuẩn bị làm đám cưới và muốn nhận con về để đoàn tụ gia đình thì cô nói phải “hỗ trợ” lại cho trung tâm 8 triệu đồng/tháng; trong đó có 6 triệu đồng tiền thuê bảo mẫu chăm sóc, 2 triệu đồng tiền sữa, bỉm và chưa kể tiền ăn ở của em 1,5 triệu đồng/tháng và tiền đi sinh 1,9 triệu đồng. Đến nay, con em đã được 3 tháng nên muốn nhận con về thì phải “hỗ trợ” lại trung tâm trên 20 triệu đồng. Sau khi em sinh xong, cô Tuyết cũng làm giấy khai sinh cho con em theo họ của cô luôn”.

Vì nghĩ là trung tâm làm từ thiện nên khi các thai phụ trẻ, trong đó có nhiều em đang độ tuổi vị thành niên đã tìm đến mong nhận được sự giúp đỡ. Nhưng sau trường hợp của  H.T.D, cộng thêm đó là chế độ chăm sóc không đảm bảo nên nhiều thai phụ khác đã bỏ trốn khỏi trung tâm trước khi sinh như trường hợp của P.T.A.N (SN 1998) quê ở Quảng Trị và T.N.N (SN 1994) ở Phú Yên.

Từ thực tế trên, dư luận và các thai phụ đã bức xúc và nghi ngờ về mục đích làm từ thiện, hỗ trợ của Trung tâm Bạch Tuyết. Trong một cuộc họp của Ban quản trị trung tâm, ông Trần Đức Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Bạch Tuyết cũng đã khẳng định: Trung tâm chưa có điều kiện, khả năng, chức năng để nuôi dưỡng thai sản. Hiện nay, cơ quan chức năng chưa cho phép, nhưng chúng ta đang "đi trước một bước, trong lĩnh vực thầm kín”.

NHẾCH NHÁC ĐIỀU KIỆN NUÔI DƯỠNG

Qua phản ánh của dư luận, chúng tôi đã quyết định đến tận nơi để được “mục sở thị”. Theo Trung tâm Bạch Tuyết thì hiện tại đơn vị đang nuôi dưỡng 23 trẻ mồ côi, khuyết tật.

ADQuảng cáo

Khi chúng tôi đến trung tâm, đập vào mắt đầu tiên là cánh cửa đóng kín mít, có cảm tưởng như “hầm bí mật”. Bên trong là cảnh những đứa trẻ nheo nhóc, đứa ngồi xem ti vi, đứa nằm ngủ giữa nhà, căn phòng ẩm và thiếu ánh sáng. Chỗ ngủ của trẻ thì bừa bộn và nặng mùi. Đi ra phía sau là nhà bếp ẩm thấp, chật hẹp. Khu vực xung quanh bếp lênh láng nước và trơn do vết bẩn bám lâu ngày. Khu giặt giũ bên cạnh bếp được làm bằng những tấm ván, nhưng đều xỉn màu, trơn trượt. Khu nhà vệ sinh đối diện ngay nhà bếp còn được rào lại để nuôi heo, bốc mùi rất hôi thối. Thế nhưng, theo ông Huỳnh Hữu Hải, Trưởng Ban kiểm tra của trung tâm thì nếu trời không mưa, các bữa ăn của trẻ sẽ được dọn trong khuôn viên nhỏ hẹp này.

Bữa trưa của trẻ trong căn phòng tối

Không chỉ vậy, bữa ăn của trẻ cũng rất đạm bạc, việc bảo quản thức ăn cũng không đảm bảo. Khi chúng tôi đến thì trung tâm chỉ có 2 người là H’Yên và H’Xanh vừa làm nhiệm vụ nấu ăn, vừa chăm 23 trẻ, trong đó có 1 trẻ sơ sinh đang bị sốt cao. Khi được hỏi thì cả hai đều cho biết là chưa hề được tham gia một lớp tập huấn hay có chứng chỉ nào về chăm sóc trẻ hay đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thậm chí, cả hai đều không biết thế nào là lưu mẫu thức ăn.

H’Yên cho biết: “Bọn em phải chăm 23 trẻ rất vất vả, nhất là có đến 3 trẻ dưới 18 tháng tuổi, trong khi chỉ có hai bảo mẫu và một người làm hậu cần phụ thêm. Em chăm trẻ cũng theo kinh nghiệm chứ chưa được tham gia một lớp tập huấn nào”.

Có thể nói, trong tình trạng như vậy thì những đứa trẻ ở đây khó có thể được chăm sóc theo đúng yêu cầu quy định của một trung tâm bảo trợ xã hội.

CẦN ĐƯỢC LÀM RÕ

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng của thị xã, tỉnh đã nhận được nhiều đơn thư của các thai phụ và những người từng làm ở trung tâm phản ánh cũng như kiện Trung tâm Bạch Tuyết. Nội dung các đơn thư nói nhiều về việc phải đưa tiền chuộc con,  về cuộc sống kham khổ của trẻ và các thai phụ, nhất là vấn đề tài chính của trung tâm không đảm bảo để duy trì hoạt động.

Cụ thể như trong đơn thư của anh Ngô Quang Trung, nguyên là Trưởng phòng tổ chức của trung tâm phản ánh, hiện tại trung tâm không đủ nhân sự để làm việc, nhiều thành viên chỉ có tên trên giấy tờ chứ không có thật. Nguồn tài chính của bà Tuyết cũng không đảm bảo để nuôi dưỡng thai phụ và trẻ mồ côi, khuyết tật. Các khoản ủng hộ của nhà hảo tâm, bà Tuyết ít công khai về thu, chi mà còn sử dụng sai mục đích “chưa có trung tâm nào mà giám đốc kiêm cả thủ quỹ, kiêm luôn cả kế toán”.

Trao đổi với chúng tôi và trong một cuộc họp của trung tâm, bà Tuyết cũng khẳng định là trung tâm có yêu cầu các thai phụ phải “hỗ trợ” lại chi phí ăn, ở, chăm sóc trong thời gian ở trung tâm với mức 8 triệu đồng/tháng. Bà cũng cho biết, sau khi trung tâm có quyết định thành lập thì có mời kế toán và thủ quỹ về làm việc, nhưng không được nên bản thân bà là giám đốc phải kiêm luôn cả những công việc ấy, thậm chí là cả việc đi chợ.

Về nguồn tài chính để duy trì hoạt động thì chủ yếu là do bà tự bỏ ra, với nguồn thu từ căn biệt thự cho thuê ở Sài Gòn và ít đất trồng điều. Năm vừa rồi trung tâm “bị âm” trên 450 triệu đồng. Về hoạt động cũng như vấn đề tài chính, trung tâm vẫn báo cáo đều đặn 3 tháng/1 lần cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã.

Tuy nhiên, qua xác minh, ông Lê Văn Tư, Phó Phòng LĐ-TB&XH thị xã Gia Nghĩa thì đơn vị chẳng nhận được báo cáo nào cả. Thậm chí trong một đợt kiểm tra, đơn vị có yêu cầu báo cáo về việc chấn chỉnh một số hồ sơ, thủ tục, nhưng nội dung báo cáo cũng không rõ ràng.

Trao đổi về những vấn đề liên quan đến hoạt động của Trung tâm Bạch Tuyết, ông Nguyễn Đình Thắng, Chánh Văn phòng UBND thị xã Gia Nghĩa cho biết, địa phương cũng xác định đây là vụ việc phức tạp. Hiện tại, thị xã đã mời một số người gửi đơn lên làm việc để nắm tình hình và đề ra hướng xử lý bằng việc thành lập đoàn liên ngành kiểm tra toàn diện. Nếu thực tế đúng như phản ánh, cơ sở không đảm bảo đầy đủ các điều kiện của một trung tâm từ thiện thì sẽ thu hồi giấy phép hoạt động.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động của Trung tâm Bạch Tuyết: Cần được kiểm tra toàn diện về chức năng và điều kiện nuôi dưỡng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO