Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về phòng, chống HIV/AIDS

Vũ Trang thực hiện| 28/11/2014 09:23

Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014 được triển khai với chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh xung quanh vấn đề này.

ADQuảng cáo

P.V: Ông có thể cho biết về tình hình nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện nay?

Ông Trần Thanh Bình: Theo thống kê, từ đầu năm đến giữa tháng 9, toàn tỉnh phát hiện thêm 46 trường hợp nhiễm mới HIV. Như vậy, hiện toàn tỉnh có 63/71 xã, phường, thị trấn có người nhiễm, với lũy tích nhiễm HIV là 667 trường hợp; trong đó có 251 trường hợp chuyển sang AIDS và 129 trường hợp tử vong.

Tỷ lệ nhiễm nam gấp 3 lần nữ, đối tượng nhiễm tập trung vào nhóm nghiện chích ma túy và mại dâm. Đặc biệt, độ tuổi nhiễm HIV phần lớn tập trung vào nhóm thanh niên trong độ tuổi lao động. Do đó, nếu không có biện pháp can thiệp mạnh mẽ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội cũng như tương lai nòi giống của địa phương.

Cán bộ chuyên trách chương trình phòng, chống HIV/AIDS huyện Đắk Glong phát tài liệu truyền thông cho người dân. Ảnh: Hoa Lý

P.V: Đối với tỉnh ta, công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện đang gặp những khó khăn gì? Đặc biệt, vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS đã ảnh hưởng như thế nào đến công tác phòng, chống HIV/AIDS ?

Ông Trần Thanh Bình: Hiện nay, công tác phòng, chống HIV/AIDS đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, trang thiết bị cũng như kinh phí hoạt động. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân còn hạn chế, cùng với tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV chưa được cải thiện cũng là một trong những “rào cản” lớn, tác động đến công tác phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương.

Cụ thể, việc kỳ thị và phân biệt đối xử đã làm cho những người có hành vi nguy cơ cao và những người nhiễm HIV không dám tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, trong đó có các dịch vụ dự phòng, can thiệp, điều trị.

ADQuảng cáo

Đây cũng là nguyên nhân làm cho công tác tiếp cận, phát hiện và quản lý người nhiễm HIV trong cộng đồng rất khó khăn, nhất là khiến cho những người nhiễm HIV trở thành “quần thể tiềm ẩn” trong cộng đồng. Ngoài ra, một số nơi, việc kỳ thị, phân biệt đối xử còn làm cho việc thực hiện các quyền của người nhiễm HIV/AIDS như: quyền học hành, quyền lao động... đã được pháp luật quy định không được đầy đủ.

P.V: Theo ông, ngành Y tế cũng như toàn xã hội cần phải làm gì để từng bước hạn chế tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS, đồng thời thực hiện hiệu quả các mục tiêu mà chiến dịch phòng, chống AIDS toàn cầu giai đoạn 2011-2015 đã đặt ra?

Ông Trần Thanh Bình: Phải nói rằng, để làm được những điều này, hoạt động thường xuyên và lâu dài vẫn là tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho toàn xã hội, mỗi người dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Nội dung tuyên truyền cần tập trung vào việc giải thích cho người dân hiểu về khả năng lây truyền của HIV, nhất là làm rõ HIV không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường.

Các hình thức truyền thông cũng phải thường xuyên được đổi mới theo hướng đa dạng hóa, đồng thời mở rộng độ bao phủ đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số…Đặc biệt, việc huy động sự tham gia người nhiễm HIV trong các hoạt động truyền thông cũng đóng vai trò rất quan trọng, qua đó từng bước chuyển từ việc coi người nhiễm HIV và gia đình của họ là đối tượng của truyền thông sang coi họ là chủ thể thực hiện các hoạt động truyền thông trong phòng, chống HIV/AIDS.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bản thân những người nhiễm HIV/AIDS cũng phải có ý chí, nghị lực để tự vượt qua mặc cảm, sống hòa nhập cộng đồng, đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động có ích để tạo niềm tin cho bản thân và sự chia sẻ, thông cảm của những người xung quanh.

P.V: Trong Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay, tỉnh ta sẽ tập trung vào những hoạt động trọng tâm gì?

Ông Trần Thanh Bình: Tháng hành động quốc gia năm nay được triển khai tại tất cả các địa phương trong tỉnh. Trong đó, công tác truyền thông được xem là hoạt động trọng tâm với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Bên cạnh việc tổ chức mít tinh và diễu hành quần chúng đồng loạt tại 38 xã, phường, thị trấn trọng điểm, các địa phương còn tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, phổ biến các ấn phẩm như áp phích, tranh gấp, tờ rơi, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Cùng với công tác truyền thông, ngành Y tế còn tăng cường cung cấp các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS cho người nhiễm HIV và cộng đồng.   

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về phòng, chống HIV/AIDS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO