Diện mạo mới, sức sống mới - Hội Xuân Mậu Tuất

Mỹ Hằng| 01/03/2018 09:13

Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu năm mới, trong các ngày 22-24/2 (nhằm ngày mùng 7-9 Tết Mậu Tuất), tại khu đảo nổi hồ Trung tâm (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) đã diễn ra Hội Xuân Mậu Tuất- 2018 với chủ đề “Sắc xuân trên Cao nguyên M’nông” do UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức. Hội xuân đã diễn ra thành công, thu hút hơn 1 vạn lượt người đến chung vui và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.

ADQuảng cáo

Bên ánh lửa hồng, mọi người cùng nhau hòa chung niềm vui tại Hội xuân

Hội xuân lần đầu tiên được tổ chức tại khu vực đảo nổi-một địa điểm mới và khá thuận lợi, nên ngay từ sáng sớm ngày 22/2, đông đảo nghệ nhân, vận động viên, nhân dân từ các địa phương đã nô nức kéo về. Ai nấy đều phấn khởi với không khí của ngày hội. Cuốn hút nhất là đêm khai mạc với phần mở màn Lễ đón bạn được diễn ra theo đúng phong tục của người M’nông gồm hát đối đáp hỏi thăm khách, mời trầu, rượu, nước…

Sau nghi thức đón bạn, Lễ cúng sức khỏe của người M’nông do đồng bào ở bon Bu Brâng, xã Đắk N’drung (Đắk Song) thực hiện đúng nguyên bản, đưa người xem đến với văn hóa của người bản địa. Tiếng cồng chiêng, nhịp xoang truyền thống, lời cầu khấn của già làng hòa quyện vào nhau, tạo nên một thế giới huyền ảo.

Bên đống lửa bập bùng và men say của đại ngàn, người dân, quan khách, du khách đều nắm chặt tay cùng nhau nhảy múa và nới rộng vòng xoang. Ngoài ra, mọi người còn được thưởng thức những món ăn dân dã như cơm lam, thịt nướng, rượu cần...theo kiểu tiệc “buffet”.

Bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc được thể hiện qua phần thi trang phục truyền thống

Tại các gian hàng trưng bày sản phẩm, các đơn vị đã mang đến, giới thiệu những sản vật đặc trưng của địa phương mình. Các sản phẩm như rau, củ, quả, vật dụng sản xuất, trang phục truyền thống được trưng bày, trao đổi, mua bán, giao lưu... Không gian và các sinh hoạt văn hóa truyền thống của các dân tộc Đắk Nông nói riêng như được thu nhỏ tại đây. Các nội dung trò chơi dân gian như giã gạo, ẩm thực, đi cà kheo, kéo co… cũng cuốn hút, lôi kéo sự theo dõi của người dân.

Say sưa thể hiện khả năng dệt thổ cẩm

Ngoài ra, du khách cũng như người dân còn được thưởng thức một “bữa tiệc cồng chiêng”. Khi nhịp chiêng của các đoàn nghệ nhân đến từ các huyện Đắk R’lấp, Đắk Song, Tuy Đức, thị xã Gia Nghĩa…vang lên cũng là lúc mọi người cùng lắng lại và nhún nhảy say sưa, quyến rũ. Bác Nguyễn Đức Trường đến từ xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cho biết: “Đã nghe cồng chiêng Tây Nguyên nhiều, nhưng hôm nay tôi mới tận hưởng được cảm giác trọn vẹn của âm hưởng đại ngàn. Quá tuyệt vời!”.

Đi cà kheo-không phải dễ

ADQuảng cáo

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia ở Đà Nẵng chia sẻ: “Tôi thật sự ngạc nhiên vì cách thức tổ chức sự kiện văn hóa-thể thao, thu hút được đông đảo công chúng tham gia của Đắk Nông. Âm thanh cồng chiêng cũng như các phần thi dân gian khiến tôi như bị mê đắm. Văn hóa các dân tộc Đắk Nông thật là tuyệt vời".

Phần thi đan lát, thu hút nhiều nghệ nhân tham gia

Có lẽ điều ấn tượng nhất tại Hội Xuân Mậu Tuất chính là Giải đua thuyền Kayak tỉnh Đắk Nông mở rộng, với sự tham dự của gần 40 vận động viên đến từ các tỉnh thành trong cả nước. Đây là môn thể thao mới, lần đầu tiên được tổ chức nên trước đó, tỉnh đã gửi vận động viên ra tận Đà Nẵng để tập luyện và thuê 14 chiếc thuyền về phục vụ giải đấu. Ngay từ sáng sớm ngày 23/2, người dân từ các nơi đổ về dọc hai bên hồ Trung tâm để theo dõi các vận động viên tranh tài.

Dù thời tiết nắng nóng, nhưng không vì thế mà cản được bước chân của người hâm mộ. Dòng người đổ về ngày càng đông, khu đảo nổi chật kín người. Khi các vận động viên bước vào thi đấu quyết liệt trên mặt nước trong xanh thì cũng là lúc những tiếng reo hò, những tràng pháo tay giòn giã vang lên, khiến không khí càng thêm phấn khích, sôi động.

Đua thuyền Kayak thu hút sự theo dõi của người dân và du khách

Đối với lực lượng vận động viên, nghệ nhân, ngoài việc cùng nhau tranh tài, thể hiện khả năng, Hội xuân đã mang đến cho họ một động lực mới.

Nghệ nhân Y Sim ở buôn Nui, xã Tâm Thắng (Chư Jút) phấn khởi: “Từng tham dự nhiều hội xuân, nhưng tôi chưa bao giờ thấy hứng khởi như Hội xuân năm nay. Dòng người tấp nập đến xem, quay phim, chụp hình nghệ nhân thể hiện khả năng đan lát, diễn tấu cồng chiêng, khiến chúng tôi vô cùng hạnh phúc. Điều đó có nghĩa văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa đã hấp dẫn được mọi người”.

Người dân và du khách thích thú với phần thi diễn tấu cồng chiêng của các đoàn nghệ nhân

Theo Ban tổ chức Hội xuân, một trong những mục tiêu của việc tổ chức Hội Xuân Mậu Tuất 2018 chính là khôi phục những lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giới thiệu, quảng bá những nét đặc trưng, bản sắc văn hóa truyền thống, hình ảnh con người, tiềm năng du lịch của tỉnh Đắk Nông đến với du khách gần xa. Ứớc tính, dù chỉ diễn ra gần 3 ngày nhưng đã có hơn 1 vạn lượt người đến tham quan, chung vui tại Hội xuân.

Phát biểu tại lễ bế mạc, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh-Trưởng Ban tổ chức Hội Xuân đã khẳng định, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao diễn ra sôi nổi, có nhiều nét mới, đã góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện tinh thần giao lưu, đoàn kết và mang lại cho Hội Xuân Mậu Tuất 2018 một diện mạo mới, một sức sống mới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Diện mạo mới, sức sống mới - Hội Xuân Mậu Tuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO