Đắk Ngo vẫn còn tình trạng phụ nữ “vượt cạn” tại nhà

Vũ Trang| 02/12/2015 09:37

Do nhiều nguyên nhân khác nhau nên thời gian qua, nhiều phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã Đắk Ngo (Tuy Đức) vẫn duy trì thói quen sinh đẻ tại nhà. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của bà mẹ, trẻ em mà còn là “rào cản” lớn trong việc triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) tại địa phương.

ADQuảng cáo

Nhân viên y tế thôn, bon tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện các biện pháp CSSKSS

Mặc dù mới hơn 19 tuổi, nhưng Thào Thị Phớ, dân tộc Mông đã hai lần sinh con. Trong cả hai lần mang thai, chị Phớ đều không đến Trạm y tế để thăm khám sức khỏe cho bản thân và em bé. Điều đáng nói hơn, thay vì tìm đến cơ sở y tế, lần nào, chị Phớ cũng sinh con tại nhà với sự trợ giúp của người thân trong gia đình.

Không riêng chị Phớ, việc phụ nữ tự sinh con tại nhà đã và đang được xem là chuyện “hết sức bình thường”, là tập tục của nhiều gia đình nơi đây. Gần đây nhất là trường hợp của chị Hà Thị  Mén, mặc dù đã được cán bộ y tế tư vấn, vận động nhưng vẫn quyết định sinh con tại nhà. Sau nhiều tiếng đồng hồ vật vã với cơn trở dạ, chị Mén gần như kiệt sức, khi đó, gia đình mới hốt hoảng đưa đến cơ sở y tế.

Chị Mén được cán bộ y tế chẩn đoán thai to, khung chậu hẹp, suy thai nên phải chuyển lên tuyến trên để mổ cấp cứu. Chị Bùi Thị Loan, cô đỡ thôn bản ở xã cho biết: “Mặc dù việc tuyên truyền vẫn được thực hiện thường xuyên nhưng nhận thức của người dân vẫn chưa thay đổi. Phần vì thói quen, tập tục, phần vì đường sá xa xôi nên không ít phụ nữ vẫn chọn cách sinh con tại nhà.”

ADQuảng cáo

Trao đổi về thực trạng này, nữ hộ sinh Phan Thị Hương, chuyên trách Chương trình CSSKSS của xã cho biết, những năm gần đây, cán bộ y tế của Trạm thường xuyên được tập huấn kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về CSSKSS. Đồng thời, Trạm Y tế xã còn được đầu tư các trang thiết bị khám, chữa bệnh như: Bộ khám phụ khoa, bàn đẻ, giường bệnh nhân...

Công tác tuyên truyền, vận động cũng được triển khai dưới nhiều hình thức. Điều không thể phủ nhận là thông qua đó, nhận thức, hành vi về CSSKSS của người dân trên địa bàn đã có chuyển biến. Tuy nhiên, tại một số địa bàn dân cư, tình trạng sinh đẻ tại nhà vẫn chưa chấm dứt và chưa có cách nào xóa bỏ được.

Trong 9 tháng đầu năm, toàn xã có 174 phụ nữ sinh đẻ, thì vẫn còn 35 phụ nữ sinh đẻ tại nhà. Ngoài việc phụ nữ sinh đẻ tại nhà thì tình trạng “đẻ rơi” cũng là vấn đề đáng quan tâm. Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do giao thông đi lại ở xã còn khó khăn, khiến nhiều trường hợp chuyển dạ và đẻ ngay trên đường đến cơ sở y tế.

Cũng theo chị Hương thì thực trạng trên đã và đang ảnh hưởng rất lớn việc triển khai các hoạt động CSSKSS cũng như phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, nâng cao chất lượng dân số tại địa phương. Bởi lẽ, phụ nữ sinh đẻ tại nhà sẽ không được tiếp cận các dịch vụ y tế như chăm sóc sau sinh, em bé sinh ra không được tiêm phòng đầy đủ... Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực tế đáng buồn là hầu như năm nào, trên địa bàn xã cũng ghi nhận có các trường hợp tử vong mẹ hoặc tử vong sơ sinh.

Theo y sĩ Trương Thị Thúy, Trưởng Trạm y tế xã Đắk Ngo thì việc nâng cao chất lượng CSSKSS  ở địa phương là một việc làm khó và cần phải có lộ trình. Trong đó, việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân đóng vai trò hết sức quan trọng, nhất là thói quen, tập tục sinh đẻ tại nhà.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Ngo vẫn còn tình trạng phụ nữ “vượt cạn” tại nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO