Đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, tạo nhiều sân chơi lành mạnh cho thanh niên

Hoàng Hoài thực hiện| 01/10/2014 10:03

Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) tỉnh lần thứ III, nhiệm kỳ 2014 - 2019 là ngày hội của các tầng lớp thanh niên, đánh dấu bước phát triển mới của tổ chức Hội và phong trào thanh niên tỉnh nhà. Nhân dịp Đại hội, phóng viên (P.V)Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với chị H’Vi Ê Ban, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh một số vấn đề liên quan đến công tác thanh niên.

ADQuảng cáo

P.V: Thời gian qua, các chương trình, phần việc mà Hội triển khai thực hiện đã góp phần thu hút cũng như phát huy tinh thần xung kích tình nguyện của giới trẻ trong mọi lĩnh vực. Vậy, theo chị, vấn đề mà thanh niên hiện nay quan tâm nhất là gì?

Chị H’Vi Ê Ban: Qua thực tiễn hoạt động cho thấy, hiện nay, vấn đề mà hầu hết thanh niên quan tâm có thể nói đó chính là việc làm, phát triển kinh tế. Thời gian qua, các cấp Hội cũng đã có nhiều hoạt động nhằm đồng hành cùng thanh niên trong lập thân, lập nghiệp như: Phối hợp với ngân hàng cho vay vốn, tư vấn giới thiệu việc làm, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật… Hội cũng đang từng bước đưa quỹ Tài năng trẻ đi vào hoạt động, hiện đã có nguồn quỹ trên 500 triệu đồng, dự kiến sẽ hỗ trợ cho các bạn sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên giành nhiều thành tích cao trong học tập. Từ nhiều nguồn đóng góp khác nhau, Hội cũng đã làm được 32 căn nhà nhân ái cho các gia đình chính sách, cán bộ, hội viên, thanh niên trong tỉnh không có điều kiện làm nhà ở để họ có chỗ “an cư lạc nghiệp”.

Tuy nhiên, những việc làm đó cũng chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu của thanh niên. Cũng chính vì không có việc làm, không có điều kiện phát triển kinh tế, nên nhiều thanh niên phải đi làm ăn xa, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, phát triển hội viên cũng như triển khai các vấn đề, hoạt động liên quan đến thanh niên.

Chị H’Vi Ê Ban, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh phát biểu tại Đại hội đại biểu Hội LHTN huyện Đắk Mil lần thứ VII

P.V: Trước những khó khăn về việc làm, phát triển kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phát triển hội viên, xây dựng Hội vững mạnh, vậy Hội đã xây dựng được những loại hình, mô hình hoạt động nào để thu hút cũng như “giữ chân” hội viên, thanh niên?

Chị H’Vi Ê Ban: Nhìn nhận một cách thực tế thì thời gian qua, các mô hình, câu lạc bộ đội, nhóm dành cho thanh niên sinh hoạt của các cấp Hội thanh niên vẫn còn khá ít, chỉ mới thành lập được 2 tổ chức trực thuộc đó là Hội Doanh nhân trẻ và Hội Thầy thuốc trẻ. Với Hội Thầy thuốc trẻ thì thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn, khám, cấp phát thuốc miễn phí cho các đối tượng khó khăn. Còn Hội Doanh nhân trẻ là nơi để những doanh nhân trẻ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, phát triển thị trường… Do đó, thanh niên thường sinh hoạt chung trong các câu lạc bộ, đội, nhóm do Đoàn quản lý.

Trước thực tế trên, Hội LHTN tỉnh đang quan tâm để xây dựng được nhiều sân chơi, mô hình nhằm đồng hành cùng thanh niên. Cụ thể, tại Đại hội Hội LHTN tỉnh lần này cũng sẽ ra mắt một số câu lạc bộ cho thanh niên như: Vòng tay nhân ái, Thanh niên khuyết tật…

Hy vọng rằng, với sự khởi đầu này sẽ là động lực để các cấp Hội có thêm nhiều sáng kiến tổ chức nhiều mô hình tập hợp thanh niên phù hợp và thiết thực hơn.

P.V: Hiện nay, không chỉ ở nông thôn mà cả khu vực thành thị, hoạt động của Hội vẫn còn khá mờ nhạt, thậm chí một bộ phận thanh niên không phân biệt được đâu là Đoàn, đâu là Hội, chị đánh giá như thế nào?

Chị H’Vi Ê Ban: Đây là thực tế chung không chỉ riêng ở tỉnh ta mà còn ở nhiều tỉnh thành khác, bởi chưa tách rời được công tác Đoàn, Hội, việc nào Đoàn làm, việc nào Hội làm. Hội cũng có nhiều phong trào, hoạt động lớn như: Chiến dịch thanh niên tình nguyện, An toàn giao thông, Hiến máu tình nguyện, Tháng thanh niên…

Thế nhưng, do thiếu kinh phí và còn phụ thuộc vào kinh phí của Đoàn, nên nhiều hoạt động do Hội tổ chức thì cũng có vai trò của Đoàn ở trong đó, nên thanh niên không phân biệt được cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, đây là một hệ thống thống nhất từ Trung ương đến địa phương, nên rất khó để thực hiện sự minh bạch giữa hai tổ chức Đoàn và Hội. Chính vì sự chưa rõ ràng, rạch ròi đó, mà vai trò của tổ chức Hội mờ nhạt, thậm chí có người cho rằng “núp dưới bóng” của Đoàn.

ADQuảng cáo

Thanh niên huyện Krông Nô tham gia trồng cây xanh tại Khu di tích lịch sử B4, xã Nam Nung (Krông Nô). ẢnhHoàng Hoài

P.V: Vậy trước những thực tế  đó, Hội LHTN tỉnh có những giải pháp nào để củng cố, phát huy vai trò của tổ chức Hội?

Chị H’Vi Ê Ban: Trước mắt, Hội sẽ quy định rõ ràng những phong trào nào liên quan đến Hội thì sẽ chỉ đạo hội cơ sở tách ra rõ ràng để thực hiện, tạo dấu ấn riêng của lực lượng thanh niên rộng rãi, nhất là chỉ để logo của Hội để thanh niên dễ dàng phân biệt. Thứ hai là tổ chức những chương trình liên quan tới Hội; đưa luật Thanh niên, Điều lệ Hội vào tuyên truyền trong các cuộc họp. Thứ ba là giao việc cụ thể cho các “thủ lĩnh” thanh niên, nhất là ở nông thôn, dân tộc thiểu số. Thứ tư là thường xuyên kiểm tra các chuyên đề cơ sở liên quan đến việc xây dựng tổ chức Hội vững mạnh và hướng dẫn, nhắc nhở cho hội cơ sở hiểu hơn về hai tổ chức này.

 P.V: Một thực tế nữa đặt ra cho Hội đó chính là sự yếu kém trong chỉ dạo, tổ chức các chương trình hoạt động ở cơ sở, làm cho tinh thần xung phong, sẵn sàng của thanh niên có phần chững lại, chị thấy thế nào?

Chị H’Vi Ê Ban: Quả thật, tính xung phong, sẵn sàng của thanh niên hiện nay đang có phần chững lại. Chững lại ở đây không có nghĩa là thanh niên không nhiệt tình, không chủ động mà một phần cũng do khó khăn trong cuộc sống nên họ phải ưu tiên phát triển kinh tế và một phần do đội ngũ cán bộ Hội cơ sở còn yếu trong kỹ năng  điều hành, tổ chức hoạt động.

Bên cạnh đó, việc các phong trào, hoạt động hội chưa thực sự hấp dẫn, thu hút, nên thanh niên chưa có điều kiện để thể hiện tính xung kích, tình nguyện của mình. Tuy nhiên, phải công bằng mà nói, thanh niên cũng đã làm được nhiều việc có ý nghĩa như tình nguyện vì an sinh xã hội, chung sức vì cộng đồng, xây dựng nông thôn mới… mà dư luận xã hội đã thấy rõ và đồng tình, ủng hộ…

Trong khuôn khổ Chương trình Xuân yêu thương 2014, Hội LHTN tỉnh đã quyên góp, tặng quần áo cho người dân xã Trường Xuân (Đắk Song)

P.V: Thời gian tới, để phát huy hơn nữa sức trẻ, tinh thần xung kích, tình nguyện của giới trẻ đối với cộng đồng, xã hội thì Hội  có những đề xuất, kiến nghị gì?

Chị H’Vi Ê Ban: Hội mạnh dạn đề nghị các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, định hướng sát sao cũng như mạnh dạn giao những công trình, phần việc quan trọng, có ý nghĩa để tuổi trẻ có cơ hội cống hiến…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa để thanh niên khẳng định mình trên con đường lập thân, lập nghiệp, ổn định cuộc sống và cống hiến. Về phía các cấp Hội thì phải đổi mới, cải tiến hình thức hoạt động, nội dung phong phú, hấp dẫn hơn, tạo nên những sân chơi bổ ích cho tuổi trẻ cũng như nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh niên.

Ngoài ra, bản thân mỗi hội viên, thanh niên cũng cần tự giác học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ, nhận thức, xác định rõ ràng mục đích, lý tưởng sống, nhất là tự tin, chủ động, năng động, hòa cùng tiến trình hội nhập, phát triển của đất nước, tỉnh nhà.

PV: Xin cảm ơn chị!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, tạo nhiều sân chơi lành mạnh cho thanh niên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO