Đắk Nia duy trì, phát triển văn hóa truyền thống theo đúng “mạch nguồn”

Mỹ Hằng| 19/03/2019 09:49

Bằng sự quan tâm, động viên, khuyến khích của cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng bào xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) có nhiều nỗ lực, tâm huyết trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, làm phong phú thêm đời sống tinh thần, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

ADQuảng cáo

Nghệ nhân K'Tiêng (ngoài cùng bên trái) luôn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương

Xã Đắk Nia hiện có  2.375 hộ với gần 9.000 nhân khẩu; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Mạ) là 873 hộ, sinh sống chủ yếu ở các bon Tinh Wel Đơm, Phaikon Pruđăng, Bu Sốp, N’Jriêng, Sêrê Ú. Theo đó, để đồng bào hiểu được vai trò của việc gìn giữ văn hóa, công tác tuyên truyền luôn được địa phương đặt lên hàng đầu.

Ngoài việc nâng cao nhận thức cho các nghệ nhân và người có uy tín, vào các dịp sinh hoạt thôn, bon, xã luôn lồng ghép tuyên truyền để bà con được rõ. Đồng thời, các lớp truyền dạy cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát cũng được địa phương quan tâm phối hợp với các ngành chức năng tổ chức, tạo cho đồng bào thêm gắn bó, hiểu biết về văn hóa truyền thống của dân tộc...

Các hoạt động văn hóa dân gian như diễn tấu cồng chiêng, hát, múa, diễn tấu nhạc cụ, thi ẩm thực, trình diễn nghề dệt thổ cẩm,  đan lát... cũng thường xuyên được tổ chức, thu hút được người dân tham gia nhiệt tình, sôi nổi. Những hoạt động thiết thực đó đã có tác động rất lớn, tạo phong trào và nhen lên ngọn lửa gìn giữ, đưa các giá trị văn hóa truyền thống trở nên thân thuộc, sống động trong đời sống hằng ngày. Một số nghi lễ truyền thống như: Cúng bến nước, mừng cơm mới, cúng sức khỏe, cúng cầu mưa... được bà con duy trì tổ chức theo phong tục, tập quán. Nhiều gia đình vẫn còn lưu giữ những chiêng, ché cổ xem như vật quý của ông bà để lại.

Một số nghi lễ truyền thống của đồng bào Mạ được phục dựng nguyên bản

ADQuảng cáo

Đặc biệt, xã có 3 nghệ nhân K’Tiêng, K’Ngun và H’Geng vinh dự được công nhận danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Các nghệ nhân này đang ngày ngày ra sức gìn giữ, truyền dạy những nét đẹp văn hóa của người Mạ cho con cháu. Nghệ nhân K’Tiêng ở bon N’Jriêng năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng hàng ngày vẫn truyền dạy cồng chiêng và cách chế tác một số nhạc cụ bằng tre nứa cho các bạn trẻ trong bon. Dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân K’Tiêng, đến nay, bon N’Jriêng là bon duy nhất của thị xã Gia Nghĩa có tới 3 đội cồng chiêng với 3 lứa tuổi.

Nghệ nhân K’Tiêng chia sẻ: “Cồng chiêng đối với người Mạ rất quan trọng, là phương tiện để giao tiếp với thần linh, là người bạn gần gũi, thân thiết và gắn bó hầu như suốt cuộc đời của mỗi người. Với sự phát triển như hiện nay, việc lớp trẻ ít “mặn mà” với văn hóa truyền thống là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, bằng sự hiểu biết, tâm huyết của mình, tôi cố gắng tập hợp các cháu lại để truyền dạy, khơi dậy tình yêu cồng chiêng trong thế hệ trẻ”.

Điều đáng ghi nhận nữa là nắm bắt nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, một số hộ gia đình đã tìm hướng đi riêng cho các sản phẩm truyền thống của dân tộc mình. Đơn cử, các chị H’Mai, H’Rum ở bon Tinh Wel Đơm đã ủ rượu cần bán ra thị trường; gia đình bà H’Bạch nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm, bước đầu được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận. Trên cơ sở đó, năm 2018, UBND xã Đắk Nia đã thành lập Tổ hợp tác rượu cần Đắk Nia và Tổ hợp tác dệt thổ cẩm với nòng cốt là những nghệ nhân, những người am hiểu, tâm huyết với văn hóa truyền thống của dân tộc Mạ.

Đồng bào Mạ ở xã Đắk Nia tham gia thi ẩm thực tại Hội xuân Liêng Nung năm 2019

Chị H’Mai, Tổ trưởng Tổ hợp tác rượu cần cho biết: “Các thành viên trong tổ đều là những hộ gia đình chuyên nấu rượu cần của địa phương. Tổ hợp tác không chỉ là nơi lưu giữ nghề truyền thống của người Mạ mà còn tạo được sinh kế cho các thành viên. Từ khi thành lập được tổ hợp tác, thương hiệu rượu cần Đắk Nia được nhiều người biết đến và có nhiều đơn đặt hàng hơn. Các hộ gia đình trong tổ đều rất phấn khích vì có thể sống bằng nghề truyền thống của dân tộc mình”.

Theo bà Quản Thị Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống là một trong những nhiệm vụ lâu dài, không thể làm một hai ngày là được. Do đó, địa phương luôn thực hiện theo phương châm "mưa dầm thấm lâu" và lấy đồng bào làm chủ thể trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa. Với sự quan tâm sát sao của các cấp chính quyền và tâm huyết của đồng bào, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc với bao nhiêu cái hay cái đẹp sẽ tiếp tục được duy trì, phát triển theo đúng “mạch nguồn” mà cha ông dày công vun đắp, xây dựng và để lại.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nia duy trì, phát triển văn hóa truyền thống theo đúng “mạch nguồn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO