Đào tạo nghề cần gắn với nhu cầu thực tiễn

Hoa Lý| 20/08/2015 09:27

Thời gian qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác đào tạo nghề cho thanh niên, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã từng bước được chú trọng. Qua đó, thanh niên có thêm nhiều điều kiện, cơ hội để lập thân, lập nghiệp, ổn định cuộc sống.

ADQuảng cáo

Thanh niên đã tự tạo được việc làm sau khi học nghề

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có khoảng 148.000 thanh niên, trong đó, thanh niên DTTS chiếm hơn 20%. Tính từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 29.000 thanh niên được đào tạo nghề, riêng thanh niên DTTS khoảng 12.000 người. Các nghề được đào tạo chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, may công nghiệp, điện công nghiệp, điện dân dụng, lắp ráp và sửa chữa máy tính... Qua khảo sát, khoảng 70% thanh niên sau học nghề đã có việc làm hoặc tự tạo việc làm mới.

Ông Trần Xuân Cảnh, Phó Trưởng Phòng Quản lý lao động (Sở LĐTB-XH) cho biết: Một trong những hiệu quả bước đầu của công tác đào tạo nghề là từng bước nâng cao nhận thức, định hướng cho thanh niên trong việc chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, lập thân, lập nghiệp, ổn định cuộc sống. Một số nghề như kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt, sửa chữa máy nông nghiệp, điện dân dụng… đã đem lại hiệu quả rõ rệt do gắn liền với điều kiện thực tế tại các địa phương.

Theo ông Trần Duy Tráng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Đắk Glong thì từ năm 2012 đến nay, Trung tâm đã mở được 33 lớp dạy nghề cho hơn 950 học viên, trong đó, thanh niên DTTS chiếm 37%. Các nghề đào tạo đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của thanh niên địa phương như trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi, kỹ thuật trồng rừng và sản xuất giống cây trồng, dệt thổ cẩm...

Đơn cử như trường hợp của anh K’Tâm ở xã Đắk Som (Đắk Glong), sau khi tham gia lớp trồng trọt và bảo vệ thực vật tại Trung tâm dạy nghề huyện, anh đã áp dụng những kiến thức được học vào mô hình phát triển kinh tế của gia đình. Nhờ đó, năng suất cây trồng ngày càng tăng, thu nhập của gia đình cũng từng bước ổn định.

ADQuảng cáo

Anh K’Tâm chia sẻ: Gia đình mình chủ yếu làm nông nghiệp. Do đó, ngay từ đầu, bản thân mình luôn xác định theo học nghề trồng trọt hoặc chăn nuôi để phục vụ cho thực tiễn sản xuất của gia đình. Theo mình, việc chọn nghề phải thực sự phù hợp với thực tế, như vậy mới đem lại hiệu quả.

Tuy nhiên, theo đánh giá, hiện nay, công tác đào tạo nghề cho thanh niên cũng gặp một số khó khăn, bất cập nhất định. Cụ thể, việc xây dựng kế hoạch, khảo sát dạy nghề cho thanh niên ở một số địa phương, cơ sở dạy nghề chưa sát với tình hình thực tế, chưa gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chưa đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp, thị trường xuất khẩu lao động.

Công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn học nghề cho thanh niên còn hạn chế. Do đó, một bộ phận thanh niên vẫn chưa nhận thức đầy đủ lợi ích, ý nghĩa của việc đào tạo nghề, chưa tha thiết học nghề, trong khi bản thân vẫn chưa có nghề và việc làm ổn định.

Các cơ sở dạy nghề, nhất là các trung tâm dạy nghề cấp huyện còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Ngoài ra, bản thân thanh niên còn thiếu định hướng và sự năng động trong tìm và tạo việc làm.

Thực tế cho thấy, việc đào tạo nghề cho thanh niên, nhất là thanh niên DTTS là “chìa khóa” quan trọng trong việc thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới của địa phương. Do đó, để có hướng đi vững chắc trong việc đào tạo nghề, đảm bảo có hiệu quả, các ngành, đoàn thể phải xây dựng chiến lược và kế hoạch đào tạo lâu dài.

Việc mở các lớp dạy nghề phải chú trọng chất lượng, không nên chạy theo chỉ tiêu, số lượng; phải bám sát nhu cầu của thanh niên, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương cũng như nhu cầu của thị trường lao động, đảm bảo cho thanh niên có thể sống được bằng nghề mà mình đã chọn, tránh lãng phí thời gian, tiền của. Điều quan trọng là mỗi thanh niên phải phát huy tinh thần chủ động, tích cực trong việc tham gia học nghề, vươn lên lập thân, lập nghiệp, ổn định cuộc sống.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo nghề cần gắn với nhu cầu thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO