Công tác giảm nghèo ở Gia Nghĩa còn thiếu tính bền vững

Bình Minh| 28/11/2014 09:26

Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa qua các năm đã giảm tương đối nhanh nhưng số hộ cận nghèo, tái nghèo, nghèo mới hiện vẫn còn khá lớn. Điều đó cũng đồng nghĩa, công tác giảm nghèo trên địa bàn thị xã vẫn chưa thực sự bền vững.

ADQuảng cáo

Theo đánh giá của UBND thị xã Gia Nghĩa, trong những năm qua với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội thì công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhiều nông dân ở vùng ven đô thị Gia Nghĩa chọn cây hồ tiêu để phát triển kinh tế. Ảnh: Mai Anh

Theo kết quả rà soát, thống kê mới đây thì toàn thị xã hiện còn 420 hộ nghèo, với 1.751 khẩu, chiếm 2,67% so với dân số, giảm 1,14% so với cùng thời điểm của năm 2013. Trong đó, hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số là 191 hộ, chiếm hơn 45% tổng số hộ nghèo.

Tuy tỷ lệ hộ thoát nghèo giảm nhanh, đời sống người dân từng bước nâng lên, nhưng mục tiêu giảm nghèo chưa bền vững, khoảng cách giữa cận nghèo và nghèo rất mong manh. Theo quy định của Chính phủ, hộ nghèo nông thôn có thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng, thành thị 500.000 đồng/người/tháng.

Với quy định này, nếu hộ dân có thu nhập 401.000 đồng/người/tháng (ở nông thôn) và 501.000 đồng/người/tháng (ở thành thị) là thoát nghèo, xuống mức cận nghèo (Hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có thu nhập bình quân từ 401.000-520.000 đồng/người/tháng; ở thành thị từ 501.000-650.000 đồng/người/tháng). Chính vì khoảng cách nghèo và cận nghèo rất gần nên nguy cơ tái nghèo, “rớt” xuống chuẩn nghèo là rất lớn.

Theo thống kê, số hộ cận nghèo của thị xã hiện nay còn khá nhiều, với 453 hộ, 1.950 khẩu, chiếm gần 3% so với tổng dân số. Năm 2014, thị xã Gia Nghĩa cũng ghi nhận thêm 49 hộ nghèo mới và gần 30 hộ tái nghèo. Xã Đắk Nia là địa phương có số hộ tái nghèo nhiều nhất với 19 hộ. Địa phương này hiện cũng có số lượng hộ cận nghèo cũng lớn nhất với 142 hộ, chiếm 5,44% tổng dân số.

ADQuảng cáo

Nguyên nhân dẫn đến số hộ nghèo, cận nghèo, nghèo mới, tái nghèo trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa còn lớn là do nhiều hộ gia đình hiện nay còn thiếu đất canh tác, phương tiện sản xuất, vốn sản xuất. Trong khi đó, số lượng lao động nhiều nhưng chưa được đào tạo nghề, không có việc làm, chưa biết cách làm ăn.

Mặt khác, mức vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội cho các hộ nghèo còn thấp, thời gian vay ngắn. Trong khi một số chương trình hỗ trợ cho người nghèo như giống cây, con chưa đúng với lịch thời vụ nên hiệu quả chưa cao. Đội ngũ cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo các cấp ở thị xã đều kiêm nhiệm nên chất lượng cũng như kết quả tham mưu, thực hiện còn hạn chế.

Công tác giảm nghèo luôn là một trong những mục tiêu quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội hàng năm được thị xã quan tâm chỉ đạo và đầu tư. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo còn bị phân tán, thiếu tập trung, khó đánh giá hiệu quả tác động riêng của từng chính sách, chương trình đối với kết quả giảm nghèo của từng đối tượng thụ hưởng.

Một số chính sách bị chồng chéo, trùng lặp, có mức hỗ trợ thấp. Nhiều chính sách, cơ chế giảm nghèo chưa tạo điều kiện và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, người dân, chưa khuyến khích hộ nghèo tích cực vươn lên thoát nghèo.

Thị xã hiện đang tập trung nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, nhưng khi công tác xóa nghèo bền vững vẫn còn là “bài toán” nan giải thì việc xây dựng nông thôn mới bị ảnh hưởng rất nhiều. Do đó, để công tác giảm nghèo ở thị xã bền vững thì việc triển khai đồng bộ các giải pháp sát thực, hiệu quả cần đẩy mạnh thực hiện.

Trong đó, công tác tăng cường tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật để hộ nghèo, cận nghèo nắm bắt được, áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi có vai trò rất quan trọng. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xóa đói, giảm nghèo ở xã, phường cũng hết sức cần thiết.

Việc chủ động lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với các chương trình khác, nhất là xây dựng nông thôn mới để sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cũng góp phần giảm nghèo bền vững. Đối với các xã, phường, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền thì việc nắm bắt kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của người nghèo để đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết, cũng như hướng dẫn nhân dân mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả cần được đẩy mạnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác giảm nghèo ở Gia Nghĩa còn thiếu tính bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO