Đắk Mil, người có nguy cơ nhiễm HIV ngại đi tư vấn, xét nghiệm

Vũ Trang| 18/12/2017 09:28

Mặc dù có nhiều nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng nhiễm HIV/AIDS, nhưng thực tế hiện nay, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở huyện Đắk Mil (Đắk Nông) vẫn đang gặp không ít những trở ngại.

ADQuảng cáo

Công tác tuyên truyền, vận động phòng, chống HIV/AIDS được ngành Y tế huyện Đắk Mil chú trọng triển khai. (Ảnh: Học sinh trên địa bàn xã Đắk Lao (Đắk Mil) được phát tài liệu truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS)

Sự kỳ thị chưa được cải thiện

Theo Trung tâm y tế huyện Đắk Mil, để nâng cao nhận thức cho người dân trong phòng, chống HIV/AIDS cũng như xóa bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV, hàng năm, công tác truyền thông, giáo dục tại cộng đồng luôn được chú trọng.

Cùng với việc truyền thông, tư vấn trực tiếp cho người dân, nhất là các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, ngành cũng phối hợp với các ngành, đoàn thể địa phương triển khai thực hiện tốt phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS ở cộng đồng dân cư”. Ngoài ra, với sự hỗ trợ tích cực của đội ngũ nhân viên, cộng tác viên y tế thôn, bon, những kiến thức cơ bản về phòng, chống HIV/AIDS cũng được phổ biến rộng rãi đến từng hộ gia đình.

Bác sĩ Nguyễn Thái Phương, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS cho biết: “Trước đây, do ngại tiếp xúc với các thông tin về HIV/AIDS nên người dân hiểu biết rất mơ hồ về vấn đề này. Hiện nay, việc tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS được triển khai rộng rãi nên nhận thức của người dân cũng đang dần thay đổi”.

Cũng theo bác sĩ Phương, mặc dù nhận thức của người dân về HIV/AIDS đã dần thay đổi theo hướng tích cực, nhưng sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV vẫn chưa được cải thiện. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho công tác phát hiện, quản lý và điều trị cho người nhiễm HIV gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, do sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV còn phổ biến nên nhiều người có nguy cơ nhiễm HIV cao ngại đến cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm. Nếu làm xét nghiệm, họ cũng không chia sẻ thông tin thật về tên tuổi, địa chỉ của bản thân.

ADQuảng cáo

Vì vậy, một số trường hợp được phát hiện nhiễm HIV, nhưng khi xuống các địa bàn dân cư để xác minh, tư vấn họ tham gia điều trị thuốc kháng vi rút ARV thì không tìm được. Trung tâm không biết những trường hợp khác hiện đang ở đâu, họ có biết về tình trạng nhiễm HIV của bản thân không, có thực hiện các biện pháp phòng, tránh lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng hay không ?...

Nhiều trường hợp bị “mất dấu”

Theo thống kê, đến nay lũy tích người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn huyện Đắk Mil là 58 trường hợp, nhưng Trung tâm chỉ rà soát được 28 trường hợp, còn lại bị “mất dấu”. Hiện tại, Trung tâm chỉ quản lý được 16 trường hợp; trong đó có 6 trường hợp tham gia điều trị ARV.

Lâu nay, việc quản lý, vận động người nhiễm HIV tham gia điều trị đã khó, nhưng hiện còn khó hơn. Nguyên nhân là do hiện nay, việc khám, điều trị ARV cho người nhiễm HIV trên địa bàn được chuyển từ Trung tâm y tế sang bệnh viện. Thực tế, bản thân người nhiễm HIV/AIDS luôn mặc cảm và ngại tiếp xúc với nhiều người, nên hầu hết đều không muốn đến bệnh viện để nhận thuốc. Trong vòng hơn 1 tháng nay đã có 2 bệnh nhân bỏ điều trị. Hiện tại, cán bộ y tế đang tích cực vận động họ điều trị trở lại.

Trước thực tế đó, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, cùng với các hoạt động can thiệp, chăm sóc, điều trị và dự phòng lây nhiễm, việc cần thiết trước mắt là phải tăng cường tuyên truyền, vận động để giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thái độ. Nội dung tuyên truyền không chỉ tập trung vào việc trang bị kiến thức cho người dân về các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS mà còn chú trọng đến việc thay đổi thái độ, hành vi của họ đối với người nhiễm HIV, giúp người nhiễm HIV có thể yên tâm điều trị, sống hòa nhập cộng đồng. Song song đó, việc đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ y tế cũng sẽ được chú trọng.

Để làm được điều đó, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế còn rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Có như vậy, công tác phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương mới thực sự hiệu quả, bền vững, đạt được mục tiêu đề ra.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Mil, người có nguy cơ nhiễm HIV ngại đi tư vấn, xét nghiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO