Đồng hành cùng hội viên, nông dân trong phát triển kinh tế

Hoàng Hoài| 16/10/2017 10:36

Thời gian qua, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động nhằm giúp hội viên, nông dân trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần đáng kể vào việc bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.

ADQuảng cáo

Giúp nông dân nắm bắt kiến thức sản xuất

Thông qua các lớp tập huấn do Hội nông dân tổ chức, chị Đinh Thị Hiền ở thôn 8, xã Quảng Khê (Đắk Glong) nắm bắt được nhiều kiến thức hay trong chăm sóc cây cà phê, tiêu để áp dụng vào thực tiễn. Theo chị Hiền, trước đây, vườn cà phê của gia đình năng suất thấp, nhưng chị không rõ nguyên nhân. Đến khi tham gia các lớp tập huấn, chị mới biết được nguyên nhân gây bệnh và tìm được thuốc để chữa bệnh cho cây cà phê.

Chị chịu khó học cách ghép chồi, cải tạo vườn cà phê, nên hiện nay trung bình năng suất đạt đến 4 tấn/ha, tăng gấp đôi so với trước. Ngoài ra, chị còn trồng xen tiêu trong vườn cà phê, làm tăng giá trị kinh tế trên cùng diện tích. Từ đó, chị Hiền đã trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương và luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ kinh nghiệm, kỹ thuật cho các hộ gia đình khác trong vùng.

Chị Đinh Thị Hiền (bên phải) ở xã Quảng Khê (Đắk Glong) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây trồng cho nhiều gia đình khác trong thôn

Chị Hiền cho biết: “Mỗi cây có một loại bệnh riêng, nếu mình không biết bị bệnh gì, ra sao thì dù đầu tư, chăm sóc bao nhiêu đi nữa, hiệu quả mang lại cũng không cao. Tôi may mắn là thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, nên dần tích lũy cho mình những kiến thức cơ bản để nhận biết bệnh của cây trồng và áp dụng thành công, sản xuất ngày càng hiệu quả hơn”.

Không riêng gì gia đình chị Hiền, với trách nhiệm, vai trò của mình, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã có nhiều hình thức giúp đỡ hội viên, nông dân tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật, áp dụng có hiệu quả vào sản xuất nông nghiệp.

Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2017, các cấp hội nông dân phối hợp với các đơn vị, ngành chuyên môn tổ chức hàng trăm buổi tập huấn khoa học, kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên, nông dân. Điển hình như Hội Nông dân huyện Krông Nô phối hợp tổ chức 176 lớp tập huấn khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ cho trên 7.923 lượt hội viên, nông dân. Hội Nông dân tỉnh tập huấn kỹ thuật bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch cho 480 cán bộ, hội viên nông dân của 8 huyện, thị xã.

ADQuảng cáo

Hỗ trợ vốn, xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả

Bên cạnh chú trọng tập huấn khoa học kỹ thuật, mỗi cấp hội còn dựa vào đặc thù, thế mạnh của địa phương để có sự hỗ trợ hội viên trong sản xuất một cách phù hợp.

Điển hình, với thế mạnh của địa phương là sản xuất cây ngắn ngày, Hội Nông dân huyện Krông Nô thường xuyên vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể để nâng cao giá trị của các loại cây trồng. Theo đó, Hội nông dân các xã, thị trấn thành lập được 2 hợp tác xã, 7 tổ hợp tác và 25 mô hình về trồng nấm, lúa, ngô, rau, củ, quả chất lượng cao, chăn nuôi bò…

Tại huyện Đắk Mil, một trong những giải pháp để hỗ trợ nông dân trong sản xuất đó chính là thực hiện có hiệu quả nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân. Đến nay, Quỹ hỗ trợ nông dân của toàn huyện đạt 4,5 tỷ đồng, giúp hội viên, nông dân triển khai thực hiện các dự án như trồng xoài Đài Loan trái vụ, cải tạo vườn cà phê tại các xã Thuận An, Long Sơn, Đắk Lao; chăn nuôi bò tại các xã Đắk Sắk, Đức Minh, Đắk N’drót, Đắk R’la… Thông qua các dự án vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân huyện đã thành lập các tổ hợp tác sản xuất xoài trái vụ Đài Loan, chăn nuôi bò… Sau khi hoàn trả vốn, nhiều nơi vẫn duy trì được sự liên kết của các hộ nông dân trong việc phát triển mô hình.

Theo Hội Nông dân tỉnh, hỗ trợ hội viên, nông dân trong xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng là một trong những hoạt động thường xuyên, liên tục của các cấp hội. Ngoài hoạt động hỗ trợ vốn vay từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, 9 tháng năm 2017, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh phối hợp với các công ty phân bón cung ứng 6.433 tấn phân bón các loại cho nông dân theo hình thức trả chậm.

Quỹ hỗ trợ nông dân cũng phát triển mạnh, nâng tổng số vốn lên 5,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, các cấp hội đã góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi ngành nghề, cơ cấu lao động, cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao theo thế mạnh của từng địa phương cũng như góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Ngoài ra, Hội Nông dân các cấp còn tập trung vận động hội viên, nông dân xây dựng được 27 mô hình kinh tế hợp tác, phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến nền nông nghiệp bền vững.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng hành cùng hội viên, nông dân trong phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO