Độc đáo thổ cẩm được dệt từ sợi cây lanh

Thanh Nga| 12/03/2019 12:35

Đến với Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I tổ chức tại thị xã Gia Nghĩa mới đây, đoàn tỉnh Hà Giang giới thiệu về sản phẩm thổ cẩm được dệt từ vỏ của cây lanh, khiến nhiều người tò mò bởi sự khác lạ, độc đáo.

ADQuảng cáo

Chị Mùa Thị Súng, thành viên HTX dệt thổ cẩm tại Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I, được tổ chức tại Đắk Nông

Sản phẩm làm từ tự nhiên

Ngồi bên khung dệt, chị Mùa Thị Súng, dân tộc Mông, thành viên Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn (Hà Giang) thoăn thoắt đôi tay. Chị Súng cho biết, chị năm nay 25 tuổi nhưng đã có hơn 15 năm dệt thổ cẩm và là một trong những người trẻ tuổi đến với lễ hội lần này. Nói về sợi lanh, chị Súng cho biết: “Sợi lanh mềm mại như sợi chỉ, hoàn toàn được làm bằng vỏ của cây lanh. Để có được sợi lanh mềm và dệt thành tấm thổ cẩm thì phải trải qua trên 41 công đoạn. Ban đầu, người dân gieo hạt và 3 tháng sau thu hoạch, tuốt lá, lấy cây phơi khô, tước lấy vỏ của cây sau đó giã ra cho nó xoăn lại và tách ra thành sợi. Chúng tôi nối các sợi lại với nhau, sau đó giặt với tro bếp để có độ trắng theo ý muốn. Sợi vải sau đó được lăn vào phiến đá to cho bóng và mềm, phơi khô rồi mới có thể dệt”.

Theo chị Vàng Thị Cầu, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A, nhiều dân tộc dệt thổ cẩm bằng len hoặc cotton nhưng sợi của hợp tác xã được làm bằng vỏ cây lanh, hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên. Hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 165 ha cây lanh. Sợi lanh ban đầu có màu xanh lá cây, sau khi qua các công đoạn, phơi khô chuyển sang màu nâu. 

ADQuảng cáo

Sản phẩm thổ cẩm dệt từ sợi cây lanh mềm mại và có hoa văn đẹp mắt

Món quà lưu niệm yêu thích

Mới thành lập được hơn 1 năm nhưng sản phẩm thổ cẩm của HTX Dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A đã được thị trường đón nhận và xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện tại, HTX tạo việc làm cho 20 chị em dân tộc Mông, phần lớn có hoàn cảnh khó khăn như bị khuyết tật, bị bạo lực gia đình, bị bán sang nước ngoài được giải thoát trở về... Sản phẩm được HTX gửi đến các điểm du lịch trong tỉnh và cả thủ đô Hà Nội. Tại địa bàn có điểm di tích Dinh thự họ Vương, thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, nên HTX đặt điểm giới thiệu sản phẩm ở đây. HTX còn phát các tờ rơi để quảng bá sản phẩm và giới thiệu cho du khách nước ngoài đến mua. Sản phẩm còn được giới thiệu sang Pháp, Ý, Nhật Bản và được các cửa hàng ở bên đó đặt hàng với số lượng khá lớn...

Theo chị Vàng Thị Cầu, HTX khoán sản phẩm nên lúc nào có thời gian rảnh rỗi là chị bắt tay làm. HTX phân công công việc cụ thể cho từng lao động, người làm vải, người dệt, người cắt may theo đơn đặt hàng… Hiện nay, sau khi trừ chi phí, mỗi lao động có thu nhập từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng. HTX đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, trước mắt là trong huyện và sau đó toàn tỉnh. Trong huyện Đồng Văn có 19 xã, thị trấn thì HTX phấn đấu trong năm nay mỗi xã có 10 chị em nhận công đoạn dệt vải cho HTX.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo thổ cẩm được dệt từ sợi cây lanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO