Đắk Nông khống chế thành công dịch tả lợn châu Phi

Hồng Thoan| 12/02/2020 09:23

Ngành chức năng, các địa phương đã cơ bản khống chế được dịch tả lợn châu Phi và tiếp tục mở ra cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp, trang trại, hộ dân tái đàn lợn trở lại.

ADQuảng cáo

Cơ bản đã hết dịch

Ông Đoàn Văn Đáp, Phó Chi cục Phát triển nông nghiệp Sở Nông nghiệp - PTNT) cho biết, đến ngày 6/2/2020, toàn tỉnh chỉ còn xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) là hết dịch tả lợn châu Phi chưa qua 30 ngày (thời gian bảo đảm an toàn dịch bệnh có thể tái đàn). Còn các huyện khác và thành phố Gia Nghĩa đều đã không còn dịch tả lợn châu Phi và đang làm các bước để thông báo hết dịch. Lực lượng chuyên môn đã thực hiện lấy mẫu tại các khu vực từng có dịch tả lợn châu Phi và địa điểm nguy cơ cao xảy ra dịch để gửi đi xét nghiệm. Đến nay, nhiều nơi đã có kết quả âm tính với dịch tả lợn châu Phi.

"Ngành Nông nghiệp đã có thể khẳng định tỉnh Đắk Nông đã khống chế thành công dịch tả lợn châu Phi. Ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân tái đàn lợn theo hướng bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh”, ông Đáp thông tin.

Gia đình ông Hoàng Văn Mười, xã Đắk Wer, huyện Đắk R'lấp chú trọng vệ sinh, tiêu độc chuồng trại để chuẩn bị tái đàn lợn

Có thể nói, đây là kết quả thể hiện sự nỗ lực của tỉnh, các ngành chức năng, địa phương và cơ sở chăn nuôi, Nhân dân trong việc chung sức chống dịch tả lợn châu Phi. Để khống chế thành công dịch tả lợn châu Phi, thời gian qua, cùng với các văn bản chỉ đạo, tỉnh đã nhanh chóng nhận định đúng tình hình, triển khai các giải pháp kịp thời và hiệu quả. Tỉnh đã thành lập 3 đội ứng phó nhanh với dịch tả lợn châu Phi, phân công phụ trách theo dõi, dập dịch tại tất cả các huyện, thành phố.

Các địa phương cũng thành lập ban chỉ đạo, đội phản ứng nhanh nên đã kịp thời tuyên truyền thông tin về dịch tả lợn châu Phi đến với cộng đồng, hộ, cơ sở chăn nuôi. Các đội phản ứng nhanh tại cơ sở cũng đã phát huy tác dụng trong việc dập dịch tại chỗ, hạn chế thấp nhất khả năng mầm bệnh phát tán, lây lan ra các khu vực xung quanh. Năm 2019, tỉnh cũng đã triển khai 4 đợt tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi toàn tỉnh với hàng ngàn tấn hóa chất, vôi bột được sử dụng trong phòng, chống dịch.

ADQuảng cáo

Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 324 hộ/145 thôn/51 xã, phường, thị trấn của tất cả 8/8 huyện, thành phố của tỉnh. Tổng số lợn tiêu hủy là 4.737 con (trong đó: có 68 con vận chuyển từ nơi khác đến, 4.669 con lợn của địa phương), khối lượng tiêu hủy 312.623 kg.

Bảo đảm an toàn khi tái đàn

Bộ Nông nghiệp - PTNT đã có các văn bản khuyến cáo nông dân, doanh nghiệp, trang trại khi tái đàn, phát triển đàn lợn theo hướng bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Trong đó, chủ cơ sở mua lợn giống tại những địa chỉ cung ứng uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, con giống được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin.

Khi đã tái đàn, bà con phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về an toàn sinh học. Trong đó lưu ý, hằng ngày thực hiện việc vệ sinh, sát trùng chuồng nuôi, máng ăn, dụng cụ chăn nuôi, có biện pháp ngăn chặn côn trùng, gặm nhấm để tránh mang mầm bệnh từ ngoài vào trong chuồng, trại nuôi lợn. Quá trình chăn nuôi cần chú ý bổ sung chế phẩm nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn, ghi chép các hoạt động chăn nuôi, quản lý dịch bệnh, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học. Việc kê khai với chính quyền cơ sở trước khi thực hiện việc tái đàn lợn cũng cần thiết, bắt buộc.

Bộ Nông nghiệp khuyến cáo người dân tái đàn từng bước, khoảng 10% quy mô chuồng trại

Cũng theo cơ quan chức năng, các bước tái đàn lợn cũng phải hết sức thận trọng. Đầu tiên chỉ nên nuôi với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Hằng ngày theo dõi, giám sát chặt chẽ số lợn nuôi trong khoảng thời gian ít nhất 30 ngày. Trường hợp cần thiết lấy mẫu xét nghiệm phát hiện mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi (chủ cơ sở có thể tự lấy dưới sự giám sát của cán bộ thú y hoặc cán bộ thú y cơ sở thực hiện việc lấy mẫu). Nếu nghi lợn bị bệnh, phải khai báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.  

Sau khi nuôi lứa thứ nhất (10%) được ít nhất 30 ngày, nếu lợn không có biểu hiện bệnh hoặc mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi (áp dụng đối với trường hợp lấy mẫu xét nghiệm), người dân có thể thực hiện tái đàn 100% quy mô chăn nuôi của cơ sở. Để bảo đảm môi trường thuận lợi cho tái đàn lợn, chính quyền cơ sở và các cơ quan thú y địa phương tổ chức kiểm tra, xác nhận điều kiện nuôi tái đàn; tăng cường việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông khống chế thành công dịch tả lợn châu Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO