Đẩy mạnh cho vay hỗ trợ người lao động bị ngưng việc làm do Covid-19

Nguyễn Lương thực hiện| 10/11/2020 09:00

Mới đây, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Việt Nam đã triển khai các quy định về cho vay để trả lương cho người lao động bị ngưng việc do Covid-19. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông xung quanh vấn đề này.

ADQuảng cáo

Ông Nguyễn Tiến Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông

Phóng viên: Ông có thể cho biết, sau khi NHCSXH Việt Nam triển khai nghiệp vụ cho các đơn vị trực thuộc về thực hiện chính sách này, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông đã thực hiện ra sao?

Ông Nguyễn Tiến Hà: Đây là một chính sách thiết thực. Vì thế, ngay sau khi cấp trên triển khai, chúng tôi đã kịp thời báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với NHCSXH trong việc cho vay để trả lương ngưng việc với người lao động. Việc chủ động phối hợp đơn vị liên quan tuyên truyền, hướng dẫn người sử dụng lao động về quy trình, thủ tục vay vốn cũng được chúng tôi thực hiện ngay sau đó.

Để các đơn vị sử dụng lao động nắm bắt kịp thời, NHCSXH tỉnh đã báo cáo, đề nghị Đảng ủy Khối Các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh chỉ đạo các cấp ủy đảng trực thuộc tăng cường công tác tuyên truyền đến các cấp ủy đảng hiểu rõ quy định của Chính phủ về chính sách. Trên cơ sở này, chúng tôi sẽ gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, nhằm thực hiện chính sách hỗ trợ vay vốn, trả lương ngừng việc cho người lao động kịp thời hơn.

Riêng về cán bộ thuộc chi nhánh, chúng tôi tổ chức tập huấn, sẵn sàng tiếp nhận nhu cầu vay vốn, trả cho người lao động. Việc công khai thủ tục giải quyết cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương cũng được NHCSXH niêm yết tại trụ sở UBND các xã, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.

Phóng viên: So với trước đây, những quy định của Chính phủ về các biện pháp cho vay hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 hiện nay có những điểm mới nào nổi bật? Thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Hà: So với trước, trong các nghị định và quy định sửa đổi lần này có nhiều điểm mới nổi bật hơn rất nhiều. Điểm mới đầu tiên là điều kiện vay vốn. Trước đây, điều kiện vay vốn chỉ là người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính. Nhưng hiện nay được thay bằng người sử dụng lao động có doanh thu quý I/2020 giảm từ 20% trở lên so với quý IV 2019, hoặc doanh thu quý liền kề trước thời điểm đề nghị xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ 2019.

Điểm mới nữa cũng hết sức quan trọng là thời gian thụ hưởng chính sách. Nếu trước kia, thời gian thụ hưởng được tính từ tháng 4 - 6/2020 thì hiện nay được nới dài từ tháng 4 - 12/2020.

Về công tác giải ngân cũng có sự thay đổi. Cụ thể, theo quy định trước đây, ngân hàng thực hiện giải ngân trực tiếp đến người sử dụng lao động. Còn hiện nay lại bắt buộc ngân hàng giải ngân trực tiếp cho người lao động bị ngừng việc.

Đặc biệt, trong quy định, nghị định lần này, đối tượng làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non, tiểu học, trung học phổ thông… được quan tâm rất nhiều.

Ngoài những điểm mới được sửa đổi, các nội dung được bãi bỏ theo hướng có lợi cho người lao động cũng được quy định rõ tại các nghị định, quy định mới. So với trước kia, những điểm mới, nội dung được bổ sung, bãi bỏ đều đơn giản, thoáng hơn về mặt thủ tục. Điều này đã tạo thuận lợi về mọi mặt cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách.

ADQuảng cáo

Phóng viên: Như ông đã trao đổi, những quy định mới có phần đơn giản và thoáng hơn về mặt thủ tục. Nhưng nó cũng đồng nghĩa với rủi ro về phía ngân hàng sẽ cao hơn. Để hạn chế điều này, đơn vị đã có những tính toán như thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Hà: Đúng vậy! Có thể khẳng định, những điểm mới trong các nghị định, quy định lần này khá đơn giản. Xét về khía cạnh nào đó, hầu như giao hoàn toàn trách nhiệm cho ngân hàng.

Để hạn chế rủi ro nếu có, về phía Chi nhánh NHCSXH cũng đã đưa ra nhiều giải pháp triển khai. Trước mắt, căn cứ vào danh sách lao động bị ngừng việc, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan như: Bảo hiểm Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh... kiểm tra, xác minh chi tiết thông tin người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định.

Riêng về đơn vị sử dụng lao động, chúng tôi thực hiện tra cứu thông tin trên trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) để kiểm tra khách hàng có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng hay không.

Trong công tác phối hợp, chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra kỹ lưỡng việc người sử dụng lao động có doanh thu quý I/2020 có giảm 20% so với quý IV/2019, hoặc doanh thu liền kề trước thời điểm xét giảm 20% trở lên so với cùng kỳ 2019 hay không.

Trên cơ sở những điều kiện này, đơn vị chúng tôi sẽ chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện chính sách của Nhà nước, để hạn chế rủi ro (nếu có).

Phóng viên: Ngoài nỗ lực của NHCSXH, về phía địa phương, các tổ chức chính trị xã hội cần phát huy vai trò đồng hành cùng ngân hàng như thế nào để chính sách được triển khai sâu rộng vào thực tiễn, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Hà: Có thể khẳng định rằng, chính sách này nói riêng và hầu hết các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH nói chung, khi triển khai luôn có sự đồng hành của các tổ chức nhận ủy thác, chính quyền địa phương sở tại. Đó là những “kênh” tuyên truyền rộng rãi nhất, đưa chính sách ưu đãi của Nhà nước đến gần hơn với đối tượng thụ hưởng.

Không nằm ngoài mục tiêu đó, trong thực hiện chính sách lần này, chúng tôi hi vọng, các đơn vị nhận ủy thác, chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan cùng với NHCSXH tiếp tục phối hợp để thực hiện tốt công tác tuyên truyền.

Việc rà soát, kiểm tra, giám sát các bước trong thực hiện chương trình cần được các đơn vị chú trọng hơn nữa. Có như vậy, chính sách của Nhà nước mới thực sự đi sâu vào thực tiễn cuộc sống.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh cho vay hỗ trợ người lao động bị ngưng việc làm do Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO