Công tác giảm nghèo cần thực hiện đồng bộ, khoa học

Hoàng Hoài thực hiện| 09/12/2014 09:05

Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm giải quyết bài toán đói nghèo, nhưng tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá cao. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Lệ, UVTVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh xung quanh vấn đề này.

ADQuảng cáo

Làm đường giao thông về vùng sâu, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế -xã hội. Ảnh: Hồ Mai

P.V: Đồng chí có nhận xét như thế nào về việc tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá cao, nguyên nhân phần lớn là do đâu?

Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Lệ: Tính đến hết năm 2013 (số liệu điều tra năm 2014 chưa thống nhất), toàn tỉnh có 31.389 hộ nghèo và cận nghèo, chiếm 23,7% dân số; trong đó, hộ nghèo là 20.715 hộ, chiếm 15,64%. Điều đáng nói là trong số hộ nghèo thì đồng bào  dân tộc thiểu số (DTTS) là 12.455 hộ, chiếm tới 60,12%.

Chính đói nghèo đã dẫn đến nhiều hệ lụy đối với xã hội và rõ rệt nhất là trẻ em. Hiện nay, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trẻ em trong tỉnh chiếm tới 33%, nhất là trẻ em người DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Cũng vì đói nghèo mà dinh dưỡng cho trẻ chưa được cải thiện, ảnh hưởng đến việc nâng cao tầm vóc, làm cho tình trạng tai nạn thương tích trẻ em, bạo lực gia đình ngày càng gia tăng và tỉnh ta là cao nhất ở khu vực Tây Nguyên.

Qua thực tế cho thấy, các chính sách, chương trình về giảm nghèo của tỉnh tuy bước đầu đã góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này.

Trước hết, phải kể đến là lượng dân di cư từ các tỉnh khác đến địa phương khá cao, kéo theo đó là một loạt vấn đề đòi hỏi tỉnh cần phải giải quyết như trường học, trạm y tế, giao thông…và những sinh hoạt khác. Thứ hai là do các chính sách đầu tư thiếu tập trung, ban hành thiếu lực để triển khai thực hiện cũng như ý thức của một số cấp, ngành cũng như người dân còn những bất cập, hạn chế.

Hiện trên địa bàn tỉnh đang thực hiện 136 chính sách và 16 chương trình, nhưng do đầu tư còn manh mún, dàn trải, lại chưa có sự gắn kết, lồng ghép. Thứ ba là các chính sách của Trung ương và tỉnh dù đã được triển khai, song lại chưa thực sự đồng bộ.

Ví dụ, một hộ gia đình nghèo muốn thoát nghèo bền vững thì cần nhất là nguồn vốn sản xuất và phải làm sao đủ để đầu tư trong suốt vụ mùa. Thế nhưng, vốn vay ưu đãi mới chỉ đầu tư đủ từ 1-2 khâu, nên bắt buộc nông hộ phải đi vay ở các nguồn khác nhau. Vì vậy, lãi suất cao, lãi mẹ đẻ lãi con, mùa màng ổn định, giá cả cao thì đủ tiền trả nợ, còn ngược lại thì tiếp tục nợ… Cứ như vậy, nghèo vẫn hoàn nghèo, thậm chí còn nghèo hơn trước.

ADQuảng cáo

P.V: Được biết, hàng năm, các cấp, ngành cũng như hệ thống Mặt trận,  tổ chức đoàn thể trong tỉnh đều đề ra các giải pháp, chỉ tiêu giúp các hộ nghèo thoát nghèo, vậy đồng chí  đánh giá như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Lệ: Tôi đánh giá khá cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ người nghèo vươn lên trong cuộc sống của các cấp, ngành và hệ thống Mặt trận. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn thì những cách thức giúp đó vẫn chưa thực chất, chưa sáng tạo, hiệu quả chưa thể hiện rõ.

Và như đã nói, để đánh giá một hộ thoát nghèo thì cần có quá trình, phương pháp theo dõi sát sao, có tính định lượng. Có lẽ, hoạt động của Mặt trận và tổ chức thành viên còn nhiều khó khăn, nên việc giúp đỡ  chưa sát đối tượng hộ và thời gian không dài nên nguy cơ tái nghèo vẫn còn cao.

P.V: Tỉnh đã có những phương hướng, giải pháp nào để giải quyết bài toán xóa đói giảm nghèo này không,  thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Lệ: Xóa đói giảm nghèo là một trăn trở lớn của tỉnh và nó không thể giải quyết một sớm một chiều mà phải có quá trình. Về phía tỉnh thì đối tượng nghèo cần phải được theo dõi sát sao, nắm rõ từng đối tượng, nguyên nhân đói nghèo…để có sự giúp đỡ thiết thực, cần gì hỗ trợ đó, thiếu vốn thì hỗ trợ vốn, thiếu khoa học kỹ thuật thì hỗ trợ khoa học kỹ thuật… Việc thoát nghèo của mỗi hộ cũng cần được theo dõi trong 3 năm chứ không phải năm nay thấy thoát nghèo là công bố đã thoát được nghèo để đảm bảo tính bền vững, chống tái nghèo.

Hiện UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng lý lịch từng hộ và thiết lập phần mềm hệ thống hộ nghèo từ xã lên tỉnh để theo dõi xem trong năm đó hộ nghèo đã được tiếp cận kiến thức, chính sách gì, vốn hỗ trợ và sử dụng ra sao. Để hạn chế tình trạng tiêu cực ở cơ sở như hộ thoát nghèo thì không cho thoát, hộ nghèo thì lại bắt thoát nghèo, hệ thống cũng sẽ cập nhật thông tin sát từng nội dung, nhất là tiến tới loại bỏ hình thức xác định hộ nghèo thông qua phiếu điều tra như hiện nay.

UBND tỉnh cũng trình HĐND tỉnh thành lập hội đồng đánh giá hiện trạng, xây dựng đề án đầu tư trọng tâm cho vùng nghèo đông đồng bào DTTS để có cơ sở căn cơ, chặt chẽ. Về phía các cấp, ngành, chính quyền địa phương cũng phải tích cực vào cuộc, phân công cán bộ, đảng viên theo dõi từng hộ để hỗ trợ linh động khi cần. Nói một cách khác, công tác giảm nghèo cần phải thực hiện một cách đồng bộ, có khoa học.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác giảm nghèo cần thực hiện đồng bộ, khoa học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO