Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm

Vũ Trang| 13/11/2015 08:49

Được triển khai thực hiện từ năm 2010, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm” (Đề án 295) đã mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ vươn lên trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc.

ADQuảng cáo

Phụ nữ huyện Đắk R'lấp tham gia lớp dạy nghề may do Hội Phụ nữ tổ chức

Nhiều năm nay, chị em ở thôn Đắk Sơn, xã Đắk Môl (Đắk Song) luôn trăn trở, suy nghĩ tìm hướng phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập cho gia đình. Thế nhưng, thực tế rất khó vì chị em đều thiếu vốn, kinh nghiệm cũng như tư duy sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện Đề án 295, đầu năm 2015, sau khi khảo sát thực tế địa hình, điều kiện thời tiết, Hội Liên hiệp phụ nữ  tỉnh đã quyết định xây dựng mô hình trồng nấm rơm tại thôn. Trước tiên, chị em trong thôn được tham quan các mô hình trồng nấm rơm tại tỉnh Đắk Lắk để học hỏi, trang bị một số kiến thức từ nguyên vật liệu cho đến kỹ thuật, công cụ sản xuất, đầu ra...

Chị Đinh Thị Tùng, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Đắk Sơn cho biết, sau khi tìm hiểu thực tế, trong thôn đã có 13 phụ nữ đăng ký tham gia thực hiện mô hình trồng nấm, đến nay đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Với giá bán bình quân 80.000 đồng/kg, mỗi đợt trồng, trừ hết chi phí, chị em thu nhập khoảng 3 triệu đồng. Nếu làm liên tục, mỗi tháng có thể thực hiện 3-4 đợt nấm quay vòng. Từ việc trồng nấm, chị em lại đầu tư vào chăn nuôi, trồng cà phê để tăng thêm thu nhập gia đình...

Theo Hội LHPN tỉnh thì dựa vào điều kiện thực tế tại một số địa phương, các cấp hội phụ nữ còn xây dựng thêm các mô hình phát triển kinh tế khác như mô hình nuôi gà thịt ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) và xã Tâm Thắng (Chư Jút) hay mô hình trồng bơ, quýt trái vụ ở Krông Nô...

ADQuảng cáo

Để đề án được thực hiện hiệu quả, đúng mục đích, Hội đã phối hợp với các ngành chức năng khảo sát, đánh giá nhu cầu học nghề, tạo việc làm cũng như điều kiện thực tế, thị trường lao động tại địa phương, qua đó, xây dựng kế hoạch thực hiện một cách phù hợp. Đến nay, các cấp hội đã tổ chức được 12 lớp dạy nghề cho phụ nữ với 355 học viên tham gia.

Các nghề được đào tạo chủ yếu là dệt thổ cẩm, may công nghiệp, may dân dụng, trang điểm, làm bánh, nấu ăn... Trong đó, số lượng phụ nữ có việc làm sau học nghề là 301 người, chiếm 85%. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Trường Trung cấp nghề Lê Thị Riêng thuộc Hội LHPN Việt Nam tổ chức 5 đợt tư vấn, hướng nghiệp học nghề và tạo việc làm cho hơn 2.000 phụ nữ trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Thu Thúy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, một trong những hiệu quả bước đầu của đề án là từng bước nâng cao nhận thức, định hướng cho phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số trong việc chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, ổn định cuộc sống.

Trong 5 năm qua, các cấp hội đã phối hợp tổ chức được 81 lớp tập huấn, tuyên truyền về học nghề và tạo việc làm, thu hút hơn 6.000 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia; đồng thời cấp phát 21.500 tài liệu truyền thông về học nghề, tạo việc làm cho phụ nữ. Công tác tuyên truyền còn được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi hội phụ nữ, câu lạc bộ... ở các thôn, bon, tổ dân phố.

Với ý nghĩa đó, Hội LHPN tỉnh đang nghiên cứu, xây dựng kế hoạch triển khai đề án một cách hiệu quả hơn nữa. Đặc biệt, việc mở các lớp dạy nghề, tạo việc làm sẽ chú trọng đến chất lượng, bám sát nhu cầu của chị em, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương cũng như nhu cầu của thị trường lao động, đảm bảo cho phụ nữ có thể sống được bằng nghề, tránh lãng phí thời gian, kinh phí.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO