Công tác giảm nghèo vẫn gặp nhiều trở ngại

Hoàng Thanh| 15/09/2017 09:25

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện vẫn đang gặp phải nhiều trở ngại, chưa thật sự bền vững.

ADQuảng cáo

Người nghèo ở xã Đắk Nang (Krông Nô) nhận quà của Hội Chữ thập đỏ TP. Hồ Chí Minh

Nhiều nguồn lực giảm nghèo

Theo UBND tỉnh, năm 2016, tổng kinh phí bố trí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh hơn 802,3 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng áp dụng cơ chế theo Nghị quyết 30a để thực hiện cho huyện Đắk Glong là 14,7 tỷ đồng; kinh phí thuộc các dự án, đề án, vốn tín dụng: 536,4 tỷ đồng; kinh phí thuộc các chương trình, dự án y tế, giáo dục, nhà ở: 251,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, 2 dự án đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh gồm: Dự án tăng cường năng lực kinh tế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông (Dự án 3EM) ở 23 xã của các huyện: Krông Nô, Đắk Song, Đắk Glong, Đắk R’lấp và Tuy Đức; Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Đắk Nông ở 20 xã khó khăn của các huyện: Krông Nô, Tuy Đức, Đắk Song và Đắk Glong. Theo đánh giá, đến nay cả 2 dự án trên được triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ.

Từ các nguồn kinh phí, tỉnh đã đầu tư hạ tầng, hỗ trợ dạy nghề gắn với việc làm, hỗ trợ vay vốn tín dụng cho người nghèo, xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo, hỗ trợ thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, hỗ trợ về giáo dục, y tế, nhà ở. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng huy động nguồn lực, hỗ trợ đầu tư phát triển cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã đặc biệt khó khăn.

Kết quả, năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm xuống còn 19,20%, giảm 0,06% so với năm 2015. Tuy nhiên, kết quả này không đạt nghị quyết mà tỉnh đã đề ra là mỗi năm giảm 2% hộ nghèo.

Tặng quà hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số xã Đắk Nang (Krông Nô)

ADQuảng cáo

Vẫn là “bài toán” khó

Tại Hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện công tác giảm nghèo năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 mới đây do UBND tỉnh tổ chức, Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh đã “mổ xẻ” nhiều nguyên nhân khiến cho công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh không đạt kết quả như mong muốn. Trong đó, đáng chú ý là các nguyên nhân: Dân di cư tự do (DCTD) đến địa bàn tỉnh liên tục tăng; công tác điều tra, rà soát, công nhận hộ nghèo tại các địa phương vẫn còn nhiều bất cập...

Theo chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, việc triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội cho hộ nghèo chỉ áp dụng cho hộ nghèo thu nhập thấp; còn các hộ nghèo thiếu hụt về các dịch vụ xã hội hiện tại vẫn chưa có các chính sách hỗ trợ. Vì vậy, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho người nghèo tại các địa phương gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Cũng bởi lý do trên, thời gian qua, mặc dù tỉnh đã tập trung ưu tiên nhiều nguồn lực cho các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nhưng đến nay, hai huyện Tuy Đức và Đắk Glong có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% và 22 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 20%.

Nguyên nhân khiến cho công tác giảm nghèo thêm phần khó khăn là tình trạng dân DCTD đến địa bàn tỉnh liên tục gia tăng. Theo báo cáo của các địa phương, trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, tình trạng dân DCTD đến địa bàn tỉnh, nhất là các huyện Krông Nô, Đắk Glong và Tuy Đức vẫn còn diễn ra. Hầu hết các hộ dân DCTD đến địa bàn tỉnh là những hộ nghèo, khiến cho tỷ lệ hộ nghèo tại các địa phương tăng ngoài ý muốn và công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững.

Qua công tác giám sát về việc thực hiện điều tra, rà soát, công nhận hộ nghèo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy, một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn có tư tưởng cố tình tăng tỷ lệ hộ nghèo để được phê duyệt thôn, xã đặc biệt khó khăn, thụ hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa quản lý tốt nhân, hộ khẩu khiến cho quá trình điều tra, rà soát hộ nghèo còn bị bỏ sót.

Một nguyên nhân nữa là, một bộ phận người nghèo vẫn còn có tư tưởng ỷ lại, an phận, thiếu phương án làm ăn cụ thể, thiếu quyết tâm vươn lên thoát nghèo, nên mặc dù được hỗ trợ vốn, cây con giống, nhưng triển khai không đem lại hiệu quả.

Những nguyên nhân cơ bản trên là những trở ngại không dễ khắc phục, nên “bài toán” giảm nghèo trên địa bàn tỉnh còn nan giải.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác giảm nghèo vẫn gặp nhiều trở ngại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO