Để bảo đảm quyền lợi cho người dân tham gia bảo hiểm y tế: Các bên cần tìm được tiếng nói chung

Vũ Trang| 25/07/2016 10:50

Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã phối hợp với ngành Y tế trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) nhằm bảo đảm tốt quyền lợi cho người dân. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân, đến nay, công tác phối hợp vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc.

ADQuảng cáo

Người dân khám chữa bệnh bằng BHYT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Tại cuộc họp đánh giá kết quả phối hợp giữa BHXH tỉnh và Sở Y tế do UBND tỉnh chủ trì mới đây, ông Trần Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, một trong những khó khăn cho các cơ sở y tế khi triển khai khám, chữa bệnh bằng BHYT là việc giao Quỹ BHYT và trần tuyến II theo Thông tư 41 chưa hợp lý, dẫn đến các cơ sở đang đầu tư, thu dung bệnh nhân tốt thì dễ vượt trần, vượt quỹ được giao.

Đơn cử như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, là bệnh viện hạng II duy nhất, đồng thời cũng là tuyến điều trị cuối cùng trên địa bàn tỉnh, nên chi phí khám, chữa bệnh bằng BHYT thường xuyên vượt quỹ. Năm 2014, số tiền vượt trần tuyến II của bệnh viện là hơn 900 triệu đồng và năm 2015, lên đến hơn 4,6 tỷ đồng.

Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Chu Thị Kim Hồng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết thêm: Trần tuyến II áp dụng cho những bệnh viện đang phát triển bất cập. Sở dĩ như vậy là do tại các bệnh viện, việc áp dụng khoa học kỹ thuật, triển khai các kỹ thuật hay tận dụng những cận lâm sàng để chẩn đoán chính xác hơn cũng như áp dụng những phác đồ điều trị năm sau đều phát triển hơn năm trước.

Cũng theo bác sĩ Hồng thì trong hai năm 2014-2015, bệnh viện áp dụng một số kỹ thuật mới như chạy thận nhân tạo, CT 64 lát cắt...và số bệnh nhân điều trị tại các chuyên khoa cũng tăng cao, nên dẫn đến số tiền vượt trần cao.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT còn nhiều vướng mắc. Theo quy định, từ ngày 1/7/2016, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn bắt đầu áp dụng thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên, hệ thống phần mềm đã được đầu tư, nhưng vẫn chưa thể triển khai áp dụng.

Bác sĩ Phạm Khánh Tùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk R’lấp chia sẻ: “Hiện tại, bệnh viện đang sử dụng 4 phần mềm của các đơn vị VNPT, Viettel, Toàn Cầu và Công ty Dược Hậu Giang. Thế nhưng, chưa có phần mềm nào trích xuất được dữ liệu đầu ra, trong khi các biểu mẫu thì quá nhiều. Qua trao đổi, tôi thấy các đơn vị khác cũng gặp tình trạng tương tự”.

ADQuảng cáo

Ngoài ra, hiện nay, việc thông tư ban hành danh mục thuốc thanh toán BHYT thường xuyên thay đổi cũng gây rất nhiều khó khăn cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Đến nay, số tiền “tạm treo” và thuốc tồn kho do nằm ngoài danh mục thanh toán đã lên đến hơn 200 triệu đồng.

Cũng theo một số cơ sở y tế thì do sự phối hợp chưa thực sự chặt chẽ nên nhiều đơn vị đang gặp khó khăn khi triển khai khám, chữa bệnh bằng BHYT, nhất là trong thời gian bệnh nhân chờ cấp lại thẻ.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy Đức, phần lớn người dân đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện đều là người nghèo được cấp thẻ BHYT miễn phí. Tuy nhiên, việc cấp lại thẻ cho bà con không kịp thời nên đã tạo rất nhiều áp lực cho bệnh viện.

Trong khoảng thời gian từ 1/1 đến 31/3 hàng năm, hầu hết cán bộ, nhân viên của bệnh viện phải thường xuyên giải thích, tư vấn cho bệnh nhân về BHYT, thậm chí, công việc này còn nhiều hơn làm công tác chuyên môn. Nhiều bệnh nhân bức xúc còn xé thẻ BHYT trước mặt cán bộ y tế. Đối với vấn đề này, bệnh viện đã liên hệ với BHXH huyện, nhưng họ lại nói do Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội chưa đưa danh sách, rồi đơn vị này lại đổ lỗi cho UBND xã chậm trễ. Cuối cùng, năm nào bệnh viện cũng “lãnh đủ”.

Trao đổi tại cuộc họp, bà Võ Thị Ái Liễu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cũng cho rằng, không riêng ngành Y tế mà ngay BHXH cũng rất “vướng” trong công tác phối hợp thực hiện chính sách BHYT. Đơn cử như việc thực hiện Thông tư 37 quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT, hiện nay, BHXH đang tiến hành quyết toán với các cơ sở khám, chữa bệnh, nhưng nhiều đơn vị không cung cấp đầy đủ dữ liệu hoặc nhập dữ liệu sai...

Đối với các trường hợp này, BHXH không thể quyết toán được, dẫn đến việc phải “tạm treo”. Đối với việc chuẩn hóa các danh mục dùng chung về dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế... thì Sở Y tế có trách nhiệm chủ trì thực hiện. Thế nhưng, đến nay, việc kết nối và chuẩn hóa còn chậm, ảnh hưởng đến việc thanh, quyết toán BHYT...

Có thể nói, giá trị cốt lõi để chính sách BHYT đến được với cộng đồng và được đông đảo người dân nhiệt tình tham gia là thái độ phục vụ và chất lượng khám, chữa bệnh. Muốn có được điều này thì trước hết đòi hỏi BHXH và ngành Y tế cần tích cực hơn nữa trong việc phối hợp giải quyết những vướng mắc liên quan đến chính sách BHYT để bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh cũng nhấn mạnh, để triển khai tốt chính sách BHYT, điều quan trọng là hai đơn vị phải phối hợp chặt chẽ, tích cực hơn nữa, cần tìm được tiếng nói chung. Trên cơ sở đúng luật pháp, bảo đảm nguyên tắc, nhưng cũng cần có những cách xử lý cho thật mềm mỏng để tạo điều kiện cho đôi bên cùng hoàn thành nhiệm vụ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để bảo đảm quyền lợi cho người dân tham gia bảo hiểm y tế: Các bên cần tìm được tiếng nói chung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO