Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em: Cùng nêu cao trách nhiệm, chung tay góp sức

Vũ Trang| 30/05/2016 11:11

Mặc dù đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em (CSBVTE) vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Tại Hội nghị tổng kết Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2011-2015 do UBND tỉnh tổ chức mới đây, nhiều vấn đề đã được đặt ra.

ADQuảng cáo

Thực tế cho thấy, trường hợp trẻ bị tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước và có dấu hiệu xâm hại tình dục vẫn diễn ra. Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh có 939 trường hợp trẻ bị tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước; trong đó có 136 trường hợp tử vong.

Điều đáng nói, trẻ em bị xâm hại tình dục có xu hướng tăng theo từng năm. Cụ thể, năm 2011, toàn tỉnh chỉ có 2 trường hợp trẻ bị xâm hại thì năm 2015 lại có đến 30 trường hợp. Trong khi đó, các hoạt động phòng chống tai nạn đuối nước, xâm hại tình dục và thương tích cho trẻ như dạy bơi, kỹ năng sống... chưa kịp thời, sâu rộng, hiệu quả. Đơn cử như hoạt động dạy bơi, hiện nay, hầu hết các địa phương đều chưa thể triển khai được do không có cơ sở vật chất.

Khám bệnh miễn phí cho trẻ tại Trường mầm non Hướng Dương (Đắk Mil)

Ông Lê Văn Long, Trưởng Phòng Trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Riêng đối với ngành Giáo dục, hàng năm, hầu hết các trường học trên địa bàn đều tổ chức tập huấn kỹ năng dạy bơi cho giáo viên. Thế nhưng, do thiếu cơ sở vật chất nên hoạt động dạy bơi cho học sinh không triển khai được”.  

Song song đó, việc thiếu các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em, nhất là trong dịp hè cũng là một trong những khó khăn lớn nhất đối với công tác CSBVTE hiện nay.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bùi Ngọc Sơn cho rằng: Thông thường, kết thúc năm học, các trường đều bàn giao học sinh về cho các địa phương. Tuy nhiên, do nhiều lý do nên các hoạt động đoàn thể ở địa phương chưa thu hút được học sinh, chưa tạo ra được các sân chơi hấp dẫn và bổ ích cho các em. Sở dĩ như vậy một phần là do kinh phí còn hạn hẹp. Đối với các hoạt động hè, kinh phí cho mỗi đoàn xã chỉ khoảng 1 triệu đồng, như vậy mỗi chi đoàn thôn, bon chỉ được trên dưới 100.000 đồng, khó tổ chức được các hoạt động vui chơi cho các em một cách thiết thực, phong phú, hiệu quả. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho các em phải tự tụ tập, vui chơi không có sự kiểm soát, quản lý. Như vậy, những tiêu cực xã hội, tai nạn thương tích, bị xâm hại... luôn rình rập trẻ em là điều khó tránh khỏi.

ADQuảng cáo

Ngoài ra, công tác CSBVTE còn gặp một số khó khăn như: Việc bố trí kinh phí cho hoạt động này chưa được các địa phương quan tâm; đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em ở cấp huyện, xã chủ yếu là kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi; việc triển khai các hoạt động chưa đồng đều ở các khu vực thành thị và nông thôn...

Đơn cử như tại huyện Đắk Glong, với đặc thù là huyện có tỷ lệ hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số cao, đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, nên nhiều gia đình chưa quan tâm đúng mức đến con cái. Bên cạnh đó, tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết trên địa bàn vẫn còn phổ biến. Đây là “rào cản” lớn đối với địa phương trong việc triển khai các hoạt động CSBVTE.

Tiết mục văn nghệ của trẻ em thị xã Gia Nghĩa tại lễ kỷ niệm Ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh

Ông Vũ Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết: Chỉ riêng tại xã Đắk Som, qua khảo sát thực tế tại Trường tiểu học Vừ A Dính và Trường THCS Đắk Nang, hầu như năm học nào cũng có tình trạng học sinh nghỉ học giữa chừng để lập gia đình, dẫn đến nhiều hệ lụy. Mặc dù địa phương cũng rất chú trọng đến công tác tuyên truyền, thuyết phục nhưng dường như vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Có thể nói, công tác CSBVTE là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh thì để làm tốt công tác CSBVTE, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội cần phải cùng nêu cao trách nhiệm, chung tay góp sức.

Trước tiên, các địa phương, ngành chức năng cần rà soát, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, đơn vị. Cùng với các hoạt động như: đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; duy trì và nhân rộng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng..., các ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để từng bước nâng cao nhận thức của người dân về công tác CSBVTE.  Đặc biệt, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình cho trẻ em phải được quan tâm hơn nữa để giúp trẻ có thể tự bảo vệ bản thân trước tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước, xâm hại...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em: Cùng nêu cao trách nhiệm, chung tay góp sức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO