Góc khuất phía sau khu tái định cư thủy điện Đồng Nai 3

Bình Minh| 19/07/2016 16:47

Kỳ 1: Người dân bỏ “phố” tái định cư

ADQuảng cáo

Nhìn từ xa, khu tái định cư Đắk P’lao, xã Đắk P’lao, huyện Đắk Glong như một "khu phố" sầm uất vì nhà cửa san sát, vuông vắn nối liền nhau dọc theo triền đồi. Thế nhưng, đến tận nơi tìm hiểu kỹ thì mới biết bên trong những khối bê tông cốt thép có vẻ khang trang kia là cả một câu chuyện dài về cuộc sống nghèo đói, thiếu thốn đủ bề mà chỉ có những người dân nơi đây mới thấu hiểu.

Trên trục đường chính dẫn vào trung tâm xã, chúng tôi chứng kiến rất nhiều căn nhà kiên cố, khang trang nhưng bị bỏ hoang hóa, rêu mốc, cỏ cây mọc um tùm. Hỏi chuyện người dân, chính quyền địa phương mới biết rõ hơn về tình trạng người dân “đồng loạt” bỏ “phố” tái định cư đi tìm nơi khác để mưu sinh.

Bỏ "phố" tái định cư, nhiều hộ dân vào vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng dựng nhà sinh sống

“Nhảy dù” sống giữa khu bảo tồn

Lần theo con đường đất trơn trượt ngoằn ngoèo heo hút theo triền đồi, chúng tôi đã tiếp cận được hai cụm dân cư sống giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng thuộc địa phận xã Đắk Som (Đắk Glong).

Ông K’Biêng là một trong 42 hộ gia đình khác đã bỏ nhà cửa ở khu tái định cư Đắk P’lao “nhảy dù” vào sống giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng từ nhiều năm nay. Sau khi phải hi sinh rời bon làng vì dòng điện để đến nơi ở mới, ông cũng  được cấp một căn nhà 3 gian, rộng khoảng hơn 40 m2 khá khang trang tọa lạc ngay giữa khu tái định cư Đắk P’lao.

Tưởng chừng cuộc sống sẽ “sang trang” vì có nhà cửa kiên cố, gần trung tâm xã, con cái đi học cái chữ cũng thuận tiện, lại vừa được nhận số tiền đền bù lớn từ Dự án thủy điện Đồng Nai 3. Thế nhưng, qua tìm hiểu thì mới biết, gia đình ông gặp không ít khó khăn ở nơi được coi là “phố mới” này.

Từ một hộ nghèo trong xã, bỗng dưng gia đình K’Biêng nhanh chóng trở thành “đại gia” sau khi nhận được số tiền đền bù lớn từ nhà cửa, đất đai để nhường đất triển khai dự án thủy điện lên tới hơn 1 tỷ đồng. Do không được tập huấn về nghề nghiệp sau khi đến khu tái định cư mới, kế hoạch chi tiêu không có nên có nhiều tiền, ông K’Biêng cứ tiêu xài thoải mái, không cần suy nghĩ và chỉ trong một thời gian ngắn đã tiêu sạch số tiền được nhà nước đền bù.

Sống ở “phố” tái định cư đất sản xuất không có, nghề nghiệp thì không, K’Biêng đã cùng nhiều hộ dân khác kéo vào sống trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng.

Ông K’Biêng cho biết: “Sống ở nơi mới này, gia đình cảm thấy thoải mái hơn. Nước thì có sẵn ở dưới suối, rau hái ở trong rừng về, gia đình còn nuôi được con gà nữa. Cuộc sống ở đây cũng khó khăn lắm nhưng còn có đất trồng cà phê, trồng mì, có cái ăn hơn”.

Được biết, gia đình K’Biêng sống trong khu bảo tồn có tới gần 10 ha đất trồng cà phê. Nhưng do cà phê kém năng suất nên hằng năm, ông chỉ thu được chưa đầy 3 tấn nhân. Gia đình ông có tới 8 người con nhưng giờ chỉ còn mỗi K’Bông theo học. K’Bông học ở ngoài trường nội trú huyện nên nhiều năm nay một mình tự lo. Việc học hành của K’Bông đều giao hết cho nhà trường và thầy cô giáo quản lý chứ gia đình không có thời gian quan tâm.

Cạnh nhà K’Biêng, gia đình chị H’Buêng cũng bỏ nhà ở khu tái định cư Đắk P’lao vào vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng sinh sống làm rẫy từ tháng 5/2011 đến nay. Mặc dù diện tích cà phê có tới 2 ha nhưng mỗi năm năng suất cũng chỉ đạt 1,5 tấn. Được biết, nhà ở khu tái định cư Đắk P’lao hiện đang bỏ hoang. Hai đứa con của chị cũng bỏ học giữa chừng vào sinh sống với mẹ tại khu bảo tồn.

ADQuảng cáo

Nhà ở kiên cố được Nhà nước cấp tại khu tái định cư Đắk P’lao bị người dân bỏ hoang

Sẽ đưa tất cả các hộ dân ra khỏi khu bảo tồn

Ông Lê Quang Dần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết: “Huyện cũng nắm rõ được 42 hộ gia đình đang sinh sống trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng. Sắp tới, huyện cũng chủ yếu tuyên truyền vận động là chính để bà con rời khỏi khu vực khu bảo tồn trở lại sinh sống tại khu tái định cư Đắk P’lao. Tuy nhiên, vấn đề này có nhiều yếu tố phức tạp. Thứ nhất đất sản xuất ngoài tái định cư chưa có. Thứ hai, đời sống của đồng bào thường gắn với những nơi liên quan đến phong tục tập quán văn hóa. Trường hợp tuyên truyền vận động mà người dân không chịu rời khu bảo tồn, huyện sẽ báo cáo tỉnh chỉ đạo có giải pháp thích hợp khác”.

Về vấn đề này, ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Khu vực các hộ dân đang sinh sống thuộc vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng. Hiện nay, UBND tỉnh đang trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét, quyết định chuyển Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng thành Vườn quốc gia Tà Đùng. Đồng thời, UBND tỉnh Đắk Nông cũng đang đề cử Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng thành Vườn di sản ASEAN mới của Việt Nam. Do đó, tỉnh sẽ kiên quyết không để người dân sinh sống trong khu vực này”.

Ông Tùng cũng cho biết thêm: “UBND tỉnh đã đề nghị huyện vận động người dân về hết khu tái định cư vì đất ở đây đã được Ban quản lý Dự án Thủy điện 6 đền bù nên phải thu hồi lại để giao cho Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng tổ chức trồng rừng”.

Gặp khó khi vận động người dân về lại khu tái định cư

Theo thống kê sơ bộ của Công an xã Đắk P’lao thì toàn khu tái định cư Đắk P’lao hiện đã có 112 hộ gia đình bỏ nhà cửa đi nơi khác sinh sống. Điều đáng nói là ngoài 42 hộ “nhảy dù” sống trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng thì 70 hộ dân khác còn lại đi đâu xã cũng không biết.

Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ tịch UBND xã Đắk P’lao cho biết: “Người dân bỏ khu tái định cư đi sinh sống ở nơi khác xã không nắm được. Bởi vì hiện nay các hộ này vẫn chưa cắt hộ khẩu. Vì thế, việc nắm bắt thông tin các hộ dân để vận động tuyên truyền là rất khó khăn. Tuy nhiên, nếu có sự phối hợp của chính quyền, đơn vị trên địa bàn huyện Đắk Glong cùng cộng đồng trách nhiệm thì việc nắm bắt và vận động người dân mới phát huy hiệu quả”.

Một bất cập nữa là hiện nay, nhà ở và đất ở của bà con tại khu tái định cư Đắk P’lao vẫn chưa “chính chủ” vì người dân phải nộp khoảng từ 40 đến 60 triệu đồng mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở. Đây là khoản phí quá lớn đối với cuộc sống nghèo khó của người dân hiện nay.

Ông Trương Thanh Tùng cho biết: “Các hộ dân mà họ có nhà cửa ở khu tái định cư bỏ hoang, UBND tỉnh sẽ giao cho Huyện ủy, UBND huyện Đắk Glong tiếp tục vận vận động bà con quay về. UBND tỉnh đã giao cho Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương để tham mưu tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành xem xét miễn tiền sử dụng đất ở cho các hộ dân”.

Ông Trần Quốc Toàn, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 2, Hạt Kiểm lâm thuộc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng cho biết: “Khu vực này hiện nay đã có tới 42 hộ dân kéo từ tái định cư Đắk P’lao vào đây xây dựng nhà cửa kiên cố và canh tác nương rẫy sinh sống. Đa phần các hộ sinh sống tại đây đều cơ bản chấp hành tốt theo chính sách, pháp luật của nhà nước. Tuy nhiên, số hộ cũng như nhân khẩu ngày càng gia tăng đang gây áp lực không nhỏ đến các diện tích rừng của khu bảo tồn”.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Cần sớm giải quyết vấn đề cốt lõi đất sản xuất cho dân

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góc khuất phía sau khu tái định cư thủy điện Đồng Nai 3
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO