Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao nhận thức, động viên chị em nỗ lực vươn lên

Hoàng Hoài thực hiện| 20/10/2020 10:26

Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2020), phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với bà H’Vi Ê ban, TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh về hoạt động của Hội thời gian qua.

ADQuảng cáo

Bà H’Vi Ê ban, TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

PV: Thời gian qua, các cấp hội LHPN trong tỉnh đã triển khai nhiều phong trào hoạt động, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia. Vậy phong trào nào thể hiện rõ nhất dấu ấn, vai trò của Hội, thưa bà?

Bà H’Vi Ê ban: Với vai trò là tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích chính đáng của cán bộ, hội viên, phụ nữ, thời gian qua các cấp hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai đồng loạt nhiều phong trào, hoạt động nhằm tập hợp hội viên, thúc đẩy sự tiến bộ, phát triển toàn diện và tạo điều kiện để chị em khẳng định mình.

Trong đó, nổi bật nhất là các phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế", "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch gắn xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Rèn luyện phẩm chất đạo đức tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương"...

Đặc biệt hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh đã triển khai đợt thi đua đặc biệt với chủ đề “90 hành động thiết thực vì phụ nữ và trẻ em”.

Từ các phong trào thi đua, các cấp hội đã cụ thể hóa thành hành động, việc làm thường xuyên, qua đó, động viên, khuyến khích cán bộ, hội viên, phụ nữ hăng hái thi đua lao động, sản xuất, giúp nhau cùng vươn lên trong cuộc sống. Điển hình, phong trào “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”, 5 năm trở lại đây, các cấp hội đã vận động trên 22,8 tỷ đồng và hàng trăm nghìn cây, con giống, ngày công giúp hàng chục ngàn phụ nữ nghèo vay không lấy lãi để phát triển kinh tế; nhận ủy thác trên 769 tỷ đồng, quản lý 424 tổ tiết kiệm và vay vốn với 17.812 hộ. Nguồn quỹ cơ hội dư nợ trên 33 tỷ đồng cho 1.367 thành viên vay vốn từng bước giúp hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Hay thực hiện Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", giai đoạn 2018 - 2020, Hội LHPN tỉnh phối hợp tổ chức được 16 lớp xóa mù chữ cho 543 hội viên, phụ nữ; vận động trên 1,26 tỷ đồng hỗ trợ hội viên, phụ nữ khó khăn, học sinh nghèo vượt khó; triển khai các mô hình sinh kế và xây dựng 4 căn nhà mái ấm tình thương cho hội viên, phụ nữ các xã biên giới.

PV: Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, Hội đã triển khai đợt thi đua đặc biệt với chủ đề “90 hành động thiết thực vì phụ nữ và trẻ em”, cụ thể là những hoạt động nào, thưa bà?

Bà H’Vi Ê ban: Hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt với chủ đề “90 hành động thiết thực vì phụ nữ và trẻ em” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 90 tập thể và cá nhân có những hoạt động thiết thực, ý nghĩa trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.

ADQuảng cáo

Nhiều chương trình hoạt động đã tạo sức lan tỏa trong cán bộ, hội viên và người dân như Diễn đàn “Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại các huyện Đắk Glong và Tuy Đức; Hội thi sân khấu hóa “Phụ nữ với công tác xây dựng nông thôn mới” tại các huyện Đắk R'lấp và Đắk Mil; Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo - kết nối thành công”… Các hoạt động đều được triển khai tập trung về cơ sở, chú trọng đến đối tượng là phụ nữ vùng sâu, vùng xa, yếu thế trong xã hội…

Các cấp hội cơ sở thì tổ chức sinh hoạt, tọa đàm, gặp mặt cán bộ hội qua các thời kỳ, các hội thi văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao…, góp phần tạo sân chơi bổ ích, lý thú để chị em có dịp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác hội và phong trào phụ nữ.

PV: Thưa bà, trong thời gian tới, các cấp hội sẽ triển khai thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào để phát huy vai trò, trách nhiệm của mình đối với cán bộ, hội viên, phụ nữ?  

Bà H’Vi Êban: Trước hết, các cấp hội tiếp tục bám sát chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh khóa III đề ra. Trong đó, trọng tâm là  tập trung thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm kỳ, 2 khâu đột phá, phong trào thi đua, các cuộc vận động, 3 nhiệm vụ thường xuyên và theo chủ đề hàng năm.

Hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động các phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, "Rèn luyện phẩm chất đạo đức, tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”…

Trong các phong trào, việc đa dạng hình thức giúp đỡ, đồng hành cùng hội viên, nhất là hội viên nghèo, dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế cần được ưu tiên. Bởi chỉ khi kinh tế ổn định, làm chủ được cuộc sống, chị em mới có điều kiện, dành hết tâm huyết để tham gia các phong trào, hoạt động hội. Điều này đồng nghĩa với việc, công tác hội và các hoạt động do Hội triển khai sẽ ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo phụ nữ tham gia.

Bên cạnh đó, các cấp hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và động viên chị em tiếp tục nỗ lực vươn lên khẳng định mình trong gia đình và xã hội. Mỗi cấp hội cụ thể hóa nội dung phong trào, hoạt động, phù hợp với từng khu dân cư, đặc điểm hội viên, phụ nữ nhằm bồi dưỡng, xây dựng các mô hình, các điển hình tiên tiến, từng bước đưa phong trào, hoạt động hội đi vào chiều sâu, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Các hoạt động cần tiếp tục tập trung hướng về cơ sở với phương châm "ở đâu có phụ nữ ở đó có tổ chức hội và ở đâu có phụ nữ khó khăn ở đó được tổ chức hội giúp đỡ"…

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao nhận thức, động viên chị em nỗ lực vươn lên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO