Góp phần giữ gìn hương vị Tết

Gia Bình| 01/02/2016 15:29

Nắm bắt nhu cầu của thị trường, một số gia đình trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa đã sản xuất, chế biến các mặt hàng thực phẩm phục vụ tết cổ truyền như bánh chưng, bánh tét, mứt, dưa hành…góp phần cho ngày xuân thêm ấm nồng.

ADQuảng cáo

Năm nào cũng vậy, cứ đến gần tết cổ truyền là nhà chị Nguyễn Thị Trúc ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Thành lại tấp nập người đến liên hệ đặt làm bánh chưng, bánh tét. Đây là nghề mà gia đình chị đã làm từ nhiều năm nay, trước là phục vụ cho những ai có nhu cầu, sau nữa là có thêm thu nhập.

Theo chị Trúc, làm bánh tét, bánh chưng nghe đơn giản nhưng cũng lắm công phu. Từ khâu chọn nguyên liệu đến làm nhân, gói bánh, nấu bánh đều phải sạch sẽ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và đúng kỹ thuật. Quan trọng nhất là phải chọn các loại loại nếp, đậu xanh, thịt heo ngon và chế biến nhân bánh.

Đậu xanh được ngâm và xả đến khi hết vỏ và bọt; thịt heo làm sạch và luộc chín ướp với các loại gia vị để khi mỡ tan vào bánh làm bánh có vị béo, thơm ngon. Khi gói cũng phải gói chặt tay, đúng quy cách, trọng lượng, luộc phải đủ giờ để chiếc bánh rền mới vớt ra. Lá rửa không sạch hay pha nước không đúng giờ cũng ảnh hưởng đến chất lượng bánh. Ngoài làm bánh tét, bánh chưng truyền thống, chị Trúc còn tìm hiểu gói các loại bánh của các vùng miền như bánh tét chuối miền Tây, bánh tét nhân đậu đen Quảng Bình…

Tương tự, những ngày giáp tết, gia đình chị Lê Thị Phương Linh ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Đức cũng làm các loại mứt để bán như mứt gừng, mứt dừa, mứt khoai lang, mứt nghệ.

Theo chị Linh thì các mặt hàng này được bày bán nhiều trên thị trường nhưng tâm lý ai cũng sợ mua nhầm phải hàng ngâm hóa chất, nên chị mua các nguyên liệu như gừng, dừa tươi, khoai lang về làm bán cho khách quen. Các công đoạn đều thực hiện bằng phương pháp thủ công nhưng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên rất được khách hàng ưa chuộng. Mặc dù số lượng bán ra không nhiều, nhưng chị cảm thấy rất vui vì đã góp phần đưa những món ăn thân thuộc của người Việt vào phục vụ tết.

ADQuảng cáo

Chị Linh sắp xếp hàng để chuẩn bị giao cho khách

Chị Linh cho biết: “Làm mứt gừng bao gồm nhiều công đoạn và lắm công phu, từ việc luộc gừng như thế nào, cho tỷ lệ đường ra sao, rồi lửa nồi rim mứt sao cho vừa. Bởi nếu luộc gừng không đúng thì sẽ ảnh hưởng đến độ cay và màu sắc của gừng. Ngoài ra, tỷ lệ đường và lửa chảo rim mứt nếu không hợp lý thì gừng sẽ đen, xem như thất bại. Sau khi rim xong, phải đổ gừng ra xếp từng lát để gừng xòe ra, có như vậy gừng mới đẹp. Trong tiết trời lành lạnh, nhâm nhi tách trà và thưởng thức mứt gừng tự làm thực sự sẽ làm không khí ngày Tết ấm cúng hơn nhiều”.

Gia đình bà Phạm Thị Thu ở tổ dân phố 5, phường Nghĩa Thành cũng tất bật làm bánh thuẫn để bán trong dịp Tết. Theo bà Thu thì bánh thuẫn là loại bánh đặc trưng của người miền Trung nói chung và người xứ Quảng nói riêng. Nguyên liệu chính của bánh gồm bột năng, bột bình tinh, trứng được pha theo một tỷ lệ nhất định.

Để làm nên một mẻ bánh vàng ươm, nở bung ra như hoa mai gồm nhiều công đoạn, khó nhất là việc pha và đánh bột. Sau khi chuẩn bị xong nguyên liệu thì bắt đầu đổ bánh. Khuôn bánh rửa sạch, đặt lên lò than và làm nóng hai mặt bằng cách bỏ vài cục than đang cháy đỏ để lên nắp khuôn. Một chén dầu được đặt bên cạnh, dùng cây cọ trét dầu vào các khuôn bánh. Khi khuôn bánh đã đủ nóng, múc bột đổ vào từng khuôn nhỏ sao cho vừa đủ để bánh nở bung.

Bà Thu nói: “Vào Đắk Nông lập nghiệp, tôi mang theo nghề làm bánh thuẫn. Vào dịp tết, việc sản xuất bánh không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình tôi mà còn làm cho những người con xứ Quảng bớt đi nỗi nhớ quê nhà".

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp phần giữ gìn hương vị Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO