Đầu tư xây dựng, phát triển bon, buôn, bản, thôn có đông đồng bào DTTS: Cần tránh dàn trải

Vũ Trang| 28/10/2014 09:15

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, năm 2010, UBND tỉnh đã có Quyết định 526 về việc ban hành kế hoạch tiếp tục xây dựng, phát triển bon, buôn, bản và thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

ADQuảng cáo

Theo đó, có 39 bon, buôn, thôn, bản có đông đồng bào DTTS được phê duyệt quy hoạch, đầu tư phát triển bền vững đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 với tổng kinh phí gần 592 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm triển khai, việc thực hiện quyết định tại một số địa phương đã phát sinh nhiều vướng mắc.

Theo ông Hoàng Viết Chấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức thì thực hiện Quyết định 526, toàn huyện có 7 bon thuộc 3 xã được quy hoạch đầu tư. Đến nay, 5/7 bon đã được đầu tư một số hạng mục công trình giao thông nông thôn, thủy lợi, nước sạch.

Thế nhưng thực tế cho thấy, do việc đầu tư thiếu đồng bộ nên nhiều công trình chưa phát huy hiệu quả tích cực, chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân. Đơn cử như công trình cấp nước sinh hoạt ở bon N’drong, xã Quảng Tân, mặc dù đã hoàn thành, nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng do bon hiện vẫn chưa có điện.  

Tương tự, tại huyện Đắk Song, việc triển khai thực hiện Quyết định 526 cũng phát sinh nhiều vấn đề bất cập. Theo ông Nguyễn Hữu Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện thì hiện nay, bất cập lớn nhất trong quá trình triển khai thực hiện quyết định là hiệu quả sử dụng của các công trình được đầu tư vẫn chưa cao.

Ngay như công trình đập Xơre thuộc bon Bu R’wah, xã Đắk N’drung, được đầu tư xây dựng từ năm 2008, đến năm 2012 tiếp tục được nâng cấp, nhưng hiện nay lại bị bỏ hoang, không sử dụng do đập nhỏ, thân đập thường xuyên bị rò rỉ nước. Hay cánh đồng 200 ha ở xã Đắk Môl được đầu tư cho đồng bào DTTS trồng lúa nước, nhưng hiện nay, đồng bào lại cho người dân thuê lại để trồng cà phê...

ADQuảng cáo

Điều đáng nói nữa là hộ nghèo tại các thôn, bon đồng bào DTTS trên địa bàn huyện tuy có giảm nhưng tỷ lệ giảm thấp, số hộ tái nghèo tăng. Đơn cử như tại bon Bu Bong, xã Đắk N’drung, tại thời điểm quy hoạch, bon có 29/104 hộ nghèo, chiếm gần 27,9% thì đến nay, bon lại có 34/124 hộ nghèo, chiếm 27,4%.

Cũng theo ông Khánh thì một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do việc nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng, phong tục, tập quán của đồng bào chưa thực sự sâu sát nên việc đầu tư, xây dựng chưa phù hợp.   

Qua kết quả giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh mới đây tại 2 huyện Tuy Đức và Đắk Song cho thấy, việc đầu tư, xây dựng, phát triển bon, buôn, bản và thôn có đông đồng bào DTTS là một trong những chính sách thiết thực, góp phần giúp đồng bào ổn định cuộc sống.

Thế nhưng, trước những vướng mắc, bất cập như hiện nay thì mục tiêu phấn đấu giảm số hộ nghèo hàng năm trong đồng bào DTTS từ 3 - 5%; đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt từ 25 - 30 triệu đồng/người/năm và không còn hộ nghèo là điều không dễ dàng. Vì vậy, vấn đề đặt ra là tỉnh, các địa phương cần phải có được những giải pháp cụ thể, đồng bộ để từng bước tháo gỡ khó khăn, giúp việc đầu tư thực sự mang lại hiệu quả.

Theo đó, trước tiên, các cấp, ngành liên quan phải tiến hành rà soát, đánh giá tình hình thực tế tại các địa phương, đồng thời, tìm hiểu kỹ nhu cầu, nguyện vọng của người dân để đầu tư đúng, trúng và phù hợp. Điều quan trọng nữa là các địa phương, các ngành cần thay đổi phương thức, tư duy trong việc đầu tư, tránh đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.

Việc phân cấp nhiệm vụ cũng phải rõ ràng từ tỉnh đến cơ sở để việc triển khai được thuận lợi. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động phải đi trước một bước để các cấp, ngành, địa phương cũng như bản thân người dân hiểu và thực hiện có hiệu quả chủ trương của tỉnh trong việc đầu tư, thúc đẩy sự phát triển vùng đồng bào DTTS.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư xây dựng, phát triển bon, buôn, bản, thôn có đông đồng bào DTTS: Cần tránh dàn trải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO