Đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp

Phan Tuấn| 30/08/2014 07:54

Với mục tiêu tất cả các học viên sau khi tốt nghiệp sẽ có công ăn việc làm ổn định, thời gian qua, Trường Trung cấp nghề Đắk Nông đã thực hiện công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động ở các nhà máy, doanh nghiệp trong vào ngoài tỉnh.

ADQuảng cáo

Theo đó, trước mỗi kỳ tuyển sinh, nhà trường đều chủ động điều tra nhu cầu sử dụng lao động trong các doanh nghiệp và xã hội. Vì vậy, trong những năm qua, tất cả các học viên của nhà trường sau khi hoàn thành khóa học đều tìm kiếm được công việc ổn định với mức thu nhập khá hàng tháng.

Học viên học nghề điện tại Trường Trung cấp nghề Đắk Nông

Đơn cử như em H’Giáo, mặc dù chỉ mới kết thúc khóa học và đang trong quá trình chờ nhà trường cấp bằng tốt nghiệp ngành Bảo vệ thực vật, nhưng đã được Công ty TNHH Phú Nguyên Hưng, ở phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) nhận vào làm việc với mức lương khởi điểm trên 4 triệu đồng/tháng.

H’Giáo tâm sự: “Hiện nay, quá trình tham gia học nghề vừa ít tốn kém về chi phí, nhưng sau khi ra trường thì lập tức có việc làm ngay. Công việc hiện tại của mình là tư vấn cho người dân về các loại sâu bệnh trên cây trồng và cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho hiệu quả. Bên cạnh mức lương chính, trong quá trình làm việc, mình còn được công ty trả thêm lương doanh số, lương thưởng rất hấp dẫn”.

Không riêng gì H’Giáo, kết thúc năm học 2013-2014, toàn trường có 102 học viên tốt nghiệp đã được tham gia các buổi đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp do trường tổ chức. Kết thúc đối thoại, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có kế hoạch tuyển dụng số học viên vừa mới tốt nghiệp của nhà trường vào làm việc với mức lương cơ bản tương đối khá.

Theo ông Nguyễn Khải, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Đắk Nông thì kể từ khi thực hiện việc đào tạo theo đơn “đặt hàng” của các doanh nghiệp, sau mỗi kỳ bế giảng, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã trực tiếp đến tận trường để tuyển dụng các học viên vào làm việc. Hình thức đào tạo gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp là một hướng đi lâu dài mà trong đó cả hai bên cùng có lợi.

ADQuảng cáo

Thông qua việc phối hợp này, các doanh nghiệp sẽ được cung cấp đội ngũ lao động có tay nghề, đáp ứng được nhu cầu công việc, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Về phía nhà trường thì đây cũng là dịp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Trong quá trình học, sau khi được nhà trường đào tạo các kiến thức cơ bản về kỹ năng nghề, các học viên còn được nhà trường đưa đi tham gia quá trình sản xuất thực tế tại các doanh nghiệp.

Với cách làm trên, ngay sau khi ra trường, các học viên nhanh chóng bắt nhịp được với công việc tại các nhà máy mà không cần mất thời gian làm quen. Trong những năm qua, nhà trường đào tạo đến đâu thì học viên có việc làm đến đó và không đủ đáp ứng nhu cầu cần lao động có tay nghề ở các doanh nghiệp. Thế nhưng, trên thực tế, “đầu ra” dễ bao nhiêu thì “đầu vào” lại khó bấy nhiêu.

Cụ thể, từ đầu tháng 3 đến nay, bằng nhiều hình thức tổ chức quảng bá các ngành nghề tuyển sinh, đào tạo trên các phương tiện truyền thông, nhà trường còn cử cán bộ trực tiếp đến tận các thôn, bon trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền, phát tờ rơi, tư vấn..., nhưng công tác tuyển sinh vẫn chưa đảm bảo đủ chỉ tiêu đề ra.

Cũng theo ông Khải thì muốn giải quyết tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” như hiện nay, trước hết, ngành giáo dục cần phải làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp nhằm thay đổi nhận thức cho các em học sinh, phụ huynh có cái nhìn tích cực về công tác đào tạo nghề.

Trong đó, công tác tuyên truyền phải được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thường xuyên và liên tục để các bạn trẻ nhận thức được việc học nghề là con đường nhanh nhất để có thể lập thân, lập nghiệp. Các cấp chính quyền, đoàn thể các địa phương cũng cần phối hợp, vào cuộc điều tra, nắm bắt tình hình thực tế học sinh trên từng địa bàn để có chính sách khuyến khích, thu hút thanh thiếu niên theo học nghề.

Về phía nhà trường cũng sẽ tăng cường tổ chức khảo sát nhu cầu nhân lực và định hướng phát triển đào tạo theo ngành, có địa chỉ, theo đơn đặt hàng của các công ty, doanh nghiệp để đảm bảo “đầu ra” cho học viên.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO