Công tác phòng, chống thiên tai còn gặp nhiều khó khăn

Văn Tâm| 13/09/2016 09:24

Thời gian qua, việc chủ động phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai đã được các ngành, địa phương trong tỉnh tích cực thực hiện. Thế nhưng do đặc điểm về địa hình, dân cư, kinh phí thực hiện hạn chế… nên công tác này triển khai trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

ADQuảng cáo

Toàn tỉnh hiện còn 180 cầu treo, cầu tạm do người dân tự làm rất nguy hiểm cho người và phương tiện đi lại trong mùa mưa lũ

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Đắk Nông, mùa mưa năm 2016 đối với nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh kết thúc sớm hơn so với quy luật của nhiều năm trước và có nhiều biến động. Cụ thể, lượng mưa trong mùa ở các khu vực ước đạt xấp xỉ hoặc thấp hơn trung bình nhiều năm.

Số trận lũ của các sông, suối khả năng xuất hiện từ 4 - 5 trận, lũ lớn nhất năm khả năng xuất hiện trong tháng 9, tháng 10. Đặc biệt thời điểm giữa, cuối mùa mưa, các ngành chuyên môn, chính quyền địa phương cần đề phòng mưa lớn gây ra lũ, lũ quét, ngập lụt ở các vùng thấp ven sông, suối và sạt lở đất.

Trước thực tế đó, cùng với việc thực hiện ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị trực tuyến ngày 22/5/2016 về triển khai công tác phòng, chống thiên tai, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều phương án nhằm chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế, xã hội năm 2016.

Tuy nhiên, theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Đắk Nông thì công tác phòng, chống thiên tai, TKCN hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trước hết, về địa hình của tỉnh khá phức tạp, chia cắt mạnh, trong khi dân cư sinh sống không tập trung. Nhiều cộng đồng dân cư làm nương rẫy xa và ở lại rẫy thời gian dài nên khó tập trung để tiếp cận, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống thiên tai, TKCN. Bên cạnh đó, nhiều người dân và các doanh nghiệp hiện vẫn chưa ý thức đầy đủ  về nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc thực hiện luật Phòng chống thiên tai.

Theo ông Nguyễn Thành Lý, Trưởng Phòng Phòng chống lụt bão, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-TKCN tỉnh thì nhiều năm qua, nguồn kinh phí bố trí hằng năm cho công tác diễn tập, tuyên truyền, ứng cứu khẩn cấp... chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn ở địa phương, chưa triển khai diễn tập được phòng, chống các loại thiên tai nên khi có tình huống xảy ra việc triển khai thực hiện còn gặp nhiều lúng túng và thiếu tính đồng bộ.

Hơn nữa, việc triển khai các kế hoạch phòng, chống thiên tai và TKCN, diễn tập phương án ứng phó với các kịch bản mưa lớn gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất do ảnh hưởng của bão, vì nguồn kinh phí địa phương có hạn nên chưa bố trí kinh phí để thực hiện diễn tập các kịch bản và các phương án ứng phó.

ADQuảng cáo

Trong khí đó, việc thu quỹ phòng, chống thiên tai hằng năm không đạt theo kế hoạch. Cụ thể, năm 2015, tổng kế hoạch thu là 5,3 tỷ đồng, nhưng thực tế chỉ thu được 1,8 tỷ đồng. Còn năm 2016, kế hoạch thu là 6,1 tỷ đồng, nhưng hiện  vẫn đang trình UBND tỉnh phê duyệt.

Cũng theo ông Lý, cũng vì thiếu kinh phí nên công tác kiểm định an toàn tại các hồ đập bị bỏ ngõ. Vì vậy, hầu hết các hồ đập do Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi Đắk Nông quản lý chưa được kiểm định an toàn, hệ thống giám sát, quan trắc công trình thủy lợi gần như chưa được trang bị, lắp đặt, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện phê duyệt các phương án phòng, chống lụt bão vùng hạ du công trình thủy lợi, bảo vệ công trình. Hiện nay, nhiều hồ chứa xuất hiện bè mảng cỏ lớn trong lòng hồ nguy cơ gây mất an toàn về mùa mưa lũ.

Công tác dự báo, cảnh báo các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế. Số lượng trạm khí tượng, thủy văn còn ít, trang thiết bị còn thô sơ nên gây khó khăn trong công tác cung cấp số liệu và dự báo các hiện tượng thiên tai như mưa đá, mưa lớn kèm theo lốc tố, sấm sét...

Theo ông Hoàng Trung Thơ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông thì toàn tỉnh có 63 công trình thủy lợi xuống cấp nghiêm trọng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn. Trong đó có 11 công trình đã có danh sách trong Dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất cho các tỉnh Tây Nguyên; 18 công trình đã có danh sách trong Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập, còn lại 34 công trình được đánh giá hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ đe dọa đến an toàn công trình, cần được sửa chữa nhưng chưa có kinh phí để đầu tư nâng cấp.

Việc diễn tập về xả lũ, nguy cơ vỡ đập cũng do thiếu kinh phí nên không thực hiện được. Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng còn tồn tại trên 180 cầu treo, cầu tạm hầu hết do dân tự làm đơn sơ rất nguy hiểm cho người và phương tiện đi lại trong mùa mưa lũ.

Vì thế, khi các tình huống thiên tai xảy ra, vấn đề triển khai công tác ứng phó, phòng, chống và TKCN đối với các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh không phải là vấn đề dễ thực hiện.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác phòng, chống thiên tai còn gặp nhiều khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO