Đắk Mil, ô nhiễm khói bụi từ lò sấy cà phê

Đức Hùng| 21/11/2016 15:02

Ông Nguyễn Xuân Ánh, Phó Phòng Tài Nguyên-Môi trường huyện Đắk Mil (Đắk Nông) cho biết, toàn huyện hiện có 250 lò sấy hoạt động theo mùa vụ cà phê, phần lớn các lò sấy đều nằm trong khu dân cư.

ADQuảng cáo

Bước vào đầu mùa vụ thu hoạch cà phê năm nay, huyện đã thành lập đoàn kiểm tra các lò sấy trước khi đi vào hoạt động, yêu cầu các chủ lò sấy sửa chữa những thiết bị hư hỏng, bảo đảm vấn đề môi trường trước khi lò sấy đi vào hoạt động. Trong mùa vụ, đoàn kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý các lò sấy cà phê người dân phản ánh là gây ô nhiễm.

Khói bụi từ lò sấy làm hạn chế tầm nhìn các phương tiện giao thông trên quốc lộ 14  đoạn qua huyện Đắk Mil

Cũng theo ông Ánh, về quản lý nhà nước, Phòng đã yêu cầu các lò sấy ký cam kết bảo vệ môi trường, tuyên truyền vận động người dân tránh khởi động lò sấy vào ngày thời tiết xấu, không khởi động máy vào sáng sớm. Tuy nhiên, với thiết kế và hoạt động của lò sấy như hiện nay, các lò sấy khó trong việc vừa sản xuất, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường.

Theo quan sát và ghi nhận của chúng tôi, việc bảo vệ môi trường xung quanh các lò sấy, cách làm giảm khói bụi, ô nhiễm và tiếng ồn tùy thuộc vào ý thức của chủ lò sấy. Một trong những cách làm để hạn chế ô nhiễm môi trường được các lò sấy thực hiện là xây dựng ống dẫn khói lên cao, đây là cách để đưa khói ra xa, giảm thiểu sự ô nhiễm đối với khu dân cư.

ADQuảng cáo

Hiện nay trên địa bàn huyện có một số hộ gia đình sử dụng lò sấy tự đảo, khép kín được đánh giá là hiệu quả và hạn chế được thấp nhất ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn. Tuy nhiên, các lò này đang ở quy mô hộ gia đình,  chưa áp dụng vào hộ sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn. Tâm lý của người dân ngại bỏ tiền đầu tư lại lò sấy mới mà chỉ cải tạo và sử dụng lò cũ.

Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường thì các lò sấy trên địa bàn tỉnh do người dân làm tự phát, hoạt động theo thời vụ ngắn và gắn với nhà dân. Trước mắt có hai phương án được đưa ra để bảo vệ môi trường là di dời các lò sấy vào khu công nghiệp và sử dụng lò sấy hiệu quả về mặt kinh tế và môi trường. Việc di dời đòi hỏi phải có kinh phí hỗ trợ, nhưng do đặc thù thời vụ ngắn và liên quan đến giao dịch mua bán nên cần tính toán.

Việc khuyến cáo, vận động người dân bỏ lò sấy cũ gây ô nhiễm môi trường, xây dựng, sử dụng lò sấy cải tiến, lò sấy hiệu quả kinh tế và môi trường đã được một số hộ ở xã Đức Minh đưa vào áp dụng, được đánh giá tốt. Về lâu dài cần nghiên cứu để đưa ra được một mô hình lò sấy vừa đạt hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ môi trường, phù hợp túi tiền của người dân.

Khi chưa có nhiều các lò sấy có thể vừa hoạt động, vừa bảo vệ môi trường, người dân trong khu dân cư có lò sấy hoạt động lại thêm một mùa vụ “sống chung” với ô nhiễm môi trường, không khí, khói bụi và tiếng ồn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Mil, ô nhiễm khói bụi từ lò sấy cà phê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO