Đắk R’tíh, đìu hiu chợ xã

Đức Diệu| 14/04/2014 10:07

Thực hiện chủ trương xã hội hóa trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, năm 2012, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) đã đồng ý chủ trương để nhà đầu tư bỏ tiền xây dựng chợ vòm và hệ thống các ki ốt ở ngay khu trung tâm nhằm tập trung hoạt động mua bán, phát triển dịch vụ cũng như đảm bảo quy hoạch, chiến lược phát triển theo lộ trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

ADQuảng cáo

Chủ trương là thế, nhưng chợ sau khi hoàn thành, đưa vào hoạt động mấy tháng nay nhưng quang cảnh vẫn cứ đìu hiu, vắng bóng người mua kẻ bán, vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Có mặt tại khu chợ mới xây dựng khá khang trang của xã Đắk R’tíh vào giờ cao điểm về hoạt động buôn bán trong ngày nhưng  vỏn vẹn cũng chỉ có 3 sạp hàng của tiểu thương bày bán một số mặt hàng khô và hàng tươi sống. Lâu lâu mới có một vài người dân sinh sống gần khu vực chợ tới mua hàng.

Vì thế, cả một khu chợ mới với 48 lô quy hoạch bán hàng tươi sống và 34 ki ốt bán hàng khô, ăn uống giải khát vẫn trống không. Theo UBND xã Đắk R’tíh thì tổng mức đầu tư khu chợ là hơn 3 tỷ đồng với 100% vốn của tư nhân bỏ ra thi công, sau đó bán đấu giá các lô sạp, ki ốt để hoàn vốn.

Cả khu chợ khang trang nhưng vẫn đìu hiu ngay cả giờ cao điểm

Đây là khu chợ xây dựng đạt tiêu chuẩn về chợ nông thôn với đầy đủ hệ thống nhà vòm, ki ốt kiên cố, điện, khu vệ sinh và hệ thống cấp nước, xử lý nước thải. Trước khi thực hiện chủ trương xây chợ, xã đã thành lập ban vận động xây dựng chợ để khảo sát nhu cầu kinh doanh, buôn bán tập trung của người dân.

Qua khảo sát cho thấy, tất cả 150 hộ tiểu thương có nguyện vọng vào chợ buôn bán. Trên cơ sở đó, xã đã xây dựng khu chợ ở khu vực trung tâm theo đúng quy hoạch về xây dựng chương trình nông thôn mới.

Sau khi chợ hoàn thành, ban vận động cũng như chính quyền địa phương đã thực hiện đầy đủ các bước như thông báo mời thầu rộng rãi các ki ốt, lô sạp để người dân có nhu cầu đăng ký, với mức giá mỗi ki ốt bình quân từ 70 đến 80 triệu đồng và 30 đến 40 triệu đồng mỗi sạp hàng trong nhà vòm, thời gian thuê mặt bằng là 25 năm.

ADQuảng cáo

Đây là mức giá khá thấp nhưng khác với nhu cầu khảo sát ban đầu, đến nay, toàn xã cũng chỉ mới có 16 hộ đăng ký và đặt cọc tiền thuê mặt bằng khu chợ. Được biết, lúc đầu, cũng có khoảng 7 đến 8 hộ tiểu thương bày hàng buôn bán trong chợ nhưng chỉ được ít ngày, do ít người mua nên họ đã chuyển về buôn bán tại nhà như trước đây.

Qua vận động tuyên truyền, đến nay, cả khu chợ chỉ có 3 hộ tiểu thương bám trụ nhưng cũng không bán đúng vị trí lô sạp đăng ký mà chuyển ra bán tự do ngay đầu cổng chợ.

Chị Lê Thị Thoa, 1 trong 3 tiểu thương hiện đang bám trụ tại khu chợ mới tập trung này cho biết: “Trước đây, gia đình tôi buôn bán tại nhà với đủ các loại hàng hóa, kể cả hàng tươi sống. Khi có chợ mới, gia đình đã đăng ký đấu thầu 2 lô và đặt cọc trước 1/3 số tiền. Thế nhưng, trước tình hình các tiểu thương khác không vào chợ, tôi cũng như một số người đã đặt cọc tiền rất lo lắng vì sợ chợ sẽ không đi vào hoạt động”.

Cũng như chị Thoa, khi chợ xã xây xong, gia đình chị Lê Thị Bảy, ở thôn 6 đã vay tiền mua một ki ốt với giá 70 triệu đồng để buôn bán. Từ ngày đặt cọc tiền tới nay, hầu như chị chỉ đưa mấy ki lô gam thịt lợn lên chợ bán lấy lệ chứ không giám đầu tư mua hàng hóa theo giấy phép kinh doanh để bán vì sợ ế.

Mặc dù chợ đã đi vào hoạt động mấy tháng nay, nhưng hiện chỉ một vài hộ tiểu thương buôn bán một số mặt hàng ngay đầu lối ra vào khu vực chợ

Khác với cảnh đìu hiu tại chợ xã, dạo qua một vòng ở các khu dân cư trên địa bàn xã Đắk R'tíh, hoạt động mua bán tại các điểm, ki ốt bán lẻ ở nhà dân vẫn diễn ra khá sôi động với đầy đủ các mặt hàng từ hàng tạp hóa đến hàng tươi sống, xăng, dầu…

Khi được hỏi tại sao không đăng ký vào chợ buôn bán thì đa phần người dân đều có chung câu trả lời là buôn bán ở nhà lâu nay đã quen khách, lại tiện lợi, không phải đi lại. Mặt khác, hình thức buôn bán tại nhà chủ yếu là bán thiếu cho người dân đến thời vụ trả tiền nên khi lên chợ, họ sợ không thu hồi được nợ hoặc mất khách.

Ông Nguyễn Xuân Nhiên, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: "Mặc dù đã tuyên truyền, vận động nhiều lần, thậm chí dùng cả biện pháp hành chính đối với các hộ buôn bán mặt hàng tươi sống tại nhà không có xuất xứ nguồn gốc, không nằm trong danh mục đăng ký kinh doanh nhưng xem ra, xã rất khó đưa hoạt động buôn bán vào chợ tập trung. Trước tình hình đó, ngoài tiếp tục tuyên truyền, vận động, xã đã kiến nghị với huyện vào cuộc để có biện pháp xử lý nghiêm đối với những hộ buôn bán các mặt hàng tươi sống, xăng dầu tại nhà khi không có giấy phép kinh doanh hoặc không xuất trình rõ nguồn gốc hàng hóa, thực phẩm. Dù khó khăn nhưng việc đưa hoạt động kinh doanh buôn bán tập trung là điều bắt buộc và quyết tâm của xã để chấn chỉnh hoạt động này, đảm bảo kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như thực hiện lộ trình trong xây dựng nông thôn mới”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk R’tíh, đìu hiu chợ xã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO