Hãy làm gương cho trẻ!

Ngọc Dũng| 10/04/2018 09:59

Hiện nay, các nhà trường, phụ huynh cố gắng dạy học sinh, con cái phải chấp hành quy định của pháp luật, sống lễ phép, ứng xử chuẩn mực... để trở thành “con ngoan, trò giỏi”. Thế nhưng, thực tế một bộ phận phụ huynh có những hành động, lời nói trái ngược, dường như quên mất việc làm gương cho con trẻ.

ADQuảng cáo

Câu chuyện đi ngược chiều

Có nhiều lần, con trai tôi từng thắc mắc: "Tại sao mình không đi đường kia? Nhiều người đang đi đường kia kìa mẹ, đường đó ngắn hơn mà mẹ...”. Sau khi được giải thích, con trai tôi như dần hiểu ra việc đi đường trái chiều là vi phạm luật lệ giao thông, là không an toàn cho mình và những người cùng đi.

Thế nhưng, sáng nay, con trai tôi lại hỏi một câu làm tôi mất một lúc mới trả lời được: “Mẹ ơi, tại sao vi phạm luật mà mấy bác ấy vẫn chở các anh chị đi ngược chiều kìa?”. Vừa giải thích cho con nhưng trong lòng cảm thấy điều gì đó không ổn.

Nhiều phụ huynh chở con nhưng vẫn vô tư đi ngược chiều trên đường 23/3 (Gia Nghĩa)

Chẳng là, khoảng gần một tháng nay, khi Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai ở phường Nghĩa Đức được mở một con đường mới thông với đường 23/3 rộng rãi hơn. Con đường cũ vốn là đường đất nhỏ, đi qua Liên đoàn Lao động tỉnh bị chặn lại để thi công. Phụ huynh trước đi hướng này bây giờ phải di chuyển trên đoạn đường 23/3 vòng qua UBND tỉnh mới vào được con đường mới của trường. Thế nhưng, có lẽ ngại xa, hay sợ con trễ học... mà nhiều phụ huynh chọn cách leo lên vỉa hè và đi ngược chiều. Thậm chí, nhiều phụ huynh đi ngược chiều ngay dưới lòng đường.

Khi thấy con trai thắc mắc, tôi quan sát và dường như nhiều phụ huynh rất “hồn nhiên” chở 1-2 đứa con đi ngược chiều. Có lúc tôi thót tim vì những chiếc xe đi ngược chiều kia chỉ cần tốc độ nhanh tý nữa là đâm ngay vào những phụ huynh đi đúng chiều.

Hàng ngày, nhà trường vẫn giáo dục trẻ, nhất là tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa về chủ đề an toàn giao thông, nhưng nhiều bố mẹ vẫn làm ngược lại những điều trẻ được giáo dục.

Nhiều phụ huynh chở con vô tư đi ngược chiều trên đường 23/3

ADQuảng cáo

Đừng dạy trẻ vô tình

Một lần đón con, tôi thấy một học sinh lớp 3 đứng khóc nức nở. Hỏi chuyện mới biết em bị một phụ huynh chạy xe thúc vào té ngã. Sau khi làm em té ngã, phụ huynh này vẫn chạy thẳng, không hề hỏi han hay xem cậu bé mình làm ngã có bị làm sao hay không. Dù không bị thương nhưng cậu bé vì quá hoảng, chỉ biết khóc trong khi đợi bố đón.

Gặp cô phụ trách Đội của trường nói về chuyện vô lý ngay trong khuôn viên trường thì cô không mấy ngạc nhiên: “Có rất nhiều phụ huynh như vậy. Mấy hôm trước cũng có một phụ huynh làm ngã học sinh bị thương nhưng lại đi thẳng. Để bảo đảm an toàn cho học sinh, nhà trường đã quán triệt, khi đón con, phụ huynh không được chạy xe vào sân trường”. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao từ mấy tháng nay, con trai tôi cũng nói mẹ dừng xe ngoài cổng trường để tự đi bộ vào.

Khi phụ huynh lạm quyền người lớn

Một lần tôi chở con trai đi học, đến cổng trường thì gần như đến giờ “giới nghiêm” cổng lớn, chỉ để lại cánh cổng nhỏ cho học sinh đi vào. Việc đóng cổng lớn là để hạn chế xe máy của phụ huynh vào sân trường, hai là để học sinh ổn định tập thể dục buổi sáng. Con trai tôi vội vàng xuống xe chào mẹ, vào lớp học cho kịp giờ.

Đang loay hoay quay xe,  tôi thấy một người quen trên xe đang chở con gái. Tôi tính chào hỏi thì bất ngờ khi thấy anh này quát hai em học sinh mà con trai tôi vẫn gọi là “anh chị cờ đỏ”: “Đóng gì mà đóng! Ai cho đóng mà đóng! Có mở ra không!....”. Tiếng anh quát to và giận dữ làm mọi người xung quanh đều hướng mắt nhìn. Dù giải thích là quy định của trường nhưng thấy phụ huynh quát to, hai em cờ đỏ cũng rươm rướm nước mắt, rụt tay lại không dám kéo cánh cổng to nữa. Vị phụ huynh ấy chạy thẳng xe vào trường. Tôi sửng sốt khi không nghĩ rằng vị phụ huynh ấy cũng có chức vụ, làm trong một cơ quan nhà nước với chức năng giám sát việc thực thi pháp luật, các chính sách lại có cách hành xử như vậy.

Và rất nhiều câu chuyện, tôi đã chứng kiến khi phụ huynh làm con trẻ bối rối, không hiểu phải làm như thế nào là đúng. Con cái luôn có thói quen nhìn vào các hành vi của bố mẹ và những người thân trong gia đình để tự bắt chước, học theo, từ cách ăn mặc, nói năng, ứng xử… Thế nhưng, nhiều phụ huynh dường như không mấy quan tâm, nói không đi đôi với làm.

Nhà triết học, thần học người Đức Albert Schweizer (người từng đạt giải Nobel hòa bình năm 1952) từng nói: “Người lớn dạy trẻ con theo ba cách quan trọng: cách thứ nhất là làm gương, cách thứ hai là làm gương, cách thứ ba là làm gương”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hãy làm gương cho trẻ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO