Đã chọn ngành Y là phải hy sinh!

Ngô Đồng| 16/01/2020 14:38

Tết là dịp mà ai ai cũng mong muốn sum vầy bên gia đình, đặc biệt là vào thời khắc thiêng liêng giao thừa. Song, đối với các y, bác sĩ thì nhiều người luôn phải chấp nhận hy sinh, làm quen với việc xa tổ ấm vào thời khắc giao thừa hay tạm gác những chuyến du xuân cùng họ hàng, bạn bè, vì sứ mệnh cao cả chăm sóc sức khỏe người dân.

ADQuảng cáo

Không ai biết giao thừa đã đến và qua lúc nào

Hơn 23 năm công tác trong ngành Y tế, thì có gần 20 cái tết bác sĩ H’ Vinh Niê, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh phải xa gia đình để trực ở bệnh viện. Bất đắc dĩ bệnh nhân mới phải vào viện dịp tết và có lẽ cũng chỉ họa hoằn trong đời nhưng với các bác sĩ, điều dưỡng đã là chuyện thường xuyên. Ngày tết, các bộ phận trực phòng khám, cấp cứu, phòng mổ là vất vả nhất vì các ca tai nạn hay bệnh lý bất thường như viêm ruột thừa, đột quỵ… có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bệnh tật đâu có thể chờ qua tết, có những trường hợp phải mổ cấp cứu ngay trong thời khắc giao thừa.

Các y, bác sĩ túc trực 24/24 để ứng cứu khi người dân gặp nạn

Bác sĩ H’Vinh nhớ lại: Hồi còn công tác tại khoa Sản, có năm đã hơn 22 giờ đêm 30 tết, khi mọi người trong ca trực đang sắp mâm bánh, kẹo, mứt chuẩn bị đón giao thừa thì đành bỏ dở để mổ cấp cứu cho một sản phụ bị vỡ ối kèm u xơ tử cung. Những người trong ca mổ ai nấy đều khẩn trương, tập trung cao độ hơn 2 tiếng liên tục đến 1 giờ sáng mùng Một Tết để cứu bé, cứu mẹ. Kíp mổ không ai biết giao thừa đã đến và qua lúc nào, chỉ biết rằng có một “thiên thần bé nhỏ” đã chào đời và người mẹ đã qua cơn nguy kịch. Khi người dân háo hức tay trong tay cùng gia đình, bạn bè xem bắn pháo hoa, chúc nhau những lời tốt đẹp nhất thì trong phòng mổ chỉ có tiếng tít tít của máy thở, các thiết bị hỗ trợ, máu, dịch tiết của bệnh nhân. Nhưng "cứu được một người hơn cả xây một tòa tháp”, đặc biệt là vào thời khắc giao thừa lại được đón chào công dân đầu tiên của năm mới thì đó là niềm vui của những người mặc áo xanh trong phòng mổ.

Với hộ lý Lê Thị Hạnh, khoa Nội, đây là năm thứ 5 công tác ở bệnh viện thì năm nào cũng đều trực tết. Chị Hạnh cho biết: Đặc thù trực điều dưỡng phải có mặt 24/24 giờ, dù là đêm nếu có y lệnh đều phải thức để phục vụ bệnh nhân. Hết ca trực nếu có đông bệnh nhân vẫn phải ở lại hỗ trợ ca sau. Năm đầu vào nghề, tôi cùng kíp trực với trưởng khoa có bệnh nhân bị chấn thương vì say rượu nên việc cấp cứu cầm máu cho bệnh nhân rất vất vả, phải tập trung xử lý lâu hơn bình thường. Tuy vất vả nhưng sau mỗi ca bệnh được cứu chữa, tôi cảm thấy vui, yêu nghề, dù vất vả vẫn luôn sẵn sàng cống hiến hết mình.

Ngày tết cũng như ngày thường, đội ngũ y, bác sĩ vẫn miệt mài trong sự nghiệp cứu người

Luôn có những vất vả riêng

Tết là dịp lao động nhiều ngành nghề được nghỉ ngơi. Khó có thể so sánh ngành này với ngành khác nhưng thực tế ngành Y là ngành đặc biệt, có những vất vả riêng. Ngày tết, chỉ những bệnh nhân nặng mới ở lại bệnh viện, còn lại được sắp xếp về nhà. Các khoa, phòng phải xếp lịch nghỉ cho bệnh nhân, lịch trực cho cán bộ sao cho bệnh viện luôn duy trì và sẵn sàng hoạt động 24/24 giờ. Trung bình, mỗi cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh trực 2 - 3 ngày trong dịp nghỉ tết. Vì thế mà có trường hợp bác sĩ vừa bê bát cơm tất niên lên lại phải bỏ xuống để lập tức làm nhiệm vụ.

ADQuảng cáo

Ở bệnh viện tuyến huyện, việc trực tết cũng bận rộn không kém. Bác sĩ Huỳnh Thanh Huynh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong luôn suy nghĩ làm sao để tuyệt đối không xảy ra sự cố về chuyên môn trong những ngày tết. Trung tâm xây dựng kế hoạch trực theo 4 cấp: lãnh đạo, chuyên môn, cận lâm sàng, hành chính - bảo vệ. Các bác sĩ còn thay nhau trực thường trú, nghĩa là được ở nhà nhưng không được đi xa để sẵn sàng cấp cứu cho bệnh nhân.

Bác sĩ Huynh chia sẻ: Đã chọn ngành Y là phải hy sinh, không có nhiều thời gian chăm lo cho bữa cơm gia đình, chăm sóc con cái. Ngày tết hay xảy ra tai nạn, ngộ độc, các bệnh cấp cứu...nên y, bác sĩ có lúc không có thời gian để nghỉ ngơi. Thường ngày mùng 1 vắng bệnh nhân nhưng từ ngày mùng 2 - 3 trở đi, bệnh viện đông hơn do nhiều người say rượu bị tai nạn. Có năm trực tết, bệnh nhân vào đông, cả ban giám đốc cũng xắn tay vào cứu chữa.

Hướng dẫn người nhà chăm sóc trẻ đúng cách

Y tế cơ sở cũng không nằm ngoài cuộc trong việc trực tết. Chị Đoàn Thị Mỹ Phương, Trưởng Trạm y tế xã Kiến Thành (Đắk R’lấp) cho biết: Trạm có 5 cán bộ, trong đó 1 bác sĩ, 1 y sĩ và cũng đã xây dựng kế hoạch trực quay vòng. Tết cũng trực không khác gì ngày thường, ai đến lượt trực thì vui vẻ nhận. Năm nay, riêng y sĩ phải trực thường trú để xử trí nếu có tình huống xảy ra vì bác sĩ của trạm đã nghỉ sinh. Ngày tết nếu có thông tin bệnh, cán bộ, nhân viên sẵn sàng đến tận gia đình để cấp cứu vì cứu người mới là điều quan trọng nhất.

Sum vầy với gia đình là điều xa xỉ

Qua tâm sự của các y, bác sĩ đang công tác tại bệnh viện và các cơ sở y tế nhận thấy rằng, các gia đình có người làm trong ngành Y rồi cũng dần quen với việc chồng hay vợ đi trực vắng nhà ngày tết, nhưng có lẽ vẫn không khỏi chạnh lòng khi những đứa con hồn nhiên hỏi: "Tết rồi, mẹ vẫn phải đi trực ạ?”. Sum vầy với gia đình thân yêu lúc thời khắc giao thừa đôi khi lại là điều xa xỉ đối với những "chiến sĩ” mặc áo blu trắng.

Tuyến y tế cơ sở vẫn tổ chức tiêm phòng cho trẻ theo định kỳ hàng tháng

Để việc ứng cứu, chăm lo sức khỏe người dân trong dịp tết đạt kết quả tốt, Sở Y tế đã có công văn yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh đều phải trực 24/24 giờ, không được từ chối cấp cứu bệnh nhân hay xử trí chậm trễ trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Tuy nhiên, để dịp tết, ngày xuân vui trọn vẹn, các bác sĩ cũng khuyến cáo, mọi người không nên quá chén rồi say xỉn, có thể dẫn đến gây gổ đánh nhau hay xảy ra tai nạn, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Điều quan trọng nữa là tất cả các thành viên trong gia đình cần chú ý giữ gìn sức khỏe, vì không ai muốn vào viện dịp tết. Các y, bác sĩ luôn mong người dân bình an và chia sẻ, cảm thông với ngành Y tế.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đã chọn ngành Y là phải hy sinh!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO