“Cuộc chiến” tìm nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt ở thị trấn Đức An

Đức Diệu - Lê Dung| 29/02/2016 14:18

Thời gian qua, do nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn thị trấn Đức An (Đắk Song) ngày càng lớn, trong khi khả năng cung cấp của nhà máy nước trên địa bàn có hạn nên đã xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt ngày càng lớn. Bước vào đầu mùa khô năm nay, người dân đang mạnh ai nấy làm, ồ ạt khoan giếng để tìm kiếm nguồn nước ngầm.

ADQuảng cáo

Hoạt động khoan giếng, tìm kiếm nguồn nước ngầm của người dân trên địa bàn thị trấn Đức An (Đắk Song) đang diễn ra sôi động hơn bao giờ hết

NƯỚC MÁY QUÁ TẢI

Gia đình bà Lê Thị Thương, tổ dân phố 2, thị trấn Đức An hàng ngày phải “canh” nước mới có đủ lượng dùng. Bà Thương cho biết: Chuyện cắt nước xảy ra thường xuyên nhưng chẳng ai thông báo thời gian cắt và thời gian bơm nước nên phải tận dụng hết tất cả các vật dụng từ xô, chậu, nồi để trữ nước. Tại tổ dân phố 2, mỗi đợt cắt nước kéo dài từ 2-4 ngày.

Cứ mỗi lần như thế, chiều đến, khu vực này lại trở nên nhộn nhịp hơn bởi các bà, các chị rủ nhau đi xin nước. Gia đình chị Thái Thị Tuyết có 5 người, dù cố gắng tiết kiệm nhưng các bồn, thùng chứa nước đều cạn kiệt. Mỗi khi như vậy, chị phải đi khắp các nhà hàng xóm có giếng khoan để xin từng xô nước về sinh hoạt ăn uống, tắm rửa. Chẳng ai bảo ai nhưng mọi thành viên trong gia đình đều tận dụng tối đa những xô nước hiếm hoi này bằng cách rửa rau xong, đổ dồn lại để dành rửa chân tay, dội nhà vệ sinh.

Theo ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ, Thương mại tổng hợp Đắk Song, đơn vị đang quản lý, vận hành nhà máy nước sinh hoạt duy nhất trên địa bàn thị trấn Đức An thì nguyên nhân thiếu nước là do nhà máy nước được thiết kế, xây dựng từ năm 2003 với phạm vi cung cấp cho khoảng 300 hộ dân.

Đây là nhà máy nước của huyện Đắk Song bàn giao lại cho Hợp tác xã quản lý, khai thác. Sau khi nhận bàn giao, đơn vị đã đầu tư kinh phí, nâng cấp công suất mô tơ máy bơm từ 10kW lên 17kW và mô tơ máy đẩy từ 4kW lến 7 kW; đồng thời, lắp thêm một mô tơ máy đẩy để tăng công suất phục vụ, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho gần 600 hộ gia đình trên địa bàn. Tuy nhiên, do hệ thống đường ống chính đầu tư đã lâu nên đến nay, tình trạng hư hỏng, rò rỉ rất lớn, thường xuyên xảy ra sự cố gây hao hụt tới hơn 23%.

Trong khi đó, mặc dù đã nâng cấp máy móc nhưng với việc tăng gần gấp đôi công suất thực tế so với thiết kế nên việc đáp ứng thường xuyên nước cho khách hàng là rất khó. Từ đây đã xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ ở các tuyến cuối. Trước phản ánh của các hộ dùng nước, Hợp tác xã đã khắc phục bằng việc lắp thêm các van khóa để đều tiết nước theo dạng khoanh vùng.

ADQuảng cáo

Cụ thể, đơn vị đã tổ chức cấp nước cho các khu vực theo lịch cố định. Khi khu vực này cấp nước thì khu vực khác cúp nước để bảo đảm công suất. Thời gian cúp, cấp nước cho mỗi khu vực không quá 24 giờ. Với cách làm này, tình trạng cúp nước nhiều ngày hoặc nguồn nước yếu đã được khắc phục nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của các hộ dân sử dụng, nhất là vào mùa khô.

Đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời, còn về lâu dài thì việc đầu tư, nâng cấp nhà máy nước; trong đó, thiết kế và đầu tư lại đường ống chính là cần thiết. Bởi vì, hiện nay, do biến động về quy hoạch, việc làm nhà, xây dựng đường giao thông đã chồng lên các tuyến ống chính nên không thể sửa chữa, khắc phục khi có sự cố. Mặt khác, tỷ lệ hao hụt 23% là quá cao nên đã đẩy giá thành dùng nước tăng lên, thiệt thòi cho khách hàng.

“CUỘC CHIẾN” TÌM KIẾM NƯỚC NGẦM

Trong khi nhu cầu đáp ứng nguồn nước của nhà máy chưa được cải thiện, để chủ động nguồn nước sinh hoạt, nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn Đức An đã sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng để khoan giếng. Từ đây, nhu cầu khoan giếng hiện đang rất lớn và được ví như một “cuộc chiến” trong tìm kiếm nguồn nước ngầm.

Sau khi khảo sát nhu cầu, ông Nguyễn Văn Quy, một trong những hộ dân địa phương đã không ngần ngại đầu tư khoảng 200 triệu đồng mua giàn máy khoan để mở dịch vụ khoan giếng. Không chỉ ông Quy mà tính sơ, toàn thị trấn Đức An và xã Thuận Hà (Đắk Song) hiện đã có khoảng 9 hộ dân đầu tư máy khoan để làm dịch vụ khoan giếng, phục vụ nhu cầu của người dân. Đây là dịch vụ “đắt như tôm tươi” vào thời điểm hiện nay. Theo người dân nơi đây, chưa có khi nào hoạt động khoan giếng khu vực này lại diễn ra rầm rộ như thời gian này.

Chỉ tính từ trước Tết Nguyên đán 2016 đến nay, trong phạm vi 200m2 ở khu vực tổ 2, thị trấn Đức An đã có khoảng 6 hộ dân khoan giếng. Ngay trong ngày 24/2, dọc quốc lộ 14, thuộc tổ dân phố 2 cũng đã có thêm 2 hộ dân đang bắt đầu khoan giếng để tìm nguồn nước sinh hoạt. Theo một thợ khoan giếng thì khu vực này, mỗi mũi khoan cũng phải sâu tới 130-150m mới có nước phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiên, không phải cứ khoan mũi nào là có nước mũi đó, vì nguồn nước ngầm hiện nay cũng khó khăn hơn trước rất nhiều. Nhiều hộ phải khoan tới mấy mũi mới tìm được nguồn nước thích hợp.

Việc không có đủ nguồn nước máy để phục vụ sinh hoạt, người dân tự tìm nguồn nước bằng cách khoan giếng là một nhu cầu tất yếu. Tuy nhiên, cứ đà này, tình trạng phá vỡ kết cấu tầng nước là không thể tránh khỏi. Do tác động của các mũi khoan, các tầng nước ngầm trong lòng đất bị xuyên thủng sẽ tạo nên sự tụt giảm các tầng nước theo thời gian từ tầng cạn xuống tầng sâu. Nếu hoạt động khoan giếng không có thăm dò, quy hoạch mà cứ diễn ra một cách tự phát tràn lan thì nguy cơ tụt giảm nguồn nước ngầm lại càng diễn ra nhanh hơn.

Trước tình hình này, nếu UBND huyện không sớm có phương án khả thi thì tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt sẽ diễn ra trầm trọng hơn khi mà mùa khô đang diễn ra ngày càng khốc liệt.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Cuộc chiến” tìm nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt ở thị trấn Đức An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO