Giúp trẻ tránh xa những nội dung độc hại trên mạng xã hội

Dương Phong| 15/06/2021 09:31

Những ngày nghỉ hè, trẻ em thường được bố mẹ cho sử dụng tivi, máy tính hoặc điện thoại để giải trí. Tuy nhiên, trẻ có nguy cơ đối diện với những thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội nếu không có sự giám sát, quản lý từ phụ huynh.

ADQuảng cáo

Nhiều video độc, hại trên mạng xã hội

Xã hội phát triển, nhiều gia đình có điều kiện trang bị cho trẻ những thiết bị hiện đại như máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh. Thế nhưng, mặt trái là trẻ dễ dàng tiếp cận với những nội dung độc, hại tràn lan trên mạng xã hội khi sớm được sử dụng những thiết bị này.

Trẻ hứng thú khi xem một video có nội dung thử thách ăn đồ ăn "siêu cay" trên Youtube

Mới đây, anh Trần Đức Trung ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) bất ngờ khi xem được lịch sử truy cập internet của con trai đang học lớp 6. Phần lớn nội dung mà cậu bé xem trên Youtube đều là clip bạo lực học đường. Càng bất ngờ hơn, khi xen lẫn trong clip ấy là tiếng reo hò, cổ vũ của học sinh khác và những tiếng chửi tục xuất hiện nhan nhản.

Sau khi ngồi nói chuyện với con trai, anh Trung mới phát hiện ra rằng, những clip trên được bạn của con chia sẻ trên một nhóm chat riêng. Mỗi khi một thành viên phát hiện ra có clip “thú vị” sẽ chia sẻ trên nhóm để các thành viên khác cùng biết.

Tương tự, sau nhiều ngày con trai nghỉ hè, tự chơi ở nhà, chị Phan Thu Trang ở phường Nghĩa Đức để con thoải mái xem Youtube như cách giữ chân con trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, người mẹ ngỡ ngàng khi các clip trên Youtube mà con xem có ngôn từ, hành động bạo lực. Dù chỉ là những clip dàn dựng nhưng cháu lại ghi nhớ lời thoại của nhân vật và sử dụng vào cuộc sống hàng ngày.

“Cháu vô tư đóng vai nhân vật giang hồ, sẵn sàng động chân tay với đứa em giống như cách những nhân vật diễn trong clip. Cả hai vợ chồng rất bất ngờ về cách hành xử của cháu, vì khi còn đang đi học, cháu không hành động như vậy bao giờ”, chị Trang nói.

Chị Trang cho biết, do hai vợ chồng thường xuyên đi làm nên để cho cháu xem tivi khi ở nhà. Tuy nhiên, khi phát hiện nội dung mà con xem quá bạo lực, không phù hợp với độ tuổi, anh chị đã ngắt kết nối mạng và nhờ ông bà trông con giúp.

Ngày hè, nhiều phụ huynh cho con chơi trò chơi trí tuệ thay vì xem tivi, Youtube

Chị Nguyễn Thị Loan ở phường Nghĩa Đức vẫn còn hoang mang khi nhắc lại chuyện những đứa trẻ của gia đình bắt chước, học theo thử thách trên mạng xã hội. May mắn, sự việc được người lớn phát hiện nhưng cũng là bài học nhớ đời cho các thành viên trong gia đình.

ADQuảng cáo

“Hai cháu xem thử thách sinh tồn, chế tạo lửa của một Youtuber nên rủ nhau ra vườn làm theo. Đám lửa bùng lên nhưng may mắn được người nhà phát hiện và dập tắt kịp thời nên cả hai cháu chỉ bị bỏng nhẹ. Sau sự việc, cả nhà đã ngắt internet và không cho các cháu xem Youtube nữa”, chị Loan kể lại.

Bảo vệ trẻ trước nội dung xấu

Trường hợp các gia đình nói trên không phải là hiếm gặp khi vào thời điểm nghỉ hè, trẻ được bố mẹ cho thoải mái sử dụng các thiết bị di động. Thực tế hiện nay trên mạng xã hội như Youtube, Facebook…luôn tràn lan những clip có nội dung xấu, không phù hợp với độ tuổi của trẻ em. Tuy nhiên, vì mục đích câu like, tăng người theo dõi mà nhiều cá nhân sẵn sàng đăng tải để thu hút người xem.

Chia sẻ về cách quản lý con trong thời điểm này, anh Phan Văn Cường ở phường Nghĩa Phú cho biết, anh chọn cho con một khóa học tiếng Anh trực tuyến để vừa ôn lại kiến thức, vừa là giảm thời gian xem tivi, Youtube. Sau mỗi buổi học, con gái anh sẽ có một khoảng thời gian vui chơi, đọc truyện hoặc xem phim hoạt hình trước khi làm bài tập do giáo viên giao.

Hình thành thói quen đọc sách để trẻ không lạm dụng các thiết bị điện tử, giảm nguy cơ tiếp nhận các thông tin độc, hại trên mạng xã hội. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Anh Cường cho biết: "Những năm trước, cháu thường được gửi cho ông bà trông coi và tham gia các hoạt động hè. Tuy nhiên, năm nay có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động ngoài trời hay các lớp học kỹ năng đều không hoạt động nên buộc phải chọn cách cho cháu học trực tuyến. Đây là cách tốt nhất trong thời điểm này nhằm hạn chế việc cháu sử dụng các thiết bị điện tử".

Trong khi đó, chị Lê Thị Ly Na, ở phường Nghĩa Đức lại mua thêm sách, truyện về cho đứa con gái đọc và chỉ cho con xem Youtube khi có người lớn ở nhà với nội dung phù hợp với độ tuổi, thời lượng không quá 1 giờ.

Chị Na chia sẻ: “Tôi cho con hoạt động trải nghiệm và đọc sách, làm việc nhà trong thời gian nghỉ hè. Đối với việc sử dụng mạng xã hội, tôi không ngăn cấm nhưng luôn nhắc nhở cháu xem những nội dung lành mạnh, bổ ích cho bản thân. Đặc biệt, đối với mạng xã hội, tôi trực tiếp sử dụng email cá nhân để tạo tài khoản, từ đó dễ dàng kiểm soát nội dung tìm kiếm, theo dõi của con”.

Hiện nay, trên mạng xã hội có vô số kênh thông tin để trẻ em học tập, giải trí, khám phá... Thế nhưng, song song với đó cũng có nhiều kênh chứa các nội dung độc, hại, tiêu cực, bạo lực trong các bộ phim hoạt hình hay những thử thách.

Trẻ em là đối tượng dễ tiếp cận với những nội dung xấu, độc hại và dễ tổn thương khi tham gia mạng xã hội. Để bảo vệ trẻ, đặc biệt là thời điểm nghỉ hè, các bậc phụ huynh cần giám sát, quản lý chặt việc sử dụng mạng xã hội của con em mình.

Đặc biệt, cơ quan quản lý cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động phát hành xuất bản phẩm và rà soát thông tin trên mạng xã hội nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý các thông tin ảnh hưởng xấu đối tới sự phát triển của trẻ em.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp trẻ tránh xa những nội dung độc hại trên mạng xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO